PGS.TS VŨ VĂN PHÚC: CÔNG CUỘC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC - TRÊN DƯỚI ĐỒNG LÒNG, DỌC NGANG THÔNG SUỐT

Một trong những nội dung đáng chú y tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát. Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) năm 2018 đã cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; trong đó, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân là những cơ quan được giao thực hiện chức năng phát hiện, xử lý tham nhũng.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 20/3: CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN THUỘC LĨNH VỰC KIỂM SÁT

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 20/3: CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN ĐỐI VỚI NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC TÒA ÁN TẠI PHIÊN HỌP THỨ 21 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã “trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”.

Quan tâm, theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, tại Việt Nam, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị được thể hiện xuyên suốt trong nhiều văn kiện của Đảng và chính sách của Nhà nước. Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) năm 2018 đã cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân là những cơ quan được giao thực hiện chức năng phát hiện, xử lý tham nhũng. Trong đó, người đứng đầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao là Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tòa án và Viện Kiểm sát, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tòa án và Viện Kiểm sát, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban chỉ đạo. Nhìn lại hơn 10 năm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, PGS.TS Vũ Văn Phúc cho biết, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực sự đã “trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược” và “thu được nhiều kết quả quan trọng”, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đặc biệt, góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của Nhân dân, bác bỏ mọi luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”.

Theo Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực được làm liên tục, xử rất nhiều vụ, trong đó có nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị vi phạm bị xử lý, thu hồi tài sản với số tiền lên đến hàng triệu USD. Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ án tham nhũng, 5.841 bị can; truy tố 2.628 vụ, 6.199 bị can. Đặc biệt, tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, đã khởi tố, điều tra khoảng 4.200 vụ, 7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó riêng các tội về tham nhũng đã có 455 vụ, 1.054 bị can bị khởi tố, điều tra.

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, những con số trên cho thấy quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng, Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, đưa nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này không chỉ là tuyên ngôn chính trị mà đã trở thành hành động thực tế…

Theo số liệu điều tra dư luận xã hội mới đây do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện, có 93% số người được hỏi bày tỏ tin tưởng vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả to lớn đạt được trong 10 năm qua, không chỉ dừng lại ở những con số: hàng trăm vụ án, vụ việc được kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý; hàng ngàn bị cáo bị truy tố, xét xử nghiêm minh; hàng ngàn cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc; hàng chục ngàn tỷ đồng, hàng triệu mét vuông đất được thu hồi về cho Nhà nước, mà kết quả có tính căn cốt, nền tảng, giá trị hơn tiền bạc là niềm tin của Nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt.

Nêu quan điểm công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ thành công khi “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, nhưng PGS.TS Vũ Văn Phúc cho biết thực tế, một thời gian dài, lại có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

 PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Trước đây, trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thường hay xuất hiện cụm từ “trên nóng, dưới lạnh”, nghĩa là, dù cho Trung ương đã rất rốt ráo, cương quyết thực hiện, nhưng ở địa phương vẫn “lặng im như tờ”, không có chuyển biến. Nhiều năm qua Trung ương đã trực tiếp chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, nhiều cá nhân sai phạm và cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp tục được đẩy mạnh trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

Để khắc phục thực trạng “trên nóng, dưới lạnh”, Ban chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Quy định số 67 – QĐ/TW ngày ngày 02/6/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến thời điểm này, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Từ đó đã có sự vào cuộc của các ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh tại các địa phương.

Thời gian gần đây công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng ở địa phương đã có những dấu hiệu tích cực, có sự chuyển biến đáng kể khắc phục được phần nào tình trạng “trên nóng dưới lạnh” - một căn bệnh trầm kha. Theo thống kê chưa đẩy đủ, đã có những tỉnh, thành phố phát hiện và xử lý kỷ luật, một số địa phương đã khởi tố nhiều vụ án và bị can về tội tham nhũng, tiêu cực như: tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố 7 vụ với 8 bị can, Thanh Hóa 7 vụ với 16 bị can, Bắc Ninh 6 vụ với 22 bị can, Nam Định, Phú Thọ mỗi tỉnh khởi tố 10 bị can... Những chỉ dấu này cho thấy, trên nóng, dưới đã ấm dần lên.

Đây là những dấu hiệu cho thấy, các cấp ủy Đảng địa phương đã và đang có những chuyển biến rõ dần, đã có dấu hiệu vào cuộc càng ngày càng quyết liệt hơn, thực hiện đúng tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, cùng Trung ương trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực, để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng nhưng phải bảo vệ được những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Đây phải là nhiệm vụ trọng tâm của các ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh/thành phố, theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về việc "bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung".

Để "bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung" theo tinh thần Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị, PGS.TS Vũ Văn Phúc kiến nghị cần thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị thành pháp luật để tạo khung khổ pháp lý để thực hiện chủ trương này… Cấp ủy, bí thư cấp ủy ở địa phương, cơ sở phải cụ thể hóa thành cơ chế, quy định phù hợp với tình hình cụ thể ở địa phương để thực hiện ở địa phương việc khuyết khích, bảo vệ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Khi có vụ, việc xảy ra cấp ủy phải thành lập Hội đồng gồm những thành viên có phẩm chất, có trình độ đánh giá khách quan, công tâm để xác định động cơ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ xem có vì lợi ích chung hay không.

PGS.TS Vũ Văn Phúc nêu quan điểm, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không phải là câu chuyện của riêng ai, để phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, và để cho sự thụ động, e dè, thiếu quyết liệt, thậm chí né tránh không còn tồn tại thì hơn bao giờ hết, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là những người đứng đầu cấp ủy và lãnh đạo các địa phương, bộ ngành. Nếu như công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện đúng như tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” thì có lẽ, những hành vi tham nhũng sẽ không còn đất sống.

Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phiên họp ngày 18/11/2022, tại Hà Nội, đã đánh giá: “Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực; số vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý có chiều hướng tăng cao so với các năm trước; trong 10 tháng năm 2022, các địa phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng (gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước). Mặc dù mới được hình thành và đi vào hoạt động, nhưng các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tích cực, chủ động đưa gần 400 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý. Nhiều địa phương đã khởi tố cả Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở, như: Lào Cai, Phú Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Ninh,... Điều này cho thấy tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" đã giảm dần; trên làm nghiêm dưới cũng phải nghiêm, không làm cũng không được.”

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc Ban Chủ đạo Trung ương theo dõi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Một số vụ án, vụ việc chậm kết thúc xử lý theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Công tác giám định, định giá tài sản trong một số vụ án, vụ việc còn chậm, phối hợp chưa tốt, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ chờ kết quả giám định, định giá. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp,... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ vẫn chưa chuyển biến, rất ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra. Công tác thu hồi tài sản mặc dù làm rất mạnh, tăng cao so với các năm trước, nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.

Phát biểu kết luận phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 18/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài. Các hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn; không chỉ diễn ra trong nước mà vượt ra cả phạm vi quốc tế, không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà cả ở khu vực ngoài nhà nước, không chỉ một vài cá nhân vi phạm mà đã có nhiều tập thể vi phạm, hình thành các "nhóm lợi ích", không chỉ làm mất tiền, tài sản của Nhà nước, mà còn mất nhiều cán bộ, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì, không dừng, không nghỉ, quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, khẩn trương hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; kết thúc điều tra, điều tra bổ sung 11 vụ án, truy tố 9 vụ án, xét xử sơ thẩm 11 vụ án, xét xử phúc thẩm 3 vụ án và kết thúc xác minh, xử lý 21 vụ việc theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, hợp tác công - tư, xã hội hóa, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, quy hoạch xây dựng,.../.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74244