Nước Mỹ độc lập về năng lượng, thế giới sẽ thay đổi...

Báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới 2030 mới công bố của BP một lần nữa đã củng cố thêm dự báo trước đó của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) về khả năng Hoa Kỳ sẽ hoàn toàn tự túc năng lượng từ năm 2030 nhờ gia tăng sản lượng khai thác khí đá phiến và điều hòa nhu cầu năng lượng. Tất nhiên, việc này cũng kéo theo những thay đổi địa - chính trị - năng lượng trên toàn thế giới.

Tính toán riêng của Trung Quốc

Là một trong những quốc gia tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt hàng đầu của thế giới, để đáp ứng nhu cầu nội địa, Hoa Kỳ thường xuyên phải nhập khẩu đến 20% nhu cầu năng lượng. Nhưng từ nhiều thập niên qua, cường quốc kinh tế và công nghiệp số 1 này đã âm thầm tiến hành một cuộc cách mạng - cách mạng khí đá phiến. Và nước Mỹ - từ chỗ thâm hụt trở thành thặng dư khí đốt.

Hiện tại, Mỹ là quốc gia có sản lượng dầu khí tăng nhanh nhất trên thế giới. Và nếu như năm 2005, nước Mỹ chỉ tự túc được 70% nhu cầu năng lượng thì đến năm 2030, với sản lượng khai thác khí đá phiến gia tăng chóng mặt cùng những chính sách tiết giảm, sử dụng năng lượng hiệu quả, Hoa Kỳ sẽ tự túc được 99% nhu cầu năng lượng, BP dự báo.

Khai thác dầu ở Bradfort, Mỹ

Khai thác dầu ở Bradfort, Mỹ

Viễn cảnh này không có gì đáng ngạc nhiên bởi trước đó, hồi tháng 11/2012, IEA đã từng đưa ra dự báo gây bất ngờ: năm 2017, nước Mỹ sẽ trở thành nguồn sản xuất dầu hỏa lớn nhất thế giới, đứng trước cả Arập Xêút và chỉ một thập niên sau thì Hoa Kỳ sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu năng lượng số 1 toàn cầu. Đối với khí đốt, chỉ trong 2 năm nữa thôi sản lượng của Mỹ sẽ vượt quá mức cung cấp của Nga.

Trong khi Mỹ ngày càng bớt lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu bên ngoài, thì ngược lại với tốc độ tăng trưởng kinh tế “nóng”, các nền kinh tế lớn mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ ngày càng trở nên phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng. Những thay đổi này không chỉ có tác động lớn đến cán cân thương mại mà còn đảo lộn trật tự năng lượng, địa - chính trị thế giới. Hiện tại, hơn 50% lượng dầu mỏ tiêu thụ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là nhập từ Trung Đông - khu vực đã sẵn những bất ổn mà Trung Quốc, dù muốn can thiệp, muốn thay vai trò “sen đầm quốc tế” của Mỹ cũng khó đủ lực, xét cả tiềm lực kinh tế, vị thế chính trị và tiềm lực quân sự. Đương nhiên, Trung Quốc cũng phải tính toán riêng cho mình một chiến lược năng lượng.

Giáo sư Samuele Furfari tại Đại học Tự do Bruxelles không ngần ngại cho rằng, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh công nghệ khai thác khí đá phiến tương tự như Hoa Kỳ. Tuy nhiên, dù sở hữu trữ lượng khí đá phiến được đánh giá lớn gấp đôi nơi được coi là “cái nôi” của “cách mạng khí đá phiến”, dù đang tạo mọi điều kiện cho chiến dịch khai mở nguồn tài nguyên này, nhưng siêu cường mới nổi này lại vấp phải một trở ngại: các mỏ đá phiến dầu của Trung Quốc thường nằm sâu trong lòng đất, do vậy các cơ sở khai thác của quốc gia này phức tạp hơn so với tại Mỹ nên không thể sao chép trực tiếp công nghệ khoan đá phiến ở Hoa Kỳ hay ở bất kỳ quốc gia nào khác.

Đương nhiên, Bắc Kinh dù “thèm muốn” khí đá phiến nhưng cũng không thể nào vì thế “chậm chân” trong cuộc đua tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt.

Từ nhiều năm qua, chính sách ngoại giao của Trung Quốc chủ yếu nhằm hướng tới các nguồn dự trữ năng lượng của thế giới, đặc biệt ở châu Phi, Nam Mỹ và cả Trung Á. Đơn cử như năm 1998, số tiền Trung Quốc bỏ ra để mua dầu khí của các nước Trung Á mới chỉ khoảng 1 tỉ USD. Đến năm 2010, tổng kim ngạch nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc chỉ riêng với khu vực này lên tới 24 tỉ USD. Hiện tượng Trung Quốc bị khát dầu mỏ và mở rộng ảnh hưởng với các nước Trung Á đôi khi đặt Bắc Kinh trong thế khó xử đối với Moskva bởi các nước này sau khi Liên Xô (cũ) tan rã, vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của Nga.

Bên cạnh đó, các chuyên gia quốc tế đặc biệt lưu ý đến những ý đồ của Trung Quốc tại Biển Đông - vùng biển được cho là giàu trữ lượng tài nguyên dầu khí. Bà Franoise Ardillier-Carras tác giả cuốn “Dầu khí và những xung đột” cho rằng: “Với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, chiến lược năng lượng chuyển hướng và trở thành một vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Chính vì thế Biển Đông đang trở thành một khu vực vô cùng nhạy cảm. Tương tự như vậy, các vùng eo biển tức là các cửa ngõ trung chuyển dầu khí cũng trở thành những điểm nóng. Tranh chấp chủ quyền trên biển, một là để khẳng định quyền sở hữu các nguồn tài nguyên và hai là để kiểm soát các chặng trung chuyển năng lượng…”.

Nghịch lý ở châu Âu

Châu Âu lệ thuộc 53% vào năng lượng ngoài khu vực, cho nên từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước châu lục này đã phát triển năng lượng hạt nhân để khắc phục nhược điểm này. Riêng đối với công nghệ khai thác khí đá phiến, châu Âu đã bỏ lỡ một chuyến tàu và bị coi là chậm chân hơn so với Hoa Kỳ. Một phần lớn sự chậm trễ đó là do châu Âu phải đối phó với các tổ chức bảo vệ môi trường.

Gần đây, cũng có một số nước châu Âu như Ba Lan, Rumani, đặc biệt là Anh, tính tới việc thúc đẩy tìm kiếm, thăm dò, khai thác khí đá phiến với hy vọng tạo ra một sự bùng nổ tương tự như ở Mỹ và thay đổi hoàn toàn trên thị trường năng lượng trong 20 năm tới. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại không lạc quan với những hy vọng của các chính khách.

Nhà kinh tế trưởng của BP Christof Rühl thẳng thừng nhận xét: “Những trở ngại mà châu Âu và Vương quốc Anh phải đối mặt rất khác so với Mỹ. Điều đó sẽ không cho phép việc khai thác khí đá phiến có thể bắt đầu, cho đến khoảng năm 2030, dù là khai thác với số lượng nhỏ”. Theo ông Rühl, ngoài các mối lo ngại về môi trường, lệnh cấm hoàn toàn fracking đá phiến ở nhiều nước, thiếu cơ sở hạ tầng, châu Âu còn gặp vướng ở chỗ họ có truyền thống không quan tâm nhiều đến những thứ phải nhập khẩu.

Còn Giáo sư Samuele Furfari thì đưa ra những giải thích dễ hiểu hơn: “Ở Hoa Kỳ, chủ sở hữu đất làm chủ luôn cả phần ngầm. Nếu có dầu mỏ hay khí đốt, quặng mỏ… thì họ có quyền khai thác các tài nguyên đó. Tại châu Âu, chúng ta không thể làm như vậy. Cái gì cũng phải qua cơ quan hành chính của nhà nước và phải giải trình với các nhóm bảo vệ môi trường có thế lực. Tuy vậy, luật lệ của Mỹ cũng rất rõ ràng, cho nên để khai thác năng lượng tư nhân không thể gây ô nhiễm bừa bãi”.

Thêm vào đó, một khi Mỹ không còn lệ thuộc vào năng lượng quốc tế, Washington sẽ xét lại chính sách chiến lược của mình đối với phần còn lại của thế giới. Tương lai, khí đốt sản xuất tại Mỹ sẽ rẻ vô cùng. Điều đó sẽ mở đường cho ngành công nghiệp xe hơi Mỹ chuyển hướng, chuyển từ xăng, dầu sang khí đốt. Khi đó, giá dầu thô trên thị trường quốc tế sẽ giảm mạnh, các loại năng lượng tái tạo như năng lượng gió, hay mặt trời sẽ trở nên vô cùng đắt đỏ. Cả một mảng của ngành công nghiệp năng lượng sẽ sụp đổ.

Hiện nay khí đốt ở Mỹ rẻ đến nỗi Hoa Kỳ không còn sử dụng than đá và họ thậm chí còn đang xuất khẩu than qua châu Âu. Hậu quả trực tiếp là Mỹ giảm lượng thải khí CO2 làm hâm nóng trái đất, còn châu Âu thì ngày càng sử dụng nhiều than đá của Mỹ và qua đó làm tiêu tan những nỗ lực giảm khí carbon.

Bên cạnh đó, khi không còn phải ráo riết tìm kiếm dầu khí của thế giới, Hoa Kỳ sẽ xét lại chính sách an ninh và chiến lược của mình. Mỹ sẽ không còn gắn bó với một số các đồng minh thân cận ở vùng Trung Đông và giảm bớt sự hiện diện quân sự tại đây. Có phải chăng người Mỹ đã lường được một kịch bản như vậy khi xây dựng chiến lược “xoay trục”, chuyển trọng tâm sang Châu Á - Thái Bình Dương?

Minh Châu (tổng hợp)

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nuoc-my-doc-lap-ve-nang-luong-the-gioi-se-thay-doi-85462.html