NSƯT Lê Vi giấu đạo diễn vác 'bụng bầu' đến phim trường Cây bạch đàn vô danh
Khi thời gian quay kéo dài, NSƯT Lê Vy phải 'vác' bụng bầu đến phim trường Cây bạch đàn vô danh để quay thêm cảnh.
“Cây bạch đàn vô danh” – một áng phim buồn, sâu sắc của điện ảnh Việt Nam những năm 90.
Ra đời năm 1994, tác phẩm không chỉ tái hiện sự khốc liệt của chiến tranh, mà còn lật mở những góc tối trong tâm hồn con người – nơi nỗi cô đơn khắc khoải, sự mất mát đau thương vẫn âm ỉ ngay cả ở hậu phương, nơi không có bom rơi, đạn nổ.

Bộ phim Cây bạch đàn vô danh.
“Cây bạch đàn vô danh” - một áng phim buồn, sâu sắc
Cây bạch đàn vô danh kể về một câu chuyện tình éo le và cảm động được thể hiện trên bối cảnh nông thôn miền Bắc những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt được phác họa khá chân thực trong một không khí bừng bừng "tất cả cho tiền tuyến".
Bộ phim tập trung vào khát vọng sống và sự giằng xé nội tâm của hai con người cô đơn: Bạch Vân - người đàn ông góa vợ, cha của liệt sĩ và Bình - người đàn bà có chồng đi chiến đấu xa, rồi hy sinh. Họ đã "vượt rào" trong sự phản đối rèm pha của xóm làng.
Cũng từ 2 nhân vật này, khán giả được thấy một lớp người ở hậu phương luôn hướng về và góp phần cho cách mạng.
Ông Bạch Vân hiện lên với sự chờ đợi khắc khoải tin con ở chiến trường, rồi những đóng góp dỡ nhà cho bộ đội lấy ván để thông xe. Cô Bình hiện lên với hình ảnh người vợ ngóng chờ chồng đi chiến đấu xa, nhưng vẫn tần tảo vác đất đắp đê.

Hình ảnh ông Bạch Vân tiễn biệt con ra chiến trường.
Dẫu rằng họ phải bỏ làng đi, nhưng như những "cây bạch đàn vô danh", họ vẫn trở về với cội nguồn làng xóm và sức sống dẻo dai khiến họ vượt qua mọi sự khắc nghiệt, sống mãi với thời gian.
Ấn tượng mạnh nhất mà bộ phim để lại là sự mộc mạc mà táo bạo của tính cách nhân vật, sự quyết liệt mà sâu lắng của tình huống.
Dưới bàn tay tài hoa của bộ đôi đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và Phạm Nhuệ Giang, “Cây bạch đàn vô danh” hiện lên như một bản giao hưởng trầm buồn về thân phận, về ký ức và cả những ẩn ức không thể gọi tên. Một bộ phim không chỉ để xem – mà là để cảm, để suy ngẫm và để nhớ mãi.
NSƯT Lê Vi giấu đạo diễn mang bụng bầu đến phim trường

Nghệ sĩ Lê Vy giấu đạo diễn mang bụng bầu đến phim trường.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân chia sẻ về câu chuyện NSƯT Lê Vy đã mang bụng bầu đến phim trường trong thời gian “Cây bạch đàn vô danh” quay hình.
Khi thời gian quay kéo dài, nghệ sĩ Lê Vy phải “vác” bụng bầu đến phim trường quay thêm cảnh, ekip làm phim đã phải lựa chọn góc quay, khéo léo trong khâu dàn cảnh để có thể che đi bụng bầu.
Kể cả khi đoàn phim chưa biết nghệ sĩ Lê Vy có bầu, có cảnh vác đất nặng, đạo diễn đề xuất diễn viên đóng thế nhưng cô từ chối và muốn tự mình đóng phân cảnh đó. Khi nhắc lại kỉ niệm đó, NSND Nguyễn Thanh Vân cũng không khỏi xúc động.
Nếu trong Truyện cổ tích cho tuổi 17, NSƯT Lê Vy chỉ mới hé lộ tiềm năng thì ở bộ phim này, chị thực sự thăng hoa, chạm tới độ chín trong diễn xuất – một vai diễn có thể đặt ngang hàng với vai Duyên của người chị gái tài danh NSƯT Lê Vân.
Nhân vật Bình của Lê Vy không giống những phụ nữ cam chịu thường thấy; cô mạnh mẽ, thẳng thắn và sẵn sàng đối mặt với định kiến xã hội, thậm chí dứt bỏ quá khứ để cùng ông Vân bỏ làng quê xóm cũ, bước vào một hành trình sống mới.
Ánh mắt đầy nội lực của Lê Vy, kết hợp với sự kiệm lời nhưng sâu sắc của Hồng Sơn, đã tạo nên một cặp đôi nông thôn chân thật, đẹp và giàu nội tâm bậc nhất trên màn ảnh Việt.
Bộ phim Cây bạch đàn vô danh từng đoạt Giải Bông sen bạc, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XI – 1996; Giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Lê Vy, Giải Quay phim xuất sắc nhất cho Nguyễn Đức Việt, Giải Âm nhạc xuất sắc nhất cho Phó Đức Phương; Giải B Hội Điện ảnh Việt Nam 1995; Giải Ngọn đuốc đồng tại Liên hoan phim Quốc tế Bình Nhưỡng 1996.