Nữ diễn viên trả giá vì câu nói 'đàn ông tầm thường sao tự tin vậy'

Các nữ diễn viên hài độc thoại như Yang Li đều đối mặt với định kiến về giới. Những trò đùa về giới tính luôn bị khán giả phản ứng.

“Diễn viên nam không đáp ứng được nhu cầu của tôi”, giám khảo Lou Yong Hao nói trong đêm chung kết cuộc thi hài kịch Rock & Roast, sau khi chứng kiến màn biểu diễn của các diễn viên hài độc thoại Yang Li và Li Xuequin.

Yang Li vốn là cựu biên kịch phim, cô chuyển sang diễn hài độc thoại từ năm 2018. Tuy nhiên, cô có được sự chú ý, bước đột phá trong sự nghiệp nhờ màn trình diễn trong Rock & Roast. Những câu đùa sâu cay về đàn ông, các mối quan hệ đưa cô đến với sự nổi tiếng, nhưng đồng thời cũng là thứ khiến cô trở thành tâm điểm của chỉ trích.

“Đàn ông không chỉ đáng yêu mà còn rất bí ẩn. Điều tôi không hiểu là họ trông rất tầm thường thôi sao lại tự tin như vậy”. Đây là câu đùa bắt nguồn cho chuỗi ngày dài bị tẩy chay của nữ diễn viên chọn theo con đường hài độc thoại.

Chuyện gì xảy ra với Yang Li?

Yang Li không phải là người phụ nữ duy nhất theo đuổi hài độc thoại. Không phải chỉ riêng cô nói những câu châm biếm. Tuy nhiên, sự thẳng thắn và trò đùa sâu cay lại khiến cô gặp rắc rối.

Câu nói “bạn rất tầm thường nhưng quá tự tin” của nữ diễn viên bị cắt ra và trở thành trào lưu trên Weibo. Trên thực tế đây chỉ là câu đùa tầm thường, song có nhiều người, đặc biệt là đàn ông không hài lòng.

“Vấn đề của Yang là bị nhiều đàn ông nói cô đang mượn chuyện giới tính để nhắm đến họ. Tuy nhiên, nếu họ càng phản ứng thì chỉ càng chứng minh câu nói của Yang là đúng”, Lian, giám khảo của Rock & Roast nói sau khi Yang bị chỉ trích.

Yang Li bị chỉ trích vì trò đùa nam giới.

Yang Li bị chỉ trích vì trò đùa nam giới.

Lian chỉ là số ít nam giới ủng hộ Yang. Nhiều người cảm thấy câu đùa này xúc phạm nam giới. Cô thậm chí bị dân mạng gọi là "côn đồ" sau màn hài độc thoại.

Chu Yin, giáo sư luật tại ĐH Quan hệ Quốc tế, làm hai video để đáp trả Yang. “Theo cô, một người đàn ông phải như thế nào để tự tin đứng trước mặt cô? Đàn ông sẽ không sao, nhưng cô sẽ trông rất xấu xí nếu không trang điểm đấy”, Yin đáp trả.

Ở Trung Quốc, Chu Yin được xem là chuyên gia bảo thủ. Không chỉ công kích ngoại hình Yang, ông gọi những người ủng hộ cô là “những nàng công chúa hư hỏng” và khẳng định Yang Li lợi dụng nữ quyền để kiếm tiền.

Chia sẻ với SupChina, Chu Yin khẳng định anh không công kích Yang Li mà là lên án những người mượn câu nói của cô để hạ bệ người khác.

“Màn trình diễn của Yang không đơn giản là hài, đó là sự trút giận. Lời nói của cô ấy đánh trúng tâm lý nữ quyền trên Internet, những người chỉ chạy theo phương Tây nhưng không hiểu chuyện gì đang xảy ra trong cuộc sống thực”, Chu Yin nói với SupChina.

Nghịch lý bình đẳng giới ở Trung Quốc

Trong cuộc phỏng vấn với GQ phiên bản Trung Quốc, Yang nói cô bị sốc trước những gì đang diễn ra.

“Mãi đến khi đọc bình luận trên mạng, tôi mới nhận ra màn trình diễn của mình bị phản ứng gay gắt. Điều đó làm tôi sợ hãi. Tôi giống như bị kéo vào cuộc chiến mà tôi không phải là người khơi mào”, cô nói.

“Tôi chỉ cố tỏ ra hài hước. Trong đêm diễn, tôi cũng mượn hình ảnh của phụ nữ ra chế nhạo chứ không chỉ nam giới. Các bạn gái đâu phản ứng vì điều đó. Hay là do quan điểm phụ nữ chúng tôi là trò đùa đã quá quen thuộc? Nam giới trước đây ít bị đùa như vậy nên đâm ra phản ứng?”, cô nói thêm.

Một số chuyên gia cho rằng phản ứng thái quá của phái nam với trò đùa của Yang Li chỉ tô đậm định kiến “đặc quyền nam giới” trong xã hội Trung Quốc. “Chúng ta có thể thấy rõ những người đàn ông đang hưởng nhiều đặc quyền trong xã hội trọng nam khinh nữ”, Ge Liang, chuyên gia về giới của ĐH King’s College London, Anh nói với SupChina.

Những nghệ sĩ hài độc thoại như Yang Li luôn gặp nhiều định kiến.

Những nghệ sĩ hài độc thoại như Yang Li luôn gặp nhiều định kiến.

So với những thể loại hài truyền thống của Trung Quốc như biểu diễn ký họa hoặc xuyên âm, hài độc thoại là thể loại hài kịch du nhập từ phương Tây, thân thiện với phụ nữ hơn.

“Trong các vở diễn hài kịch truyền thống của Trung Quốc, phụ nữ luôn là điểm gây cười và bị mang ra làm trò đùa, bao gồm khả năng lái xe kém, thói hư vinh hoặc dễ xúc động… Phụ nữ chúng tôi gặp như vậy đã nhiều, thậm chí bị xem là điều hiển nhiên”, Huang He, nữ diễn viên hài nói với SupChina.

Hài xuyên âm (thể loại hài thường xuyên chơi chữ, dùng những câu nói sâu cay để châm biếm) ra đời cách đây đã lâu, nhưng đó là sân chơi dành cho nam giới. Ở đó, hai nghệ sĩ đá đểu nhau và mang lại tiếng cười cho khán giả.

Hài độc thoại tương tự vậy, nhưng khác hơn đôi chút là nghệ sĩ mượn khán giả làm đề tài để châm biếm. Đây vốn dĩ là chuyện bình thường ở phương Tây, nhưng khi du nhập sang Trung Quốc lại làm nhiều người thấy khó chịu.

“Ở phương Tây, hài độc thoại có quyền xúc phạm khán giả, chính quyền hoặc chuẩn mực xã hội, nhưng phải hài hước. Một số người Trung Quốc lại chưa quen với điều đó và cho rằng đây là cách diễn thô lỗ, thiếu tôn trọng”, Tony Chou, chủ CLB Humor Section Bắc Kinh, nói với BBC.

Cách diễn xuất của Yang Li không chỉ làm dấy lên làn sóng phản đối ở khán giả. Nhiều diễn viên cũng có tranh cãi về thể loại hài độc thoại. Trong số đó, ý kiến của diễn viên Mỹ gốc Hoa Joe Wong lại được khán giả chú ý. “Thể loại hài độc thoại là tiếng nói cho những người yếu thế trong xã hội Trung Quốc, bao gồm phụ nữ”, anh khẳng định.

Theo BBC, vấn đề sâu xa hơn từ vụ việc của Yang Li là câu chuyện nữ quyền ở Trung Quốc.

Tuy Yang Li chưa bao giờ công khai tuyên bố cô là nhà hoạt động nữ quyền, các nhà phê bình, chuyên gia cho rằng nữ diễn viên hài là một nhà nữ quyền, vì những người ủng hộ cô đều lên tiếng vì phụ nữ.

 Nữ quyền luôn là điều khó khăn ở Trung Quốc.

Nữ quyền luôn là điều khó khăn ở Trung Quốc.

Phía ủng hộ Yang Li lại cho rằng cô bị phản đối chỉ vì định kiến đàn ông vượt trội hơn nữ giới. Tuy nhiên, dù nam hay nữ, định kiến về giới đều đẩy nam giới và phụ nữ trở thành nạn nhân.

Tại Trung Quốc và những nước châu Á nói chung, đàn ông phải có tài sản dư thừa, bao gồm nhà và xe hơi để có thể kết hôn và trở thành trụ cột gia đình.

“Đàn ông Trung Quốc phải đối mặt với nhiều kỳ vọng nặng nề. Điều đó dẫn đến việc nam giới mệt mỏi trước kỳ vọng xã hội gán cho họ, thậm chí có người trầm cảm. Việc xem thường phụ nữ cũng từ đó mà ra”, nhà hoạt động nữ quyền Xiong Jing khẳng định với BBC.

Trước những chỉ trích, Yang Li chọn cách không trả lời thêm. Cô chỉ đơn giản viết trên trang cá nhân: "Những bất công không bao giờ kết thúc, rất khó khăn để tồn tại trong ngành công nghiệp này".

Trạch Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nu-dien-vien-tra-gia-vi-cau-noi-dan-ong-tam-thuong-sao-tu-tin-vay-post1203954.html