Ông Tất Thành Cang bật khóc tại tòa

Tự bào chữa, ông Tất Thành Cang bật khóc khi cho rằng công việc rất nặng nề, chưa bao giờ có ngày nghỉ. Bị cáo nói không tạo điều kiện cho Tề Trí Dũng trong vụ Sadeco.

Chiều 7/6, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM), Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco) và 18 người liên quan các sai phạm xảy ra tại Sadeco.

Sau khi đại diện VKS Cấp cao tại TP.HCM đề nghị mức án. Tự bào chữa, ông Tất Thành Cang cho rằng thường trực thành ủy không chủ trương đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán. Từ đó bị cáo có chủ trương không tiếp tục đầu tư tăng vốn điều lệ vào Sadeco.

"Việc phát hành tăng vốn điều lệ Sadeco không phát sinh quyền mua. Tờ trình 1148 chủ trương phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu chứ không phải phát hành cho cổ đông duy nhất", ông Cang nói và nhận trách nhiệm đã thiếu sót trong công tác kiểm tra.

 Bị cáo Tất Thành Cang bật khóc tại tòa. Ảnh: Dương Trang.

Bị cáo Tất Thành Cang bật khóc tại tòa. Ảnh: Dương Trang.

Theo cựu Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, công việc của ông quá nhiều, vì vậy khi nghe văn phòng thành ủy báo cáo mà không phát hiện ra tờ trình 12A giả mạo để ngăn chặn kịp thời. "Bị cáo đã quá tin vào cơ quan chủ sở hữu, không hình dung ra việc cán bộ văn phòng cấp ủy tự ý thay đổi một tờ trình của tập thể đã được cho ý kiến", ông Tất Thành Cang nói khẳng định không hề có mục đích vụ lợi cá nhân.

Cũng theo ông Cang, bị cáo chỉ phê duyệt tờ trình 12A, trong khi đó tờ trình 12A và 13 có sự khác nhau trong nội dung và pháp lý. "Tờ trình 12A ghi giá dự kiến 40.000 đồng/cổ phần. Tờ trình 12A ghi giá dự kiến, 13 là ghi giá ấn định 40.000 đồng. 12A đưa ra 2 phương án, 13 thì ban hành duy nhất một phương án, khác về bản chất nội dung và bản chất pháp lý", ông Cang cho biết.

Trình bày khoảng 5 phút, ông Tất Thành Cang bật khóc tại tòa. "Khi bị cáo nhận vai trò Phó bí thư Thành ủy công việc rất nặng nề, chưa bao giờ có ngày nghỉ. Bị cáo không tạo điều kiện cho Tề Trí Dũng trong vụ Sadeco. Bị cáo chỉ thiếu sót và có sai sót khi không kiểm tra", ông Tất Thành Cang nghẹn giọng.

Trước đó, bào chữa cho ông Cang, luật sư Lê Nguyễn Hòa cho rằng bản chất pháp lý của tờ trình 12A và tờ trình 13 là hoàn toàn khác nhau. Tờ trình 12A được thực hiện do sự gian dối, không được hội đồng quản trị Sadeco thông qua là không có giá trị pháp lý và không có hiệu lực. Tờ trình 13 được thực hiện theo đúng trình tự quy định, được HĐQT Sadeco thông qua nên có giá trị pháp lý.

“Bất luận nội dung hai tờ trình này có giống nhau hoặc khác nhau ở điểm nào thì việc cấp sơ thẩm bỏ qua tính không có hiệu lực pháp lý của tờ trình 12A gian dối để đem ra so sánh với tờ trình 13 là đồng hóa giữa chứng cứ gian dối bất hợp pháp với chứng cứ hợp pháp. Để rồi từ đó tòa nhận định hành vi bút phê đồng ý của bị cáo Cang trên tờ trình 1148 (được lập căn cứ từ tờ trình 12A bất hợp pháp) của văn phòng Thành ủy là trái pháp luật”, luật sư Hòa nêu quan điểm.

 Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Chí Hùng.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Chí Hùng.

Bản án sơ thẩm xác định với vai trò là Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Tất Thành Cang đã có bút phê đồng ý vào tờ trình số 1148 của Văn phòng Thành ủy phát hành 9 triệu cổ phần có giá 40.000 đồng/cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim.

Đây là cơ sở để ông Tề Trí Dũng và các cá nhân có chức vụ tại Sadeco, IPC và người đại diện vốn căn cứ đề nghị của Công ty Nguyễn Kim về việc mua cổ phần của Sadeco để trở thành cổ đông chiến lược đã thực hiện các thủ tục thông qua phát hành 9 triệu cổ phần Sadeco trái quy định, không thông qua đấu giá, đấu thầu; gây thất thoát của Sadeco 1.103 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc, Đỗ Công Hiệp (nguyên Kế toán trưởng Sadeco) đã chi tiền của Sadeco cho nhiều cá nhân đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài trái quy định; gây thiệt hại cho Sadeco gần 3,6 tỷ đồng; gây thất thoát gần 2,2 tỷ đồng vốn Nhà nước.

Đối với tội Tham ô tài sản, 8 người có hành vi sai phạm trong việc sử dụng tiền từ nguồn tiền thù lao và quỹ khen thưởng của người đại diện vốn không chuyên trách trong các năm 2016, 2017 và 2018. Tổng số tiền họ chiếm hưởng, tham ô là hơn 4,7 tỷ đồng.

Dương Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-tat-thanh-cang-bat-khoc-tai-toa-post1324345.html