Nuôi dưỡng yêu thương, lòng nhân ái

Dịp hè hằng năm, các trường học, nhóm thiện nguyện tổ chức nhiều hoạt động góp sách giáo khoa cũ tặng học sinh nghèo trên địa bàn TP HCM và vùng khó khăn

Góp sách giáo khoa cũ tặng các bạn còn khó khăn không chỉ mang ý nghĩa tiết kiệm, tận dụng giá trị của sách cũ mà còn nhằm lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, tạo điều kiện cho học trò nghèo có đủ sách đến trường trong năm học mới.

Trao yêu thương từ sách cũ

Trường Tiểu học Hòa Bình (phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM) nhiều năm qua đã triển khai hiệu quả phong trào tiếp nhận sách giáo khoa cũ. Nhờ đó, hàng trăm bộ sách được trao tặng cho các em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình, cho biết phụ huynh, học sinh nhà trường thấy được ý nghĩa của việc làm này nên hoàn toàn ủng hộ. Cứ kết thúc năm học, việc tặng sách giáo khoa cũ được các lớp và học sinh thực hiện tự nguyện. Nhiều học sinh còn cẩn thận thay bọc sách giáo khoa cũ, dán nhãn mới… trước khi tặng nhà trường.

"Nhà trường luôn yêu cầu giáo viên nhắc nhở học sinh bảo quản sách giáo khoa để sau khi thi kết thúc học kỳ II sẽ gom góp, phân loại sách tặng lại các học sinh có nhu cầu. Đây cũng là hoạt động giáo dục học sinh ý thức tiết kiệm, biết trân quý sách vở, trên hết là bồi dưỡng học sinh biết yêu thương, chia sẻ khó khăn với các bạn, rộng hơn là với cộng đồng xã hội, thể hiện tinh thần "lá lành đùm lá rách" - cô Mai Hương bày tỏ.

Được hòa mình trong hoạt động ý nghĩa, nhiều học sinh bày tỏ sự hồ hởi. Em Nguyễn Khánh Chi (học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Hòa Bình) chia sẻ: "Từ khi hiểu việc tặng sách cũ là việc làm có ý nghĩa to lớn với các bạn có hoàn cảnh khó khăn, em và các bạn trong lớp đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn, tiết kiệm sách từ khi còn đang sử dụng".

Tình nguyện viên nhóm Kho sách Tình thương phân loại sách giáo khoa sau khi tiếp nhận

Tình nguyện viên nhóm Kho sách Tình thương phân loại sách giáo khoa sau khi tiếp nhận

Giá trị sau một quyển sách

Trước thềm năm học mới, nhiều cá nhân, câu lạc bộ hoặc các hội, nhóm cũng kêu gọi cộng đồng ủng hộ sách giáo khoa và sách tham khảo cho học sinh vùng khó khăn. Chị Đoàn Thị Thanh Thủy (thành viên nhóm Kho sách Tình thương, TP HCM) cho biết nhóm của chị gồm 5 người cùng nhiều tình nguyện viên đã duy trì hoạt động được 12 năm.

Trước đây, khi chưa học chương trình cải cách, mỗi năm vận động được 5.000 - 7.000 bộ sách, nhưng từ năm 2021 đến nay thì chỉ còn khoảng hơn 350 bộ để gửi tặng các trường vùng khó khăn trên toàn quốc. Năm nay số sách giáo khoa cũ vận động được dự định sẽ gửi đến các điểm trường có người Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia, một số mái ấm dạy phổ cập như Trường Phổ cập Ái Linh (TP Thủ Đức, TP HCM), Trường Long Thạnh (Long An).

Để có được số sách trên, các chị đã xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở mọi miền đất nước. Họ vừa tình nguyện thu gom sách cũ rồi tập kết về kho để phân loại vừa nắm bắt một số trường có nhu cầu về sách giáo khoa để kịp thời trao tặng.

Sách giáo khoa hiện nay được cải tiến, in ấn đẹp, chất liệu tốt, sau một năm học nếu học sinh biết giữ gìn có thể tận dụng lại, tránh lãng phí. Đồng thời, thông qua hoạt động này giúp gia đình các em vơi đi một phần khó khăn trong việc lo cho con em mình khi bước vào năm học mới.

"Với phụ huynh ở thành phố, việc trang bị một bộ sách giáo khoa cho con mỗi năm học là việc không lớn. Tuy nhiên, với trường học vùng khó khăn, đời sống thiếu thốn nên việc sắm đủ một bộ sách giáo khoa là khoản chi tiêu lớn của gia đình "đến hẹn lại lo" - chia sẻ của một phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP HCM.

Tuy chỉ là một hành động nhỏ nhưng hoạt động tặng sách này sẽ dần hình thành trong các em lòng yêu thương, sẻ chia, biết sống vì người khác. Đây là giá trị cốt lõi giúp tinh thần yêu thương - bài học sẻ chia trong mỗi học sinh thêm nối dài và không ngừng lan tỏa.

Băn Khoăn

Các bộ sách theo chương trình mới hiện có giá khoảng 230.000-390.000 đồng, thường chưa kèm sách tiếng Anh.

Việt Nam thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) từ năm học 2020-2021. Việc thay sách cuốn chiếu diễn ra từ năm 2020, kết thúc vào năm 2025. Với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", bỏ độc quyền xuất bản, nhiều đơn vị cùng tham gia biên soạn và phát hành sách.

Tuy số tiền mua sách giáo khoa không phải quá lớn nhưng chương trình học đổi mới khiến cho sách giáo khoa năm cũ không dùng lại được càng tạo thêm gánh nặng chi phí cho các gia đình vốn đang khó khăn.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nuoi-duong-yeu-thuong-long-nhan-ai-1962406011946042.htm