Ðổi thay ở khu định canh, định cư

Khu định canh, định cư của đồng bào dân tộc thiểu số xóm 3, thôn 7, xã Long Bình, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước được thành lập năm 2004 với 29 hộ S'tiêng từ xã Long Tân thuộc diện hưởng Chương trình 134 của Chính phủ chuyển đến sinh sống. Ngày đầu lập nghiệp ở môi trường mới với bao bộn bề khó khăn, vì vậy xóm 3, thôn 7 từng được xem là nơi nghèo nhất ở huyện Phú Riềng trong nhiều năm liền. Thế nhưng đến nay, khu định canh, định cư này có nhiều khởi sắc, chất lượng đời sống người dân được nâng lên từng ngày.

Xóa bỏ tư duy ỷ lại

Khi chuyển đến khu định canh, định cư sinh sống, gia đình anh Điểu Chu cũng như 28 hộ dân khác được cấp khoảng 0,6 ha đất, trong đó 400m2 đất ở, còn lại là đất sản xuất. Bước đầu vợ chồng anh chưa tìm được việc làm khiến cuộc sống thiếu trước, hụt sau. Nhưng đến nay anh đã có việc làm là cạo mủ cao su thuê cho hộ tiểu điền tại thôn, còn vợ làm công nhân trong khu công nghiệp. Có công việc ổn định, vợ chồng anh tích cóp xây nhà khang trang hơn, các con được đến trường học tập.

Anh Điểu Chu cho biết: Trước khi đến khu định canh, định cư sinh sống, gia đình tôi rất khó khăn. Sau khi có nhà ở và đất sản xuất, tôi được tạo điều kiện học nghề cạo mủ cao su và đã có việc làm ổn định, với thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng. Vợ tôi đi làm công nhân tại Khu công nghiệp Đồng Xoài II, thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng. Từ khi qua đây, cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn, 2 con được đi học đầy đủ.

Anh Điểu Phước gắn bó với cây điều để phát triển kinh tế gia đình - Ảnh: Hoàng Vũ

Tương tự, từ ngày được chuyển đến nơi định cư mới, gia đình anh Điểu Phước nỗ lực vượt khó vươn lên trở thành hộ tiêu biểu trong xóm 3. Ngoài phát triển kinh tế từ cây điều, gia đình anh còn chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện nguồn thu. Anh Điểu Phước chia sẻ: Đời sống của các hộ S’tiêng trong khu định canh, định cư phát triển hơn trước rất nhiều. Từ những ngôi nhà được cấp ban đầu, nay hầu hết các hộ xây dựng nhà mới rộng rãi, khang trang hơn. Trẻ em được quan tâm chăm lo đến trường; thanh niên sau khi hoàn thành bậc THCS, THPT được định hướng, tạo điều kiện học nghề. Phần lớn thanh niên ở xóm 3 đều đi cạo mủ cao su thuê hoặc làm công nhân tại công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phát huy hiệu quả chính sách

Ông Điểu Ly Đe, người có uy tín xóm 3, thôn 7, xã Long Bình cho biết: Gia đình tôi chuyển đến đây sinh sống từ năm 2004. Được Nhà nước cấp nhà ở và đất sản xuất, tôi đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Gia đình mua thêm vật tư sản xuất nông nghiệp; mua trâu, bò và chăn nuôi heo, vịt, gà để phát triển kinh tế. Đặc biệt, mỗi dịp lễ, tết, chính quyền các cấp đều quan tâm trao quà cho các hộ dân trong khu định canh, định cư này. Đời sống gia đình tôi thay đổi rất nhiều, kinh tế phát triển, chất lượng cuộc nâng lên.

Xóm 3, thôn 7 nay đã có đường bê tông, nhà cửa người dân được xây dựng khang trang

Xóm 3, thôn 7 nay đã có đường bê tông, nhà cửa người dân được xây dựng khang trang

Với sự quan tâm của địa phương, tạo điều kiện cũng như tuyên truyền tốt các chính sách, pháp luật giúp các hộ dân ở khu định canh, định cư xóm 3 thay đổi tư duy, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đến nay, khoảng 60-70% hộ dân xóm 3 thuộc diện khá. Hiện toàn xã Bình Long còn 15 hộ nghèo và 64 hộ cận nghèo; trong đó, xóm 3 chỉ còn 2 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo.

Ông TRỊNH ĐĂNG THẾ, Bí thư Chi bộ thôn 7, xã Long Bình

Theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20-7-2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn cùng với việc thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, Nhà nước trực tiếp hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số nghèo để có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Ở Bình Phước, sau nhiều năm thực hiện Chương trình 134, đã có rất nhiều khu định canh, định cư đồng bào S’tiêng khởi sắc vươn lên, trong đó có khu định canh, định cư xóm 3, thôn 7, xã Long Bình.

Từ 29 hộ đầu tiên đến khu định canh, định cư xóm 3, nay số hộ tăng lên 54. Không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, họ đã thay đổi tư duy làm kinh tế, tạo điều kiện cho con em đến trường. Năm học 2022-2023, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường tới lớp học đạt 100%. Người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 70%. Từ sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương và Nhà nước cùng với nỗ lực vươn lên của mỗi hộ dân nơi đây đã góp phần xây dựng khu định canh, định cư xóm 3 ngày càng khang trang, phát triển.

Ngọc Bích

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/141553/doi-thay-o-khu-dinh-canh-dinh-cu