Nữ chiến sỹ cách mạng miền Nam bốn lần gặp Bác Hồ

Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021), chúng tôi có dịp trò chuyện với nữ chiến sỹ cách mạng kiên trung Nguyễn Thị Châu. Bà cũng là người phụ nữ hiếm hoi ở miền Nam vinh dự bốn lần được gặp Bác Hồ.

Ảnh tư liệu bà Châu (đeo khăn rằn, bên trái) chụp ở Hà Nội

Ảnh tư liệu bà Châu (đeo khăn rằn, bên trái) chụp ở Hà Nội

Son sắt với cách mạng

Trong không khí sục sôi của những ngày tháng 4 lịch sử, bà Châu không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ lại chặng đường hoạt động cách mạng nảy lửa của đồng bào, chiến sỹ miền Nam, trong đó có bà và chồng là tử tù lừng danh Lê Hồng Tư.

Bà Châu là nữ chiến sỹ cách mạng kiên trung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, đông con ở Biên Hòa, do ba mất sớm nên từ nhỏ, bà phải phụ mẹ công việc buôn bán để nuôi đàn em thơ.

Được tiếp cận với hoạt động cách mạng từ nhỏ nên lòng yêu nước, sự căm thù quân địch và bè lũ bán nước đã in sâu trong tâm trí bà. Ngày ấy, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng bà Châu vẫn nuôi ý chí được đến trường để có công việc ổn định hòng đỡ đần mẹ về sau.

Năm 1955, sau một quá trình đấu tranh, bà lên Sài Gòn nhập học. Tại đây, người con gái Biên Hòa gặp anh Tư, một đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam. Nhờ sự dẫn dắt của anh Tư, Châu trở thành gương mặt tiêu biểu trong phong trào học sinh sinh viên yêu nước Sài Gòn. Mối lương duyên của Châu, Tư cũng bắt đầu từ đó.

Khoảng thời gian sau Tết năm 1961, do có phần tử phản bội khai báo nên bà Châu bị bắt cùng một số đồng chí khác. Trong tù, bà phải nếm đủ thứ tra tấn, cúp phạt, từng chết đi sống lại nhiều lần nhưng ý chí cách mạng của người con gái miền Nam vẫn trước sau như một, không ai có thể khuất phục bà.

Những ngày trong ngục tù, hay tin anh Tư cũng bị địch bắt, cứ ngỡ cả hai sẽ không còn cơ hội gặp lại nhau. Cảm xúc, nỗi nhớ người yêu da diết được bà ngẫu hứng qua 4 câu thơ khắc trên tường:

“Áo trắng em chưa vướng bụi đời

Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi

Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót

Áo trắng này vẫn nguyện trắng mãi thôi”

Về sau, những vần thơ của bà trở thành đề tài bất hủ cho giới văn nghệ sỹ, chuyện tình đầy bão táp của bà Châu, ông Tư cũng được nhiều người chú ý, họ thán phục và ngưỡng mộ ý chí, lòng thủy chung son sắt của cặp đôi cách mạng.

Nữ chiến sỹ cách mạng kiên trung Nguyễn Thị Châu

Nữ chiến sỹ cách mạng kiên trung Nguyễn Thị Châu

Hiện tại, ở tuổi gần 90, nữ chiến sỹ cách mạng kiên trung và tử tù lừng danh Lê Hồng Tư đang có cuộc sống hạnh phúc bên nhau. Tuy nhiên, do tuổi đã lớn nên sức khỏe bà Châu đã giảm sút, trí nhớ không còn được minh mẫn như trước. Mong muốn hiện tại của bà Châu là đất nước dành nhiều nguồn lực để chăm lo cho trẻ em, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành như hiện nay.

Chiến tranh đã đi xa nhưng ký ức kháng chiến vẫn đọng mãi trong tâm trí của bà. Đến nay, bà Châu vẫn còn lưu giữ áo bà ba, khăn rằn, bộ trang phục quen thuộc của người chiến sỹ cách mạng miền Nam.

Những dấu ấn khó quên

Năm 1964, sau khi thoát khỏi vòng vây ngục tù, bà Châu và chị Phan Thị Quyên (vợ anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi) được Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định bố trí ra Bắc chữa bệnh và học tập.

Năm 1969, bà vinh dự cùng Đoàn đại biểu miền Nam ra thăm Thủ đô. Ngày 18/5/1969, người của Ủy ban thống nhất đến báo hai chị em mặc đẹp, chuẩn bị đi công tác.

9h30 sáng 19/5/1969, một chiếc xe Vonga đến rước bà Châu và chị Quyên. Khi xe chạy vào cửa Phủ Chủ tịch, lúc này bà Châu ngờ ngợ là hai chị em bà được đưa đến gặp Bác Hồ. Hai người nắm chặt tay nhau sung sướng.

Ra đón hai chị em bà là đồng chí Vũ Kỳ. Sau khi chào hỏi, đồng chí Vũ Kỳ nói: “Biết tin các đồng chí ra, Bác dành ngày này đón hai cháu miền Nam vào vui sinh nhật Bác”. Rồi chú Vũ Kỳ căn dặn, lúc này Bác rất dễ bị xúc động mạnh, có hại đến sức khỏe. Hai cô chú ý chuyện này, gặp Bác Hồ là không được khóc. Một lát nữa, hai cô sẽ gặp và cùng ăn cơm với Bác, hôm nay có anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) nữa.

Nhắc đến Bác Hồ, bà Châu và chị Quyên vui sướng nghẹn ngào, nước mắt rưng rưng vì Bác bận trăm công nghìn việc mà vẫn đêm ngày nhớ miền Nam, quan tâm đến các cháu miền Nam. Lúc này, chú Vũ Kỳ tươi cười: “Ấy chết, chưa chi mà khóc rồi! Làm sao được! Bây giờ tôi dặn đây hai cô phải nghe và chấp hành cho tốt nhé. Làm đúng mới được gặp Bác”.

Bà Châu và chị Quyên hứa sẽ làm đúng. Khi thấy Bác mặc bộ đồ ka-ki vàng, râu tóc bạc phơ, chống gậy thoăn thoắt qua cầu, bà Châu cứ ngỡ như một ông tiên đang đi về phía mình. Hai bà chạy ào đến ôm lấy Bác khóc òa lên. Những giọt nước mắt cảm động, sung sướng. Bác dang rộng tay, âu yếm rồi hỏi thăm.

Một lúc sau, bà Châu mới bình tĩnh chúc Bác sức khỏe và không quên nhắc lại tâm nguyện của đồng bào, chiến sỹ miền Nam: “Bác ơi, đồng bào miền Nam ngày đêm mong nhớ Bác”.

Bà Nguyễn Thị Châu và ông Lê Hồng Tư đang có cuộc sống hạnh phúc bên nhau

Bà Nguyễn Thị Châu và ông Lê Hồng Tư đang có cuộc sống hạnh phúc bên nhau

Bữa cơm trưa hôm đó, Bác ngồi giữa, ân cần gắp thức ăn cho bà Châu và chị Quyên. Bác hỏi rất nhiều chuyện, như chuyện riêng của chị Quyên và anh Trỗi, của bà và ông Tư, về phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên Sài Gòn, về đời sống của đồng bào lao động các đô thị miền Nam, bộ đội miền Nam. Bác hỏi các em thiếu nhi miền Nam thất học nhiều ít? Vùng nào bị đói nặng? Bác hỏi rất kỹ những gương phụ nữ miền Nam anh hùng đã đăng trên các báo Hà Nội…

Sau đó, đồng chí Vũ Kỳ đề nghị Bác chụp ảnh kỷ niệm với hai cháu miền Nam. Bác suy nghĩ một lát rồi nói: “Thôi để hai cháu đi công tác ở nước ngoài về rồi chụp”. Không được chụp ảnh với Bác, bà và chị Quyên rất buồn nhưng sau đó mới biết lý do là Bác muốn giữ cho bà và chị Quyên để về Sài Gòn hoạt động không bị lộ.

Ngày 5/6/1969, bà và chị Quyên được gặp Bác lần thứ hai. Khi cả hai chuẩn bị đi dự Đại hội phụ nữ quốc tế. Ngày 12/7/1969, bà Châu, chị Quyên được gặp Bác lần thứ 3.

Lúc chuẩn bị đi dự Đại hội liên hoan thanh niên sinh viên thế giới, bà Châu được vào gặp Bác lần thứ tư, đó cũng là lần cuối cùng người con miền Nam được gặp Bác. Lần này, sức khỏe Bác đã yếu, hình ảnh Bác ngồi trên ghế mây ho sụt sùi khiến bà Châu không cầm được nước mắt mỗi khi nhớ lại.

“Mấy cháu nên cố gắng học tập, học về chuyên môn, học về chính trị, chỗ nào chưa biết thì cố gắng tìm hiểu, chỗ nào biết thì phát biểu khiêm tốn, không được học thói xấu của Bác là không lấy vợ và hút thuốc lá”, bà Châu nhớ lại những lời căn dặn của Bác.

Sau khi trở về miền Nam, bà được phân công về Quận 10 để tổ chức nhân dân nổi dậy khởi nghĩa. Sau giải phóng, bà giữ cương vị Chủ tịch Quận 10 và nhiều chức vụ khác của TP.HCM.

Nhắc lại những lần được gặp Bác, bà Châu không giấu được nước mắt, trong trái tim người chiến sỹ cách mạng miền Nam, Bác hiện lên như một người cha giàu lòng nhân ái, bao dung. Bà còn nhớ rõ món canh cá, cá kho trong mâm cơm ngồi ăn chung với Bác Hồ.

“Hồi đó mỗi lần gặp Bác, tôi đều ghi ghép lại, từ cảm xúc lúc gặp Bác, cách Bác đối xử với mọi người, rồi những lời Bác hỏi, Bác dặn. Sau đó vạch ra kế hoạch sẽ làm gì để không phụ lòng của Bác”, bà Châu nhớ lại.

Văn Vũ - Kim Sáng

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/nu-chien-sy-cach-mang-mien-nam-bon-lan-gap-bac-ho-79868.html