Nửa thế kỷ đối thoại và tầm nhìn cho trật tự mới

Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Quốc, dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh vào ngày 24/7 tới, đánh dấu cột mốc 50 năm quan hệ ngoại giao, mở ra cơ hội tái khẳng định niềm tin và tầm nhìn hợp tác giữa hai trung tâm quyền lực hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh trật tự quốc tế biến động, đối thoại giữa Brussels và Bắc Kinh mang thông điệp về một cấu trúc đa cực ổn định và bao trùm hơn. Những quyết định tại hội nghị lần này có thể định hình hướng đi của quan hệ song phương và ảnh hưởng lâu dài tới hòa bình, phát triển toàn cầu.

Hội nghị diễn ra vào thời điểm thế giới chứng kiến những chuyển biến chưa từng có: các xung đột địa chính trị leo thang thành chiến tranh (như cuộc chiến tại Ukraine), các thể chế đa phương suy giảm hiệu lực, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế chịu sức ép lớn, và những chuẩn mực quốc tế cơ bản bị thách thức.

Trong bối cảnh đó, quan hệ EU-Trung Quốc càng thu hút sự chú ý bởi tầm ảnh hưởng của cả hai đối với ổn định và phát triển toàn cầu. Nhìn lại chặng đường 50 năm, có thể thấy quan hệ EU-Trung Quốc từng chủ yếu định hình bởi hợp tác thực dụng về kinh tế - phát triển, nhưng những năm gần đây đã chứng kiến sự gia tăng cạnh tranh chiến lược và suy giảm lòng tin.

Chiến lược "Đối tác Chiến lược" năm 2019 của EU lần đầu mô tả Trung Quốc cùng lúc là "đối tác", "đối thủ cạnh tranh" và "đối thủ mang tính hệ thống" - một cách phân loại phản ánh sự phức tạp trong quan hệ song phương. Việc khung quan hệ được diễn giải như cuộc cạnh tranh giữa "dân chủ và chuyên chế" và nhãn quan "đối thủ hệ thống" đã khiến hai bên hiểu lầm nhau nhiều hơn thay vì thúc đẩy đối thoại xây dựng.

Quang cảnh Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh năm 2023. Ảnh: Atlantic Council

Quang cảnh Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh năm 2023. Ảnh: Atlantic Council

Niềm tin giữa Brussels và Bắc Kinh xuống mức thấp sau khi Nghị viện châu Âu (EP) năm 2021 đóng băng việc phê chuẩn Hiệp định Đầu tư Toàn diện EU-Trung Quốc (CAI), thỏa thuận đạt được cuối năm 2020, nhằm phản ứng việc Trung Quốc trừng phạt một số nghị sĩ EU. Sự đổ vỡ này cho thấy, bất đồng về giá trị có thể tác động tiêu cực đến hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, cả EU lẫn Trung Quốc đều hiểu rằng, đối đầu leo thang sẽ gây tổn hại lớn cho lợi ích của mỗi bên. Họ bị ràng buộc bởi quan hệ kinh tế đan xen chặt chẽ: EU và Trung Quốc hiện chiếm gần 30% thương mại toàn cầu và hơn một phần ba GDP thế giới, với kim ngạch hai chiều năm 2024 lên hơn 845 tỷ euro.

Theo lý thuyết phụ thuộc lẫn nhau phức hợp, tình trạng gắn kết kinh tế - xã hội sâu sắc này khiến xung đột trực diện trở nên kém hấp dẫn và thúc đẩy các bên tập trung hợp tác giải quyết những vấn đề chung. Đồng thời, dưới lăng kính của chủ nghĩa hiện thực, cả hai vẫn ưu tiên bảo vệ lợi ích cốt lõi và quyền lực của mình.

EU quan ngại tình trạng mất cân bằng thương mại kéo dài và những rào cản doanh nghiệp châu Âu gặp phải tại thị trường Trung Quốc, cũng như việc Bắc Kinh gần gũi Moscow trong xung đột Ukraine. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc chỉ trích EU gia tăng các biện pháp hạn chế nhắm vào Bắc Kinh (từ sàng lọc đầu tư đến trừng phạt công nghệ) và cho rằng, châu Âu đang dần nghiêng về quỹ đạo chiến lược của Mỹ thay vì giữ vững "tự chủ chiến lược".

Mặc dù bất đồng còn nhiều, cả hai bên đều nhận thức rằng, kéo dài căng thẳng sẽ không bên nào có lợi. Trong bối cảnh trật tự thế giới chuyển hướng đa cực, EU và Trung Quốc đều là những cực ảnh hưởng lớn có khả năng định hình luật chơi. EU coi trọng luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương, đồng thời khẳng định không tìm cách kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc. Châu Âu cũng ủng hộ một trật tự đa cực bao trùm.

Về phía mình, Trung Quốc lâu nay chủ trương xây dựng trật tự quốc tế "đa cực" hơn (hay "dân chủ hóa" theo cách nói của Bắc Kinh). Những tương đồng này mở ra dư địa để EU và Trung Quốc hợp tác củng cố các thể chế đa phương và chuẩn tắc chung, thay vì để quan hệ quốc tế cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh nước lớn.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị Thượng đỉnh Bắc Kinh lần này được kỳ vọng tạo bước ngoặt giúp hai bên "tái lập" quan hệ, xây dựng lại lòng tin và tái khẳng định cam kết gắn bó lâu dài. Cuộc gặp trực tiếp cấp cao đầu tiên sau một thời gian gián đoạn này mang ý nghĩa "phá băng", mở lại kênh đối thoại chiến lược giữa EU và Trung Quốc. Lãnh đạo hai bên sẽ thảo luận về toàn bộ quan hệ song phương và các thách thức chung toàn cầu, với ưu tiên tìm cách xây dựng quan hệ thương mại - đầu tư cân bằng, có đi có lại hơn, đồng thời tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực cùng quan tâm như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

EU cũng sẽ kêu gọi Trung Quốc ủng hộ chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Dù nhận thức khác biệt, hai bên cùng có lợi ích trong việc ngăn đà suy yếu của hệ thống toàn cầu và duy trì các nguyên tắc nền tảng của luật pháp quốc tế. Nhiều vấn đề tồn đọng cũng có thể được đưa ra. Trung Quốc muốn EU sớm dỡ bỏ thuế chống phá giá đối với xe điện Trung Quốc. Hai bên cũng có thể thảo luận khả năng khôi phục đàm phán CAI nếu điều kiện chính trị cho phép.

Về địa chính trị, EU dự kiến thúc giục Trung Quốc đóng góp tích cực hơn cho hòa bình ở Ukraine, tuân thủ các nghị quyết Liên hợp quốc và không hỗ trợ các hành động leo thang của Nga. Mặc dù, lập trường về Ukraine giữa hai bên còn khác biệt, đối thoại trực diện tại hội nghị sẽ giúp tránh hiểu lầm và tìm cách giảm thiểu tác động của xung đột.

Yếu tố biểu tượng của cột mốc 50 năm cũng được chú trọng. Việc Chủ tịch Tập Cận Bình trực tiếp đón tiếp lãnh đạo cao cấp EU tại Bắc Kinh cho thấy Bắc Kinh coi trọng đối tác này và phía EU cũng thể hiện thiện chí khi cử cả hai Chủ tịch sang dự. Các tuyên bố chung dự kiến đề cao tình hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, khẳng định khởi đầu mới cho quan hệ sau nửa thế kỷ. Không khí tích cực từ sự kiện sẽ góp phần xua tan phần nào hoài nghi và tạo dựng lòng tin. Kết quả của thượng đỉnh EU-Trung Quốc sẽ ảnh hưởng vượt phạm vi song phương. Nếu hai bên cải thiện quan hệ, điều đó phát tín hiệu rằng các cường quốc vẫn có thể hợp tác hòa bình dù khác biệt hệ thống.

Quan hệ EU-Trung Quốc ổn định còn góp phần thúc đẩy kinh tế thế giới và hợp lực ứng phó các thách thức toàn cầu. Ngược lại, nếu đối thoại thất bại, trật tự quốc tế có nguy cơ phân cực sâu hơn. Viễn cảnh EU "tách rời" khỏi Trung Quốc sẽ làm gia tăng đối đầu Đông - Tây, đe dọa chủ nghĩa đa phương và đặt nhiều quốc gia khác vào tình thế lựa chọn khó khăn. Đây là kịch bản không bên nào mong muốn, thể hiện qua việc cả Brussels lẫn Bắc Kinh đều tích cực chuẩn bị cho một kết quả xây dựng (ví dụ nối lại Đối thoại Chiến lược và Đối thoại Khí hậu trong tháng 7/2025).

Sau cùng, quan hệ EU-Trung Quốc đang ở bước ngoặt định hình lại trong bối cảnh mới. Chủ nghĩa hiện thực dự báo cạnh tranh quyền lực sẽ còn, nhưng chính sự ràng buộc kinh tế - xã hội phức tạp buộc hai bên phải học cách chung sống và hợp tác để cùng phát triển ổn định. Trong trật tự đa cực đang định hình, EU và Trung Quốc đều giữ vai trò trụ cột trong việc tạo dựng luật chơi chung. Cách họ lựa chọn hợp tác hay đối đầu sẽ ảnh hưởng lâu dài đến hòa bình và thịnh vượng thế giới. Với tinh thần tích cực đó, Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm 50 năm lần này được kỳ vọng sẽ tiếp thêm xung lực cho quan hệ EU-Trung Quốc, giúp hai bên làm mới cam kết đối thoại, thúc đẩy quan hệ đối tác bình đẳng, cùng có lợi và đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực lẫn toàn cầu.

Khổng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/nua-the-ky-doi-thoai-va-tam-nhin-cho-trat-tu-moi-i775409/