Nông dân xã Vân Sơn thất thu vì quả rụng

Thời điểm này hàng năm, từ ngã ba xã Quyết Chiến đi các xã vùng cao huyện Tân Lạc, quýt cổ Nam Sơn, cam Canh… rải vàng dọc hai bên đường. Tấp nập những chuyến xe hàng đưa nông sản vùng cao về nơi tiêu thụ. Tuy nhiên, năm nay, thời tiết khắc nghiệt, cam, quýt rụng đầy vườn, người dân ngao ngán. Nỗi buồn vây kín những nhà vườn vì không thu được quả ngọt trước thềm năm mới.

Your browser does not support the audio element.

Mặc dù đã đến kỳ thu hoạch, nhiều diện tích quýt cổ khô héo, rụng tràn lan, thiệt hại nặng nề đến kinh tế các hộ dân xã Vân Sơn (Tân Lạc).

Mặc dù đã đến kỳ thu hoạch, nhiều diện tích quýt cổ khô héo, rụng tràn lan, thiệt hại nặng nề đến kinh tế các hộ dân xã Vân Sơn (Tân Lạc).

Khảo sát thực tế tại vườn quýt cổ của hộ ông Đinh Văn Hưng, xóm Rồ, xã Vân Sơn, trên diện tích gần 2.000 m2, nhiều cây quýt cổ hàng chục năm tuổi quả rụng lả tả. Qua tìm hiểu được biết, tình trạng rụng quả xuất hiện từ đầu tháng 10, tăng dần trong tháng 11. Nhiều cây đã rụng quả toàn bộ, một số cây rụng quá nửa. Ông Hưng trăn trở: "Quýt năm nay vỏ dày, múi khô, nhạt hơn so với những năm trước. Năm 2019, gia đình tôi bán ra thị trường hơn 1 tấn quả, giá bình quân 15.000 đồng/kg, tổng thu ước đạt 20 triệu đồng. Tuy nhiên, với tình trạng rụng như năm nay, dự kiến chỉ thu về khoảng 5 - 6 triệu đồng”.

Theo thống kê, toàn xã hiện đã mở rộng diện tích cây có múi trên 160 ha, trong đó có 60 ha quýt cổ, còn lại là diện tích cam lòng vàng, cam Canh, trồng tập trung tại các xóm Bương Bái, Tớn Trong, Xôm… 1 ha trong thời kỳ kinh doanh có thể thu về từ 3 - 4 tấn quả. Sản lượng thu hoạch cây có múi năm 2019 đạt trên 100 tấn, giá bình quân 20.000 - 25.000 đồng/kg. Tư thương thu mua sản phẩm chủ yếu trên địa bàn và các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Thanh Hóa…

Năm 2020, diễn biến thời tiết khắc nghiệt, tình trạng mưa axit diễn ra vào cuối tháng 9 kèm theo sương muối vào sáng sớm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng quả. Tình trạng cây ăn quả rụng tràn lan, xuất hiện các vết nám và mùi hôi… Thời điểm chính vụ vào những ngày đầu tháng 12, lác đác xe tải từ các nơi về thu mua quýt cổ, không dồn dập như những năm trước đây. Nhiều nhà vườn đã lựa chọn cách bán lẻ tại các phiên chợ cụm xã, hoặc tại các chợ vùng lân cận. Mặc dù chất lượng quýt năm nay so với những năm trước không cao, nhưng do mất mùa, giá thành vẫn ổn định ở mức 20.000 - 23.000 đồng/kg.

Không chỉ với quýt cổ, nhiều hộ trồng cam lòng vàng, cam canh trên địa bàn xã cũng ngán ngẩm trước thực trạng quả rụng tràn lan. Gia đình ông Hà Văn Thiếu, xóm Chiến trồng hơn 1 ha cây ăn quả có múi từ năm 2014. Trong đó có 180 gốc cam lòng vàng, gần 100 gốc cam Canh được mua giống tại huyện Cao Phong. Những năm gần đây, gia đình ông Thiếu bán ra thị trường khoảng 10 tấn quả có múi, tổng thu hơn 200 triệu đồng. Riêng năm 2019 thu trên 12 tấn, giá bình quân 22.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay đứng trước nguy cơ mất trắng cả vườn. Từ đầu vụ đến nay, gia đình mới thu được vỏn vẹn 1 tấn.

Đồng chí Bùi Văn Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho biết: "Trước thực trạng cây ăn quả có múi trên địa bàn rụng tràn lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của các hộ, xã đã báo cáo phòng chuyên môn của UBND huyện. Đối với diện tích cây có múi trong thời kỳ thu hoạch, xã tuyên truyền người dân đẩy nhanh tiến độ thu hái, đảm bảo chất lượng quả đưa đến tay người tiêu dùng. Mong muốn các ban, ngành, đoàn thể quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ bà con đánh giá nguyên nhân, giải pháp hạn chế tình trạng rụng quả ở cây có múi. Tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao KHKT để áp dụng vào quá trình chăm sóc, nâng cao chất lượng quả và năng suất. Qua đó, nhanh chóng khắc phục tình trạng quả rụng tràn lan trong thời gian sớm nhất, ổn định tình hình phát triển kinh tế, thúc đẩy nâng cao thu nhập của Nhân dân trên địa bàn.

Đức Anh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/147982/nong-dan-xa-van-son-that-thu-vi-qua-rung.htm