PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Vinh: Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế thầy thuốc

Một ca phẫu thuật thị phạm được các chuyên gia Tiết niệu - Thận học phối hợp với bác sĩ Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Đa khoa Phú Yên thực hiện tại bệnh viện này. ẢNH: YÊN LAN

Trong những bước phát triển mạnh mẽ của y khoa có sự phát triển của chuyên ngành Tiết niệu - Thận học. Tất cả đều hướng đến mục tiêu: Thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe người dân.

Báo Phú Yên phỏng vấn PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Vinh, Chủ tịch Hội Tiết niệu - Thận học TP Hồ Chí Minh về những tiến bộ ở lĩnh vực tiết niệu - thận học, về việc thúc đẩy chuyên ngành này phát triển ở những địa phương còn nhiều khó khăn để người bệnh không phải đi xa điều trị và có cuộc sống chất lượng hơn. PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Vinh cho biết:

- Song hành với những tiến bộ của các ngành khác, chuyên ngành Tiết niệu - Thận học cũng phát triển. Ở lĩnh vực ngoại tiết niệu, các phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn đang được sử dụng. Trước đây, khi cần điều trị bằng phẫu thuật là mổ mở, còn bây giờ thì phẫu thuật nội soi, như những ca phẫu thuật thị phạm trong hội nghị khoa học thường niên lần thứ 20 của Hội Tiết niệu - Thận học TP Hồ Chí Minh vừa được các chuyên gia thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.

Thay vì mổ mở, bác sĩ chỉ rạch một đường nhỏ. Càng tiến bộ thì vết rạch càng nhỏ để bệnh nhân đỡ đau hơn, vết mổ đẹp hơn, thời gian xuất viện sớm hơn. Có những thủ thuật, thủ thuật viên đưa dụng cụ đi vào lỗ tự nhiên để điều trị, không hề có vết rạch.

Có những kỹ thuật, cách đây vài thập niên, chúng ta nghĩ rằng chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng, nay đã thực hiện thường quy, như tán sỏi ngoài cơ thể. Kỹ thuật này sử dụng sóng xung kích để phá vỡ cấu trúc viên sỏi, không có bất kỳ can thiệp nào khác vào cơ thể bệnh nhân. Bây giờ người ta phát triển phẫu thuật bằng robot. Bác sĩ phẫu thuật ngồi bên bàn điều khiển robot. Đây là một hướng phát triển.

Trong điều trị ung thư, bây giờ người ta tiến tới điều trị đa phương thức, trong đó có liệu pháp nội tiết, liệu pháp miễn dịch... và sử dụng robot phẫu thuật. Đó là những bước tiến nhanh.

PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Vinh

PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Vinh

* Rõ ràng, khoa học công nghệ nói chung, trí tuệ nhân tạo nói riêng đã hỗ trợ thầy thuốc rất nhiều. Nhưng thưa phó giáo sư, trí tuệ nhân tạo có thể thay thế được những bác sĩ - phẫu thuật viên dạn dày kinh nghiệm?

- Không chỉ trong phẫu thuật, trí tuệ nhân tạo còn hỗ trợ thầy thuốc rất nhiều. Chẳng hạn như trong giải trình tự gen, trí tuệ nhân tạo sẽ tổng kết cả trăm ngàn nghiên cứu trên khắp thế giới và bác sĩ biết là với đột biến này thì nên dùng thuốc gì...

Hiện tại, trí tuệ nhân tạo là “quân sư”, còn bác sĩ là người quyết định sau cùng và chịu trách nhiệm đối với bệnh nhân của mình. Cho tới hiện nay, trí tuệ nhân tạo không thể nào thay thế được thầy thuốc, còn trong tương lai thì mình chưa biết.

* Thưa phó giáo sư, làm thế nào để đội ngũ bác sĩ chuyên ngành Tiết niệu - Thận học tại các địa phương còn nhiều khó khăn có cơ hội nâng cao tay nghề, bệnh nhân được tiếp cận với những phương pháp, kỹ thuật điều trị tiên tiến?

- Sự phát triển của y học dựa vào hai nhánh lớn: Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong lâm sàng. Nghiên cứu cơ bản cần thời gian, cần cả quá trình, cần rất nhiều điều kiện; còn ứng dụng trong lâm sàng thì nhanh hơn. Như robot chẳng hạn. Các nhà khoa học nghiên cứu biết bao lâu mới có robot, một khi đã có rồi thì chỉ trong vòng 10 năm là nó bắt đầu phổ biến.

Các địa phương đang phát triển có lợi thế là sẽ biết được phương pháp nào tối ưu, thiết bị nào tốt, kỹ thuật này cần làm thế nào cho chuẩn chứ không phải trải qua giai đoạn dài rút kinh nghiệm. Chẳng hạn như bây giờ muốn phát triển một kỹ thuật nào đó trong lĩnh vực tiết niệu - thận học, lãnh đạo bệnh viện cử người đi học một thời gian rồi về triển khai. Về thiết bị y tế, chúng ta biết là chỉ sau vài năm, những thiết bị tối tân sẽ hạ giá cho nên dễ tiếp cận hơn.

Các bệnh viện tuyến trung ương cũng như Hội Tiết niệu - Thận học TP Hồ Chí Minh rất sẵn lòng cử người về địa phương cầm tay chỉ việc. Tôi nghĩ rằng chỉ cần có tấm lòng với người bệnh và một cơ chế phù hợp thì sẽ phát triển được.

* Làm thế nào bảo vệ thận, bảo vệ hệ tiết niệu, thưa phó giáo sư?

- Có thể nói quả thận rất chịu thương chịu khó. Giảm 50% chức năng thận, vẫn không thấy có triệu chứng gì. Người ta hiến tặng một quả thận, chỉ còn một quả, vẫn sống bình thường. Thận là cơ quan linh hoạt và thích ứng rất tốt.

Khi bị bệnh, thận vẫn cố gắng “gồng gánh”, cho tới lúc có triệu chứng rồi thì người ta gần như là buông xuôi. Vì vậy, để phòng tránh thì phải có những kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe ban đầu và tầm soát, thăm khám định kỳ. Thứ hai là không dùng thuốc theo lối rỉ tai. Thực tế, bà con nghe người không có chuyên môn nhiều hơn là nghe lời khuyên của thầy thuốc. Nghe rỉ tai “Nè, phương thuốc đó hay lắm” là người ta làm theo. Điều đó rất nguy hiểm! Làm gì cũng nên tham khảo, hỏi ý kiến chuyên gia và kiểm tra sức khỏe định kỳ, nếu có bệnh thì phát hiện ở giai đoạn sớm, dễ điều trị hơn.

* Xin cảm ơn phó giáo sư!

Đừng nghĩ rằng “Tôi thấy khỏe mà, có gì đâu mà phải đi khám, phải làm xét nghiệm”, tới lúc có triệu chứng rồi thì sẽ rất khó. Cho nên mọi người cố gắng thực hiện đúng theo những khuyến cáo về chăm sóc sức khỏe ban đầu.

YÊN LAN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/95/301138/pgs-ts-bs-nguyen-tuan-vinh--tri-tue-nhan-tao-khong-the-thay-the-thay-thuoc.html