Ô nhiễm không khí làm gia tăng đột biến ung thư phổi ở người không hút thuốc lá
Một nghiên cứu mới do Viện Ung thư quốc gia Mỹ và Đại học California San Diego phối hợp thực hiện cho thấy ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn, có thể chính là 'thủ phạm vô hình' gây ra những đột biến di truyền nguy hiểm trong các khối u ung thư phổi, kể cả ở những người chưa từng hút một điếu thuốc nào.
Được công bố trên tạp chí Nature, nghiên cứu trên là một phần trong khuôn khổ dự án Sherlock-Lung nghiên cứu toàn bộ hệ gene lớn nhất từ trước đến nay về ung thư phổi ở người không hút thuốc.
Các nhà khoa học đã phân tích các khối u phổi của 871 bệnh nhân không hút thuốc tại 28 khu vực trên toàn thế giới. Kết quả cho thấy những người sống trong môi trường có mức độ ô nhiễm không khí cao, đặc biệt là do giao thông và công nghiệp có tỷ lệ đột biến gene cao hơn hẳn.
Trong số đó, đột biến ở gene TP53 – một trong những gene ức chế khối u quan trọng nhất – được ghi nhận phổ biến. Điều đáng nói là các đột biến này từng được xem là "dấu ấn di truyền" điển hình của ung thư liên quan đến thuốc lá. Giờ đây, chúng lại xuất hiện ở những người chưa bao giờ hút thuốc, cho thấy tác hại âm thầm của ô nhiễm môi trường.
Không chỉ dừng lại ở đột biến gene, các nhà nghiên cứu còn phát hiện hiện tượng rút ngắn telomere – các đoạn ADN bảo vệ ở đầu nhiễm sắc thể – trong các tế bào ung thư phổi do phơi nhiễm bụi mịn. Telomere càng ngắn, tế bào càng nhanh lão hóa và mất khả năng tự phục hồi, từ đó làm gia tăng nguy cơ phát triển khối u và thúc đẩy quá trình tiến triển của bệnh ung thư.
Theo nghiên cứu này, ung thư phổi ở người không hút thuốc chiếm tới 25% tổng số ca ung thư phổi toàn cầu. Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng hiểu rõ cách ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến bản đồ đột biến gene trong các khối u sẽ giúp dự đoán, phòng ngừa và điều trị ung thư hiệu quả hơn trong tương lai.