Petrovietnam giải bài toán tăng trưởng điện bằng 'thế trận' điện khí và năng lượng tái tạo

Trước áp lực tăng thêm 2.500 MW điện mỗi năm và yêu cầu chuyển dịch năng lượng bền vững, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đang khẳng định vai trò tiên phong với loạt dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi và các nguồn năng lượng mới. Những dự án này không chỉ áp ứng nhu cầu tăng trưởng công suất điện, mà còn góp phần định hình hệ sinh thái năng lượng hiện đại và tự chủ cho Việt Nam.

Petrovietnam trở thành lực lượng tiên phong trong hành trình chuyển đổi năng lượng, giữ vai trò chủ lực trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Petrovietnam trở thành lực lượng tiên phong trong hành trình chuyển đổi năng lượng, giữ vai trò chủ lực trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng của Việt Nam liên tục tăng cao, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, điện cần "đi trước một bước". Với mức tăng trung bình khoảng 2.500 MW/năm theo Quy hoạch điện VIII, ngành năng lượng đang đối mặt với hàng loạt thách thức: thiếu hụt nguồn cung trung hạn, lưới truyền tải quá tải cục bộ, cơ chế phát triển điện khí LNG còn nhiều điểm nghẽn, phát triển điện gió ngoài khơi vẫn đang trong giai đoạn đặt nền móng... Trước những yêu cầu cấp thiết đó, Petrovietnam trở thành lực lượng tiên phong trong hành trình chuyển đổi năng lượng, vừa giữ vai trò chủ lực trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa đặt nền móng cho hệ sinh thái năng lượng xanh, hiện đại và bền vững.

Trụ cột tiên phong về điện khí

Theo Quy hoạch điện VIII, cơ cấu nguồn nhiệt điện khí (bao gồm khí tự nhiên và LNG) đến năm 2030 dự kiến đạt hơn 37.000 MW, tương ứng gần 1/4 tổng công suất toàn hệ thống, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện quốc gia.

Một trong những hướng đi chiến lược được Petrovietnam xác lập là phát triển chuỗi giá trị điện khí LNG. Tập đoàn đã sớm đề xuất mô hình phát triển "Trung tâm LNG" thay vì kho cảng nhỏ lẻ, từ đó tối ưu hóa chi phí đầu tư, điều phối hiệu quả nguồn cung và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia. Một trong những dự án then chốt hiện thực hóa định hướng này là kho cảng LNG Thị Vải do PV GAS - đơn vị thành viên của Petrovietnam - làm chủ đầu tư. Đây là kho cảng LNG đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, với công suất giai đoạn 1 đạt 1 triệu tấn/năm, đang triển khai nâng cấp, mở rộng lên 3 triệu tấn/năm. Kho được trang bị bồn chứa 180.000 m3, hệ thống tái hóa khí công suất lớn, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 DWT. Sự kiện đưa kho cảng LNG Thị Vải vào vận hành năm 2023 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa nguồn cung nhiên liệu sạch cho phát điện của Petrovietnam.

Một góc của Trung tâm Điện lực Nhơn Trạch được phát triển theo định hướng "năng lượng xanh"

Một góc của Trung tâm Điện lực Nhơn Trạch được phát triển theo định hướng "năng lượng xanh"

Gắn với định hướng phát triển điện khí LNG là chuỗi dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, sử dụng khí LNG nhập khẩu, với tổng công suất 1.624 MW. Đây là tổ hợp nhà máy điện khí LNG đầu tiên tại Việt Nam sử dụng tuabin khí thế hệ mới, hiệu suất cao và thân thiện môi trường. Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 đã chính thức hòa lưới điện quốc gia lần lượt vào tháng 2 và tháng 6/2025, bước đầu bổ sung 100 MW vào hệ thống điện quốc gia và sẽ đạt toàn bộ công suất vào cuối năm nay. Khi vận hành ổn định, Nhơn Trạch 3 và 4 dự kiến cung cấp hơn 9 tỷ kWh điện thương phẩm mỗi năm, góp phần đáng kể vào việc đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng cao của khu vực miền Nam.

Bên cạnh đó, nhằm triển khai hiệu quả chiến lược phát triển ngành Dầu khí theo tinh thần Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị và bắt nhịp với xu hướng chuyển dịch năng lượng, Petrovietnam và EVN đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc cấp khí LNG từ kho LNG Vũng Áng cho Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) LNG Quảng Trạch II. Đây là dự án chuyển đổi từ nguồn nhiên liệu than sang LNG, với công suất 1.500 MW, được bổ sung vào Quy hoạch điện VIII, mở rộng phạm vi phát triển điện khí LNG từ Nam ra Bắc, tạo trục liên kết vùng và giảm áp lực cho lưới truyền tải liên vùng.

Cùng với việc phát triển nguồn điện từ LNG nhập khẩu, Petrovietnam đang đầu tư đồng bộ chuỗi khí - điện sử dụng khí nội địa. Điển hình là chuỗi dự án Lô B - Ô Môn, gồm các hạng mục khai thác khí từ mỏ Lô B, tuyến ống dẫn khí dài hơn 400km về Trung tâm điện lực Ô Môn (Cần Thơ) và 4 tổ máy điện khí với tổng công suất gần 3.800 MW. Trong đó, Petrovietnam trực tiếp đầu tư tổ máy Ô Môn IV (1.155 MW) nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong vận hành và khai thác chuỗi giá trị khí - điện. Khi đi vào hoạt động, dự án dự kiến sẽ cung cấp khoảng 5 tỷ m3 khí/năm, góp phần tăng cường an ninh năng lượng cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Petrovietnam đầu tư nhiều dự án khí, đảm bảo cung ứng năng lượng cho quốc gia - Ảnh minh họa

Petrovietnam đầu tư nhiều dự án khí, đảm bảo cung ứng năng lượng cho quốc gia - Ảnh minh họa

Chủ động hình thành năng lực nội tại về điện gió ngoài khơi

Song song với điện khí, Petrovietnam đang chủ động mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi - được đánh giá có tiềm năng lớn nhất về công suất lắp đặt (ước tính lên tới 100 GW). Với nền tảng kỹ thuật trong khảo sát địa chất, địa vật lý biển và thi công ngoài khơi, Petrovietnam hiện là một trong số rất ít doanh nghiệp trong nước có khả năng thiết kế, chế tạo và thi công các cấu kiện điện gió ngoài khơi, không chỉ về mặt kỹ thuật và đầu tư, mà còn ở quy mô triển khai và khả năng mở rộng chuỗi cung ứng.

Năm 2023, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của Petrovietnam trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi toàn cầu, thông qua các hợp đồng cơ khí chế tạo cho các trang trại điện gió tại châu Á và châu Âu. Trong đó, PTSC - đơn vị thành viên của Petrovietnam đã đầu tư mạnh mẽ vào dây chuyền thiết bị, nhân lực và hạ tầng. Nhờ đó, thời gian chế tạo chân đế điện gió nặng hàng nghìn tấn được rút ngắn từ 10 tháng xuống chỉ còn 2 tuần.

Trong giai đoạn 2023-2025, Petrovietnam triển khai hàng loạt dự án cụ thể trong và ngoài nước, nổi bật là: Hợp đồng trị giá 300 triệu USD với Ørsted (Đan Mạch) nhằm chế tạo 33 chân đế tuabin gió cho dự án Greater Changhua 2b & 4 (Đài Loan); Chế tạo trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án Baltica 2 (Ba Lan) - một trong những dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất khu vực Baltic, công suất 1,5 GW.

Song song đó, Petrovietnam mở rộng hợp tác khu vực. Ngày 26/5/2025, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam, Malaysia và Singapore, Petrovietnam đã ký thỏa thuận ba bên với Tenaga Nasional - Petronas (Malaysia) và Sembcorp (Singapore), cùng phát triển dự án điện gió ngoài khơi quy mô hơn 2.000 MW tại Việt Nam, kết nối qua cáp ngầm, nhằm xuất khẩu điện sang các nước trong khu vực. Trước đó, từ năm 2023, Liên danh PTSC - Sembcorp đã triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại Bà Rịa - Vũng Tàu, công suất khoảng 2,3 GW, với vùng biển khảo sát được cấp phép rộng tới 188.000 ha.

Đồng thời, Petrovietnam phối hợp Bộ Công Thương xây dựng đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Các đơn vị thành viên/trực thuộc Petrovietnam đã hoàn tất nhiều hạng mục khảo sát, lập hồ sơ kỹ thuật và sẵn sàng triển khai các dự án đầu tiên ngay khi được cấp phép. Cùng với đó, Petrovietnam đang khảo sát, chuẩn bị các tiền đề về kỹ thuật và pháp lý để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, đặc biệt tại vùng biển phía Nam và Bắc Trung Bộ, nơi có tốc độ gió lý tưởng.

Petrovietnam bàn giao 33 chân đế điện gió ngoài khơi cho khách hàng Orsted (Đan Mạch)

Petrovietnam bàn giao 33 chân đế điện gió ngoài khơi cho khách hàng Orsted (Đan Mạch)

Tính đến giữa năm 2025, tổng giá trị hợp đồng và thỏa thuận hợp tác mà Petrovietnam ký kết trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi đã vượt mốc 1 tỷ USD, khẳng định vai trò dẫn dắt toàn diện của Tập đoàn trong phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, cả ở cấp độ quốc gia và khu vực. Việc chủ động nghiên cứu, đầu tư và hình thành năng lực nội tại trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi là bước đi chiến lược của Petrovietnam, nhằm đón đầu xu thế chuyển dịch năng lượng, góp phần nâng cao năng lực tự chủ của Việt Nam trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.

Đa dạng phát triển các loại hình năng lượng mới

Không chỉ tập trung vào điện khí và điện gió ngoài khơi, Petrovietnam còn triển khai hàng loạt sáng kiến nhằm giảm phát thải và thúc đẩy chuyển đổi xanh trong toàn bộ chuỗi giá trị tại các đơn vị thành viên. Tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã triển khai hàng chục giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu suất năng lượng, giúp tiết kiệm gần 10 triệu USD/năm. Đáng chú ý, BSR đã nghiên cứu và bắt đầu sản xuất thử nghiệm nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) - một trong những bước đi tiên phong trong lộ trình Net Zero của ngành công nghiệp chế biến dầu khí Việt Nam.

BSR cũng đã nghiên cứu và bắt đầu sản xuất thử nghiệm nhiên liệu hàng không bền vững

BSR cũng đã nghiên cứu và bắt đầu sản xuất thử nghiệm nhiên liệu hàng không bền vững

Trong lĩnh vực phát điện, PV Power đang xúc tiến đầu tư nhiều dự án năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời lòng hồ, điện gió on shore, điện rác và thủy điện nhỏ, phát triển các sản phẩm năng lượng mới như pin lưu trữ, hydrogen, green ammonia... nhằm đón đầu xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Bên cạnh đó, các nhà máy điện hiện hữu của PV Power được lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để phục vụ tiêu dùng nội bộ, từng bước chuyển đổi vận hành theo hướng xanh hóa.

Nhìn từ góc độ hệ thống, các dự án điện khí và năng lượng tái tạo do Petrovietnam triển khai đã và đang bổ sung đáng kể công suất mới cho hệ thống điện quốc gia, góp phần trực tiếp giải bài toán thiếu hụt công suất nguồn cung. Đồng thời, việc bố trí các dự án tại miền Nam, Tây Nam Bộ, Bắc Trung Bộ giúp giảm áp lực cho hệ thống truyền tải Bắc - Nam vốn đang quá tải cục bộ, đặc biệt vào cao điểm mùa khô.

Đáng chú ý, Petrovietnam thực hiện hầu hết các dự án lớn bằng nguồn vốn tự chủ, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ. Điều này khẳng định năng lực tài chính, quản trị dự án cũng như sự chủ động của Tập đoàn trong triển khai chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, Petrovietnam cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tập đoàn hàng đầu như Aramco, ADNOC, Ørsted, TotalEnergies... trong lĩnh vực LNG, CCS/CCUS và điện gió ngoài khơi, mở rộng không gian hợp tác, thu hút đầu tư và tiếp cận công nghệ tiên tiến.

Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng trở thành yêu cầu bắt buộc và cấp bách, Petrovietnam không chỉ giữ vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh năng lượng, mà còn tiên phong trong định hình hệ sinh thái năng lượng mới, góp phần giải quyết bài toán tăng trưởng điện 2.500 MW/năm của đất nước, đồng thời đặt nền móng cho nền kinh tế phát thải thấp, tự chủ về năng lượng và có sức cạnh tranh toàn cầu trong tương lai gần.

Phương Thảo

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/petrovietnam-giai-bai-toan-tang-truong-dien-bang-the-tran-dien-khi-va-nang-luong-tai-tao-729926.html