Nước cam 'thấm đòn' sóng nhiệt

Ngành công nghiệp nước cam toàn cầu 'khủng hoảng' vì lo ngại về mùa cam thất bát ở Brazil đẩy giá lên mức cao kỷ lục.

 Tình trạng thiếu cam làm gia tăng lo ngại về việc giá tăng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng và định hình lại ngành công nghiệp nước cam toàn cầu. Ảnh: Osvaldo Hernandez/Alamy.

Tình trạng thiếu cam làm gia tăng lo ngại về việc giá tăng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng và định hình lại ngành công nghiệp nước cam toàn cầu. Ảnh: Osvaldo Hernandez/Alamy.

Các nhà sản xuất nước cam đang cân nhắc chuyển sang sử dụng các loại trái cây thay thế như quýt vì giá thành trở nên rất “điên rồ” do lo ngại mùa cam thất thu ở Brazil, theo Guardian.

Giá tăng điên rồ

Giá nước cam ép cô đặc đạt mức cao mới 4,95 USD một pound (tức 11 USD một kg) trên thị trường kỳ hạn trong tuần này, sau khi người trồng cam ở các khu vực sản xuất cam chính của Brazil cho biết dự kiến sản lượng thu hoạch giảm 24% so với năm ngoái ở mức 232 triệu hộp 40,8 kg - xấu hơn cả mức giảm 15% được dự đoán trước đó.

Những cây cam ở Brazil đang phải đối mặt với bệnh vàng lá gân xanh, một căn bệnh nan y, sau khi trải qua đợt nắng nóng gay gắt và khô hạn trong thời kỳ ra hoa quan trọng vào cuối năm ngoái, do khủng hoảng khí hậu gây ra.

Dự báo vụ mùa ảm đạm ở Brazil, quốc gia chiếm 70% tổng lượng nước cam xuất khẩu, đánh dấu vụ thu hoạch toàn cầu khó khăn thứ ba liên tiếp. Cũng vật lộn với các vấn đề tương tự ở Brazil, vụ cam ở bang Florida ở Mỹ đã phải hứng chịu hàng loạt cơn bão và bệnh vàng lá gân xanh, lây lan do côn trùng hút nhựa cây và làm cho trái bị đắng và cây chết.

 Cây cam ở Brazil và Florida (Mỹ) bị ảnh hưởng lớn vì bệnh vàng lá gân xanh. Ảnh: New York Times.

Cây cam ở Brazil và Florida (Mỹ) bị ảnh hưởng lớn vì bệnh vàng lá gân xanh. Ảnh: New York Times.

Thông thường, các nhà sản xuất có thể khắc phục sự khác biệt về hương vị giữa mùa này với mùa khác bằng cách pha trộn nước cam đông lạnh dự trữ - thường có thời hạn sử dụng hai năm - từ mùa trước với cam của vụ mùa mới hơn. Nhưng ba năm liên tiếp nguồn cung sụt giảm đã làm cạn kiệt kho dự trữ, cũng hạn chế khả năng của các nhà sản xuất đang tìm cách vượt qua những khó khăn hiện tại bằng cách pha trộn như vậy.

Khủng hoảng

“Đây là một cuộc khủng hoảng”, Kees Cools, chủ tịch Hiệp hội Nước ép Rau quả Quốc tế (IFU) nói với Financial Times. “Chúng tôi chưa bao giờ thấy điều gì giống như vậy, ngay cả trong những đợt băng giá và mưa bão lớn”.

IFU cho biết đang xem xét vận động hành lang để viết lại các quy định thực phẩm cấp Liên Hợp Quốc để nước cam có thể chứa các loại trái cây họ cam quýt khác, cũng như theo đuổi các thay đổi quy tắc ở cấp quốc gia.

 Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu cam trầm trọng. Ảnh: Shutterstock.

Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu cam trầm trọng. Ảnh: Shutterstock.

“Ngành công nghiệp nước cam toàn cầu đang gặp khủng hoảng. Ngành công nghiệp này ở Florida gần như đã biến mất và các vườn cam ở Brazil đang bị tàn phá bởi dịch bệnh, chi phí tăng cao và điều kiện trồng trọt không thuận lợi, khiến nguồn cung nước cam toàn cầu ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ”, ông nói.

Ông Sonneville cho hay các nhà sản xuất đồ uống sẽ phải sử dụng nước ép chất lượng thấp hơn, tạo ra các loại nước ép hỗn hợp với các loại trái cây khác như táo, xoài hoặc nho hoặc phải tăng giá.

Tuy nhiên, ông Sonneville nghi ngờ phương án dùng quýt thay thế cam vì điều này sẽ gây ra chi phí mới trong việc vận chuyển trái cây đến đơn vị chế biến.

Ngành công nghiệp nước cam cũng đang diễn ra những thử nghiệm. Tại Nhật Bản, quốc gia thường nhập khẩu 90% nước cam, chủ yếu từ nguồn cam trồng ở Brazil, tình trạng khan hiếm nguồn cung càng trở nên trầm trọng hơn do đồng yen yếu, đẩy chi phí nhập khẩu lên cao hơn nữa. Seven & i Holdings, chủ sở hữu chuỗi siêu thị 7-Eleven, đã chuyển hướng sang nguồn cung quýt nội địa, tung ra sản phẩm nước cam lẫn quýt.

Hạnh Di

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nuoc-cam-tham-don-song-nhiet-post1478090.html