Nữ thanh niên dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo ở Hà Giang

Đời sống kinh tế-xã hội của Xín Mần và Hoàng Su Phì, những huyện nghèo và khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang đang dần đổi thay nhờ sự nhạy bén, năng động và tinh thần vươn lên thoát nghèo của những thanh niên dân tộc thiểu số.

Dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số” do tổ chức Plan International Việt Nam và Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Plan Nhật Bản tài trợ, được triển khai tại 8 xã: Tân Tiến, Pố Lồ, Bản Luốc, Chiến Phố, Tụ Nhân (huyện Hoàng Su Phì) và Nàn Ma, Tả Nhìu, Nấm Dẩn (huyện Xín Mần) tỉnh Hà Giang từ năm 2021.

Dự án thông qua cung cấp các khóa đào tạo liên quan về nông nghiệp, chăn nuôi và khởi nghiệp nhằm trang bị cho thanh niên các kỹ năng và kiến thức giúp họ tăng thu nhập, chủ yếu là những thanh niên trong độ tuổi từ 16-30 thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ gia đình có người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ....

Những mô hình làm kinh tế hiệu quả

Tại xã Nàn Ma (huyện Xín Mần, Hà Giang), cuộc sống của gia đình chị Cháng Thị Ngọc, 30 tuổi, dân tộc Nùng đã dần cải thiện nhờ sự quyết tâm tìm hướng thoát nghèo.

Chị Cháng Thị Ngọc chia sẻ với cán bộ dự án về tình hình nuôi dê của gia đình. (Ảnh: Lê An)

Trước đây, hai vợ chồng chị Ngọc từng đến các thành phố lớn để làm phụ hồ. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng chị không có việc làm, phải trở về quê và rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Đăng ký tham gia dự án "Tăng cường trao quyền phát triển sinh kế cho thanh niên dân tộc thiểu số" từ tháng 8/2022, chị Ngọc được tặng 1 con dê giống. Sau đó chị quyết định bán các vật dụng trong nhà để mua thêm 2 con dê và nhân giống thành công.

Tới nay, đàn dê của chị Ngọc sắp sang lứa thứ ba, nâng tổng số dê lên 9 con. Chị cho biết giá thành mỗi con dê bán được khoảng 3 triệu đồng, mang lại hy vọng cải thiện cuộc sống cho gia đình trong thời gian tới.

Chị Ngọc chia sẻ, chi phí nuôi dê không phải bỏ vốn mua thức ăn vì được thả ăn cỏ tự nhiên, dê cũng ít bệnh nên hầu như không mất tiền mua thuốc chữa. Bên cạnh đó, chị vẫn theo truyền thống trồng lúa nước, nuôi và nhân giống thêm lợn đen để tăng thêm thu nhập.

Tương tự, chị Cháng Thị Chẳm 30 tuổi, người dân tộc Nùng ở xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần, cũng đã cố gắng thoát nghèo bằng việc làm giò lụa từ thịt lợn đen vùng cao.

Chị Chẳm cho biết, kể từ khi tham gia dự án phát triển sinh kế cho thanh niên trong huyện, chị đã được tập huấn, hỗ trợ cách chế biến, hỗ trợ máy móc, thiết bị làm ra thành phẩm giò mang thương hiệu địa phương.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, chị dần đưa sản phẩm giò lụa lợn đen trở thành nguồn thu nhập cho gia đình.

Ngoài việc làm giò, chị Chẳm còn tham gia mô hình trồng rau xanh tại vườn, từng bước áp dụng phương pháp hữu cơ mang lại thực phẩm sạch, cải thiện đời sống cho gia đình.

Chị Cháng Thị Chẳm giới thiệu về sản phẩm giò làm từ thịt lợn đen của gia đình. (Ảnh: Lê An)

Vui mừng trước những thành quả lao động của mình, chị cho biết gần đây chị đã tham gia mạng xã hội giới thiệu các sản phẩm “của nhà làm” nhằm kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu cho nhiều người biết đến hơn.

Không chỉ ở huyện Xín Mận, tại xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì, sau khi học hết THPT, cô gái trẻ Nùng Thị Đơn, sinh năm 2002, người dân tộc Nùng đã đi học nghề làm tóc ở Hà Nội theo dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số” của tổ chức Plan International Việt Nam.

Ngoài phát triển nghề nghiệp tại địa phương, Đơn còn tích cực chia sẻ định hướng nghề nghiệp tương lai cũng như việc phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho các em học sinh, góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, đẩy lùi cái nghèo và xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông dân văn minh.

Với phương châm khởi nghiệp ngay từ chính những thứ giản đơn, thân thuộc, mô hình "Chổi quét 3S" đã ra đời từ những nỗ lực của chị em phụ nữ tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cùng các hội viên, phụ nữ..

Từ nguồn vốn hỗ trợ từ dự án, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoàng Su Phì và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Tiến đã tập hợp 20 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, nghiên cứu và quyết định lựa chọn làm sản phẩm chổi quét từ rơm nếp để khởi nghiệp.

Mô hình được triển khai tại xã Tân Tiến với tên gọi Cơ sở sản xuất các loại chổi quét 3S – lấy ý tưởng từ cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không 3 sạch" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, sản phẩm các chị làm ra phù hợp với tiêu chí 3 sạch.

Chị Nông Thị Bộ - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân tiến cho biết để thực hiện mô hình này, Hội đã đến vận động từng hộ gia đình hội viên, phân tích và thuyết phục các chị tham gia tổ hợp tác.

Cho đến nay cơ sở sản xuất đã đi vào hoạt động, các chị em đã có tay nghề thành thạo, được hướng dẫn, quảng bá và bán hàng trên các trang mạng điện tử.

Cơ sở sản xuất chổi 3S của chị em phụ nữ xã Tân Tiến, huyện Hoàng Su Phì. (Ảnh: Lê An)

Hiện sản phẩm chổi 3S đã bước đầu tiếp cận được thị trường trong tỉnh và một số tỉnh thành khác như TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Nội.., nhưng vẫn còn khó khăn về tiếp cận thị trường và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Thời gian tới, chị em ở đây sẽ hướng đến việc sản xuất thêm các loại chổi nghệ thuật, trang trí, nhằm nâng giá thành sản phẩm, hướng đến đối tượng tiêu dùng là khách du lịch, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Sự đồng hành của tổ chức và địa phương

Xín Mần và Hoàng Su Phì đều là hai huyện nghèo vùng cao biên giới, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hà Giang, có địa hình khá phức tạp, độ dốc lớn, giao thông đi lại rất khó khăn.

Bà Vũ Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, Trưởng ban điều hành dự án Plan huyện Xín Mần cho biết điều kiện kinh tế huyện còn rất nhiều khó khăn, số hộ nghèo đa chiều vẫn chiếm tỷ lê cao, tới 58,82 %, (trong đó hộ nghèo chiếm 44,91%; hộ cận nghèo chiếm 13,91%) thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm (theo số liệu năm 2023).

Theo bà Vũ Thị Hòa, được sự quan tâm, hỗ trợ của Tổ chức Plan triển khai các hoạt động, dự án mang lại hiệu quả cao, nhất là các dự án hỗ trợ giáo dục và trẻ em, thanh niên khởi nghiệp…

UBND huyện đã chỉ đạo các ngành phối hợp triển khai các dự án theo đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra. Huyện thực hiện đầy đủ các cam kết với nhà tài trợ đặc biệt là cam kết về bố trí thực hiện các nguồn vốn đối ứng của huyện, với quan điểm phối hợp quản lý chặt chẽ dự án và sử dụng nguồn vốn đầu tư của Plan đạt hiệu quả.

Cô gái trẻ Nùng Thị Đơn ở xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì chia sẻ kinh nghiệm định hướng nghề nghiệp tương lai cũng như việc phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho các em học sinh. (Ảnh: Lê An)

Tại Hoàng Su Phì, ông Hoàng Đức Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban điều hành dự án Plan tại địa phương cho rằng, sau 3 năm triển khai thực hiện dự án đã đạt được những kết quả hơn mong đợi, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức cho các đối tượng thanh niên dân tộc thiểu số, thực hiện được bình đẳng giới trong xã hội.

Trong thời gian tới, UBND huyện Hoàng Su Phì sẽ có những lồng ghép thực hiện phát triển kinh tế trong thanh niên dân tộc thiểu số với chương trình mục tiêu Quốc gia để dự án phát triển hơn nữa.

Ông cũng đề nghị tổ chức Plan tiếp tục có những dự án hỗ trợ thêm cho huyện trong vấn đề khởi nghiệp ở thanh niên; tổ chức phối hợp mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề phù hợp thị trường, đảm bảo nhu cầu mà những thanh niên đang cần, từ đó nâng cao tư duy, nhận thức, tạo điểm nhấn để các thanh niên cùng nhau học tập.

Có thể thấy, hiệu quả của Dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số” đã giúp cho người dân hưởng lợi từ việc nâng cao kiến thức, thay đổi kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, quản lý tài chính, bình đẳng giới, môi trường và đặc biệt nâng cao thu nhập cho các thanh niên tham gia dự án.

Chia sẻ về những kết quả của Dự án sau ba năm, ông Dương Văn Tuy - Giám đốc vùng Hà Giang, tổ chức Plan International tại Việt Nam cho biết Dự án đã tổ chức được hàng trăm lớp tập huấn về sinh kế, kỹ năng xanh, kỹ năng marketing, kỹ năng tài chính kế toán, bình đẳng giới, vận hành câu lạc bộ thanh niên, lớp chế biến thực phẩm...

Bên cạnh đó, Dự án còn chú trọng tổ chức các cuộc đối thoại giữa thanh niên với chính quyền địa phương; tổ chức các buổi chia sẻ cấp thôn, xã về thúc đẩy bình đẳng giới; đã có một số mô hình chế biến thực phẩm được lồng ghép vào chính sách phát triển kinh tế địa phương…

Nữ thanh niên dân tộc thiểu số tại Trung tâm học tập cộng đồng tại xã Nàn Ma, huyện Xín Mần. (Ảnh: Lê An)

Anh Kiều Minh Thắng - cán bộ của tổ chức Plan International Việt Nam, phụ trách Dự án thanh niên khởi nghiệp tại huyện Xín Mần cũng nhấn mạnh đến vai trò của những Trung tâm học tập cộng đồng đang được xây dựng trên vùng cao ở Hà Giang.

Tại xã Nàn Ma, trung tâm học tập này dù mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2024 nhưng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với bà con địa phương. Đặc biệt là các thanh thiếu niên trong xã thường xuyên đến tìm đọc các loại sách hướng dẫn kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, những kiến thức về giới, hôn nhân gia đình; học cách sử dụng máy tính, công nghệ thông tin, mạng xã hội để quảng bá, bán sản phẩm đặc sản địa phương trên mạng internet.

Lê An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nu-thanh-nien-dan-toc-thieu-so-vuon-len-thoat-ngheo-o-ha-giang-269601.html