Ô tô bị nứt kính lái có được đăng kiểm?

Kính lái (kính chắn gió) ô tô có vai trò bảo vệ, che nắng che mưa và đảm bảo tầm nhìn tốt cho người lái xe. Việc bị nứt hoặc rạn mặt kính trên diện rộng và ở vị trí phía trước ghế lái có thể làm cản trở tầm nhìn của tài xế, tiềm ẩn rủi ro mất an toàn giao thông.

Cần xem xét vết nứt ở vị trí nào

Đường dây nóng của Báo Giao thông nhận được câu hỏi của bạn đọc về việc ô tô con bị nứt kính lái do đá văng trúng khi lưu thông trên đường. Do chưa có thời gian đi kiểm tra, thay kính nhưng hạn kiểm định xe sắp đến. Vậy khi đưa ô tô đi đăng kiểm trong trường hợp này có đạt kiểm định không?

Nếu vị trí nứt kính lái ở vị trí phía trước ghế lái của tài xế, vết rạn to hình ngôi sao, chủ xe cần khắc phục mới đạt được đăng kiểm (ảnh minh họa).

Nếu vị trí nứt kính lái ở vị trí phía trước ghế lái của tài xế, vết rạn to hình ngôi sao, chủ xe cần khắc phục mới đạt được đăng kiểm (ảnh minh họa).

Về vấn đề này, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, kính lái (hay còn gọi là kính chắn gió) có vai trò bảo vệ, che nắng che mưa và đảm bảo tầm nhìn tốt cho người lái xe. Việc bị nứt hoặc rạn mặt kính làm mất thẩm mỹ của xe và nếu xảy ra trên diện rộng và ở vị trí phía trước ghế lái có thể làm cản trở tầm nhìn của tài xế, tiềm ẩn rủi ro mất an toàn giao thông.

Theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường bộ, hạng mục kiểm tra khả năng quan sát của người lái, nếu kính chắn gió bị vỡ, rạn nứt ảnh hưởng đến tầm nhìn người lái sẽ là lỗi hư hỏng, khiếm khuyết quan trọng (MAD) và không đạt kiểm định.

Do đó, cần xem xét vết nứt trên kính lái ở vị trí nào, mức độ nứt có nguy hiểm hay không.

Nếu vết nứt ở phía trước khu vực đối diện ghế lái có thể làm cản trở tầm nhìn, khả năng quan sát của tài xế, hoặc vết rạn nứt tạo hình ngôi sao và có nhiều đường nứt xuất phát từ vết rạn tỏa ra xung quanh kính lái sẽ rất nguy hiểm.

Do đó, nếu đưa xe đi đăng kiểm trong trường hợp này, ô tô sẽ không đạt hạng mục kiểm tra khả năng quan sát của người lái và bị trượt kiểm định.

Trường hợp vết nứt nhỏ, ở vị trí không cản trở tầm nhìn của tài xế, có thể được chấp nhận, ô tô được đăng kiểm bình thường.

Tùy từng trường hợp kính lái ô tô bị rạn nứt, chủ xe cân nhắc nên thay cả tấm kính hoặc có thể khắc phục bằng phương pháp hàn kính để giảm chi phí (ảnh minh họa).

Tùy từng trường hợp kính lái ô tô bị rạn nứt, chủ xe cân nhắc nên thay cả tấm kính hoặc có thể khắc phục bằng phương pháp hàn kính để giảm chi phí (ảnh minh họa).

Xử lý thế nào khi kính lái ô tô bị rạn nứt?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một kỹ thuật viên tại gara ô tô ở Hà Nội cho biết, kính chắn gió (kính lái) là một trong những bộ phận quan trọng nhất trong tổng thể an toàn của xe.

Khi xảy ra tai nạn, kính chắn gió chính là "tấm khiên" bảo vệ hành khách khỏi những vật thể từ bên ngoài, đồng thời ngăn hành khách văng khỏi xe.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào kính lái bị rạn nứt cũng nên thay cả tấm kính bởi khi thay kính mới rất khó để đảm bảo được chất lượng cũng như sự chính xác và tiêu chuẩn an toàn như kính cũ được lắp ráp trên xe nguyên bản.

Hơn nữa, việc thay kính lái sẽ tốn khá nhiều thời gian và chi phí. Với những kính đạt tiêu chuẩn, chi phí có thể lên đến vài chục triệu tùy theo xe còn kính kém chất lượng giá rẻ sẽ làm giảm đáng kể tác dụng bảo vệ của kính chắn gió.

Ngay cả khi có tấm kính mới đúng chuẩn, tìm được một xưởng sửa chữa có đủ trang thiết bị và tay nghề để lắp chính xác như kính nguyên bản cũng không dễ.

Nếu kính lái bị nứt một đường từ dưới 15cm hoặc rạn một vùng nhỏ nên chọn giải pháp hàn kính để giữ lại kính nguyên bản, chi phí chỉ từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng tùy từng dạng vết nứt.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/o-to-bi-nut-kinh-lai-co-duoc-dang-kiem-192240524085559154.htm