NTK Sỹ Hoàng: 'Áo dài cách tân phản cảm không đáng để quan tâm'

Theo nhà thiết kế kỳ cựu, thay vì chỉ trích, phản ứng trước kiểu áo dài cách tân quá đà, khán giả nên bỏ qua, đừng quan tâm.

Áo dài vốn là quốc phục, tôn vẻ đẹp duyên dáng, thanh lịch cho người phụ nữ Việt Nam. Cùng với dòng chảy của văn hóa, sự thay đổi của thời gian, mẫu trang phục được cách tân, biến tấu để phù hợp hơn với đời sống. Tuy nhiên, dù cách tân thế nào, thân áo kín đáo và phần quần dài mềm mại vẫn được coi là linh hồn, không thể thay đổi.

Do áo dài gắn với các giá trị văn hóa Việt, nên khán giả thường phản ứng dữ dội trước những màn biến tấu lệch chuẩn đến phản cảm của nhiều nghệ sĩ.

 Hoàng Thùy Linh bị một bộ phận khán giả phản ứng vì mặc váy giống áo dài.

Hoàng Thùy Linh bị một bộ phận khán giả phản ứng vì mặc váy giống áo dài.

Mới đây, Hoàng Thùy Linh mặc chiếc đầm in họa tiết tranh Hàng Trống có kiểu dáng gần giống áo dài đã bị một bộ phận khán giả chỉ trích. Luồng dư luận cho rằng nữ ca sĩ đã gây sự chú ý cho sản phẩm mới bằng cách mặc áo dài không quần.

Tuy nhiên, nhà thiết kế Sỹ Hoàng nhận định Hoàng Thùy Linh mặc đầm chứ không phải áo dài. Theo anh, cấu trúc tay áo ra tận ngón tay, phần xẻ ở đùi đều không phải đặc điểm của áo dài. Sự phản ứng mạnh mẽ của khán giả với một thiết kế gần giống áo dài chứng tỏ việc nghệ sĩ mặc trang phục áo dài cách tân hoặc hơi hướm trang phục dân tộc đều bị chú ý và dễ gây ra phản ứng trái chiều.

Trao đổi với Zing về sự cách tân áo dài, nhà thiết kế Sỹ Hoàng cho rằng đây là điều bình thường, tất yếu, phù hợp với sự vận động của đời sống xã hội. Theo anh, việc cách tân áo dài đã bắt đầu từ năm 1934.

"Trải qua thời gian, dù áo dài lại được thay đổi, trang phục vẫn phải giữ được hồn cốt, để người ta nhìn vào biết ngay là áo dài, không cần phải giải thích. Đó là cấu trúc của áo dài, vẻ đẹp thẩm mỹ, mềm mại", anh nhấn mạnh.

Sỹ Hoàng cho rằng khi một thiết kế cách tân phản cảm, phá hình thức, làm mất vẻ đẹp của áo dài thì sẽ bị phản đối và không thể tồn tại lâu dài.

"Một sáng tạo nghệ thuật ở bất cứ lĩnh vực nào, trong đó có áo dài, nếu tốt sẽ được chấp nhận, ngược lại sẽ bị đào thải. Độ dài của thời gian mới là thước đo giá trị thực sự. Nghệ sĩ mặc áo dài phản cảm thì họ phải chịu sự phản đối từ khán giả và tự chịu trách nhiệm", nhà thiết kế kỳ cựu nêu quan điểm.

Hình ảnh những bộ áo dài bị cho là cách tân phản cảm.

Hình ảnh những bộ áo dài bị cho là cách tân phản cảm.

Theo anh, những bộ áo dài phản cảm xuất phát từ ý đồ, thủ thuật của người làm, người mặc. "Họ muốn gây chú ý dù theo cách tai tiếng. Và nếu khán giả vì lòng yêu nước mà lên tiếng, phản ứng là rơi vào bẫy truyền thông của họ. Cách tốt nhất để những mẫu thiết kế ấy biến mất là không quan tâm, tránh nhắc về nó", anh nhận định.

Anh đồng thời cho rằng những bộ áo dài cách tân phản cảm chỉ là hiện tượng vụt lên và sẽ nhanh chóng bị đào thải. Do đó, chỉ một bộ phận khán giả lên tiếng chỉ trích, chứ không có sự tham gia của các nhà văn hóa, chuyên gia.

"Nếu đụng tới văn hóa một cách nghiêm trọng như sự việc nhà thiết kế Trung Quốc trình diễn bộ sưu tập áo dài cho rằng là của mình, chúng tôi chắc chắn sẽ lên tiếng mạnh mẽ. Ngoài ra, các nhà văn hóa, dân tộc học cũng sẽ không im lặng", Sỹ Hoàng nói.

Hải Thanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ntk-sy-hoang-ao-dai-cach-tan-phan-cam-khong-dang-de-quan-tam-post1070015.html