Ông Đoàn Minh Dũng được bổ nhiệm làm Trưởng Thuế TP.HCM
Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực XV Đoàn Minh Dũng chính thức được bổ nhiệm giữ chức Trưởng Thuế TP.HCM - nơi có nhiều thuế cơ sở nhất với 29 thuế cơ sở.
Sáng 1/7, Cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị công bố các quyết định về tổ chức, cán bộ của Cục Thuế. Theo đó, ông Đoàn Minh Dũng, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực XV chính thức được bổ nhiệm giữ chức Trưởng Thuế TP.HCM.
Trước đó, Cục Thuế ra Quyết định số 1378/QĐ-CT quy định về tên gọi, trụ sở, địa bàn quản lý của 350 Thuế cơ sở thuộc Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và có hiệu lực từ ngày 1/7. Trong đó, Chi cục Thuế khu vực II chính thức được đổi tên thành Thuế TP.HCM với 29 Thuế cơ sở trực thuộc trên địa bàn, gồm TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây.

Ông Đoàn Minh Dũng, Trưởng Thuế TP.HCM.
Việc bổ nhiệm diễn ra trong bối cảnh ngành Thuế triển khai đồng loạt cơ cấu tổ chức mới theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Từ ngày 1/7/2025, cả nước có 34 Cục Thuế cấp tỉnh, thành phố và 350 đơn vị Thuế cơ sở. TP.HCM là địa bàn có số lượng đơn vị thuế cơ sở lớn nhất với 29 đơn vị, tiếp theo là Hà Nội với 25 đơn vị. Trong khi đó, các địa phương như Cao Bằng, Lai Châu có ít đơn vị cơ sở nhất - chỉ 4 đơn vị.
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành khẳng định, việc tái cơ cấu bộ máy là bước đi trọng yếu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế trong bối cảnh mới.
Để đảm bảo bộ máy mới hoạt động ổn định, Cục trưởng Mai Xuân Thành yêu cầu các Trưởng Thuế tỉnh, thành phố và các Trưởng Thuế cơ sở triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như khẩn trương bắt tay vào công việc, tiếp cận địa bàn. Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các sở, ban ngành nhằm đảm bảo sự nhịp nhàng trong quản lý thuế.
Căn cứ quy mô địa bàn, số lượng người nộp thuế để bố trí lại cơ cấu tổ chức, nhân sự, cơ sở vật chất. Đặc biệt, phải bố trí cán bộ thường trực 24/7 để kịp thời hỗ trợ, tiếp nhận phản ánh, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế trong giai đoạn chuyển đổi. Các trụ sở, nhà đất dư thừa cũng cần được rà soát, xử lý dứt điểm trước ngày 1/8/2025, tránh lãng phí, tiêu cực.
Đổi mới tư duy quản lý, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển các dịch vụ thuế lên môi trường điện tử, hướng tới 100% thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính. Đồng thời, Cục Thuế đang xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ của cán bộ thuế, làm cơ sở quy hoạch, bố trí, khen thưởng và kỷ luật.
Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ thu ngân sách năm 2025-2026. Từng đơn vị, từng công chức sẽ được giao chỉ tiêu thu cụ thể. Song song với đó, ngành Thuế sẽ tăng cường các giải pháp chống thất thu, thu hồi nợ đọng, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro cao như hộ kinh doanh, thương mại điện tử, hoàn thuế và hóa đơn.
Tích cực tham gia hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thuế theo mô hình tổ chức mới. Cán bộ thuế cần nắm chắc các quy định trong Nghị định 122/2025/NĐ-CP và Thông tư 40/2025/TT-BTC - các văn bản pháp lý nền tảng cho quá trình chuyển đổi tổ chức.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) trong các nghiệp vụ quản lý thuế, phục vụ phân tích rủi ro, chỉ đạo điều hành, và quản trị nội bộ. Ban chuyển đổi số được giao nhiệm vụ đẩy nhanh các đề án hiện đại hóa công nghệ thông tin phù hợp với mô hình mới.
Xây dựng đội ngũ cán bộ thuế vững mạnh, chuyên nghiệp, gương mẫu. Nâng cao đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu.
Theo ông Thành, khối lượng công việc trong thời gian tới là rất lớn. Sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong ngành Thuế là điều kiện tiên quyết để hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ và Bộ Tài chính giao.