Nữ founder local brand Việt nhận sai, tuyên bố đóng cửa
Founder thương hiệu thời trang Lam Khue bất ngờ tuyên bố rời thị trường, thẳng thắn chia sẻ về sai lầm của bản thân và nhiều nhà sáng lập khác trong quá trình kinh doanh.

Hương Phạm thẳng thắn nhận sai. Ảnh: Hương Phạm/Facebook.
Ngày 16/7, Hương Phạm, nhà sáng lập local brand Lam Khue (Hà Nội), gây chú ý khi chia sẻ về quyết định đóng cửa thương hiệu. Bài viết hiện thu về hơn 13.000 lượt thích và 17.000 lượt chia sẻ.
Đáng chú ý, Hương Phạm thừa nhận mọi sai lầm trong quá trình xây dựng và vận hành thương hiệu. Cô mở đầu bài đăng bằng câu: “Một local brand thất bại không phải vì người sáng lập không giỏi hay không chăm, mà bởi tư duy sai lầm cho dù đã làm việc rất nỗ lực”.
Lam Khue là nhãn hàng tiếp theo tuyên bố rời cuộc chơi trong năm nay, phản ánh thị trường thời trang cạnh tranh khốc liệt. Tri Thức - Znews đã liên hệ, song chưa nhận được phản hồi từ người đứng đầu thương hiệu.
Trước đó, những cái tên đáng chú ý như LUU VIETANH hay DANGHAIYEN cũng nói lời tạm biệt sau nhiều năm hoạt động.
Thẳng thắn nhận sai
Sai lầm đầu tiên được Hương Phạm nhắc đến là suy nghĩ cho rằng “thị trường khó khăn”. Theo cô, đây là tâm lý đổ lỗi cho hoàn cảnh, không nhận thấy lý do để chủ động thay đổi, giới hạn khả năng thích nghi.
Thứ hai, nhà sáng lập Lam Khue nhận thấy thương hiệu của mình và nhiều local brand khác không có định hướng rõ ràng và nhất quán. Nhiều người bắt đầu với niềm đam mê, quản trị một cách bản năng, không xác định rõ khách hàng tiềm năng, tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi.
Đối với các tập đoàn lớn, thương hiệu được vận hành bởi nhiều bộ phận. Song, với local brand, thương hiệu là hiện thân của nhà sáng lập. Vì vậy, sai lầm nằm ở việc nhiều người đứng đầu chưa hiểu được chính mình.


Thương hiệu Lam Khue đóng cửa khiến nhiều khách hàng trung thành tiếc nuối.
Thứ ba, Hương Phạm thừa nhận từng không đặt mục tiêu cụ thể, rõ ràng và có thể đo lường được. Sai lầm này đến từ tư duy lãng mạn hóa sự cố gắng, cho rằng chỉ cần làm hết mình sẽ có kết quả.
Thứ tư, một sai lầm phổ biến được nhà sáng lập local brand này nhắc đến là quá yêu sản phẩm mà quên mất các thiết kế xuất hiện để phục vụ khách hàng, Cô cho rằng nhiều người làm sáng tạo dành tâm huyết để tạo ra những món đồ đẹp, độc đáo theo cảm nhận và lý tưởng thẩm mỹ cá nhân, thiếu đi góc nhìn từ khách hàng.
Thứ năm, Hương Phạm cũng thừa nhận từng coi nhẹ việc quản trị tài chính, thậm chí không tách bạch tài chính doanh nghiệp với tài chính cá nhân. Doanh thu, chi phí của thương hiệu được theo dõi một cách sơ sài, thiếu báo tài chính cụ thể.
Thứ sáu, founder Lam Khue nhận sai khi không biết cách “nhân bản chính mình” bởi chưa hiểu tầm quan trọng của đào tạo và thiếu nghiêm khắc với nhân sự. Theo cô, phương pháp quản lý này tạo ra một đội ngũ trung thành nhưng không trưởng thành.
Cuối cùng, Hương Phạm khẳng định việc nhà sáng lập không xây dựng thương hiệu cá nhân khiến khách hàng cảm thấy mất kết nối với thương hiệu. Founder vốn là một kênh truyền thông mạnh mẽ trên thị trường local brand Việt hiện nay.
Không chỉ Lam Khue
Lam Khue không phải trường hợp cá biệt. Làn sóng đóng cửa càn quét thị trường thời trang Việt từ năm ngoái đến năm nay.
Hồi tháng 6, Lưu Việt Anh, founder của nhãn hàng túi xách cùng tên, cũng chia sẻ đầy xúc động về quyết định đóng cửa thương hiệu. Người đứng sau LUU VIETANH cho biết luôn chờ đợi thị trường chấp nhận chi trả trong 4 năm qua, nhưng không thể tiếp tục duy trì ở thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, nhà thiết kế cũng chỉ ra mức độ cạnh tranh khốc liệt của ngành hàng túi xách. Sự xuất hiện dày đặc của những sản phẩm sở hữu mức giá biến động trên sàn thương mại điện tử hay các phiên livestream trở thành thách thức đối với thương hiệu. Việt Anh cho biết cảm thấy kiệt sức, phải đưa ra quyết định dừng lại ở giai đoạn này.


Thương hiệu LUU VIETANH (ảnh trái) và DANGHAIYEN đồng loạt rời thị trường.
Cùng thời điểm, thương hiệu thời trang thiết kế DANGHAIYEN cũng tuyên bố dừng hoạt động cửa hàng tại Hà Nội. Nhãn hàng này có 10 năm kinh doanh, gắn liền với phong cách quiet luxury (sang trọng thầm lặng) từ những ngày đầu thành lập.
Trên fanpage, thương hiệu khẳng định “không đi theo lối truyền thông ồn ào”, “không đổ lỗi cho hoàn cảnh” và “không tìm kiếm sự cảm thông”. Nhãn hàng thừa nhận thị trường thay đổi nhanh, mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt gây ra những khó khăn lớn.
Local brand này cho biết dừng lại để học cách thích nghi, kết nối và kể câu chuyện của mình đúng cách.
Như vậy, những thương hiệu rời đi trong thời gian gần đây đều nhận thấy sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và sai lầm trong quá trình vận hành. Để tồn tại trong giai đoạn khó khăn này, sự thay đổi và thích nghi được xem là yếu tố tiên quyết.