Ông Lê Tùng Vân - Tịnh thất Bồng Lai vẫn 'ôm tham vọng lớn' dù liên tiếp gặp rắc rối

Ông Lê Tùng Vân vẫn ấp ủ mở trại mồ côi nuôi 1.000 - 2.000 trẻ em dù nhiều lần bị 'tuýt còi'.

Mới đây, trên tờ Doanh nghiệp và tiếp thị, ông Nhị Nguyên, đại diện phía Tịnh thất Bồng Lai đã nói về những lùm xùm của cơ sở này trong thời gian qua.

Ông Lê Tùng Vân cùng các "đồ đệ"

Ông Lê Tùng Vân cùng các "đồ đệ"

Theo ông Nguyên, hiện tại, ông Lê Tùng Vân vẫn ấp ủ mở một trại mồ côi với quy mô có thể nhận nuôi được 1.000 - 2.000 trẻ em. Tuy nhiên, vì "tuổi cao sức yếu" và "kinh tế có hạn", ông đành gác lại dự định của mình.

Ông Nguyên nói: "Trẻ em là gốc rễ của xã hội. Những đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép, hiền lành sẽ tạo nên một xã hội có đạo đức. Vì vậy, với phương pháp tu tập của "thầy ông nội", tôi tin bất kì đứa trẻ nào cũng sẽ trở nên giỏi giang hơn. Nếu ai biết rõ "thầy ông nội" sẽ thấy thương thầy vô cùng. Những năm gần đây, vì sức yếu cộng với bệnh tiểu đường và huyết áp, thầy không còn có thể đi đứng được nhiều như trước. Giấc mơ về "trại trẻ mồ côi" của thầy vẫn còn bị bỏ dở".

Cũng theo ông Nguyên, các "chú tiểu", "sư thầy", "sư cô" tại đây đều là trẻ mồ côi, được ông Lê Tùng Vân nuôi dạy từ nhỏ.

Ông Nguyên cho biết: "Từ khi tôi còn nhỏ, tôi hiếm khi nào thắc mắc về nguồn gốc, thân phận của mình. Tôi nghĩ rằng cha mẹ ruột của mình vì một lí do nào đó đặc biệt mới không thể tiếp tục nuôi dạy tôi. Sống với thầy Lê Tùng Vân, tôi vẫn được chăm sóc, dạy dỗ, cho học hành một cách tử tế đàng hoàng. Đối với các bé hiện nay ở Tịnh thất Bồng Lai, tôi nghĩ rằng khi lớn lên, các bé dù biết mình là trẻ mồ côi nhưng vẫn hạnh phúc vì được sống trong môi trường tốt. Tôi coi ông Lê Tùng Vân như cha ruột. Các cô ở đây từng chăm sóc tôi vẫn coi như mẹ ruột vậy".

Chia sẻ này của ông Nhị Nguyên đã khiến dư luận xôn xao. Bởi trước đó, trại cô nhi Thánh Đức vào năm 1990 mà ông Lê Tùng Vân đã phải đóng cửa vì để xảy ra nhiều sai phạm.

Theo đó, vào những năm 1990, ông Lê Tùng Vân đã thành lập trại cô nhi Thánh Đức trên nền một khu đất ruộng ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Tại đây, ông Vân cho biết mình đã đón những trẻ mồ côi, người già lang thang cơ nhỡ về chăm sóc.

Qua kiểm tra thực tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đã kết luận cơ sở này hoạt động bất hợp pháp với hàng loạt sai phạm: không đăng ký tạm trú cho những người lưu trú, không làm thủ tục nhận con nuôi theo quy định của pháp luật và có dấu hiệu trục lợi.

Đến năm 2007, do hoạt động không đúng theo quy định pháp luật nên UBND huyện Bình Chánh có quyết định chấm dứt hoạt động. Sau khi trại mồ côi này bị xóa sổ, ông Lê Tùng Vân đã dọn về ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để thành lập nên Tịnh thất Bồng Lai.

Cơ quan Công an nhiều lần làm việc với những người trong hộ gia đình bà Cúc về việc làm mất an ninh trật tự.

Cơ quan Công an nhiều lần làm việc với những người trong hộ gia đình bà Cúc về việc làm mất an ninh trật tự.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, những câu chuyện liên quan đến cơ sở này (tên gọi mới là Thiền am bên bờ vũ trụ) đã gây xôn xao dư luận.

Theo đó, Tịnh thất Bồng Lai được xác định không phải là cơ sở tu viện hợp pháp do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An quản lý. Cơ sở này là của gia đình bà Cao Thị Cúc (trú tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) xây dựng nhà riêng để ở, sau đó tự ý vận chuyển tượng Phật, các đồ thờ cúng vào để biến nơi này thành một cơ sở thờ tự bất hợp pháp.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/ong-le-tung-van-tinh-that-bong-lai-van-om-tham-vong-lon-du-lien-tiep-gap-rac-roi-172211129093747396.htm