Phải bắt đầu từ quy hoạch

Phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, sự đầu tư 'thần tốc', vượt mức quy hoạch của các dự án NLTT đang gây ra nhiều hệ lụy lên hệ thống điện, giải phóng mặt bằng... Theo đó, nếu không có sự tính toán, quy hoạch ngành một cách bài bản, việc phát triển các nguồn điện NLTT sẽ không phát huy được hiệu quả, lãng phí nguồn lực xã hội và làm nản lòng các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất lớn.

Vỡ quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến hết tháng 6-2019, cả nước đã có 89 nhà máy điện gió và mặt trời với tổng công suất lắp đặt 5.038MW, chiếm 9,5% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia. Con số này vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850MW điện mặt trời và 800MW điện gió vào năm 2020). Sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo, trong khi hệ thống truyền tải không theo kịp, dẫn tới quá tải, nhiều nhà máy phải giảm phát tới hơn 50% công suất.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng: Thời gian qua, các nhà máy NLTT không thể phát huy hết công suất là do việc thực hiện quy hoạch điện còn nhiều bất cập. Quy hoạch điện VII điều chỉnh đưa ra con số 800MW điện gió và 850MW điện mặt trời vào năm 2020, quy mô hơn 27.000MW nguồn NLTT vào năm 2030 cũng là tính toán định hướng. Quy hoạch này cũng không tính toán cụ thể cho từng năm về hệ thống đường dây và trạm biến áp truyền tải cho NLTT. Theo đó, các công trình lưới điện cho truyền tải nguồn NLTT không có căn cứ để được duyệt và đưa vào danh mục. Kết quả, hiện nhiều nhà máy điện NLTT phải giảm phát từ 10 đến 50% công suất. “Sự mất đồng bộ giữa phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió vừa qua gây ra các điểm nghẽn về truyền tải, thậm chí khá nhiều dự án không thể có được bản thỏa thuận đấu nối vào lưới điện”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

 Nhiều các dự án điện gió đang tập trung tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: EVN

Nhiều các dự án điện gió đang tập trung tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: EVN

Từ thực tế của địa phương “bùng nổ” các dự án điện NLTT trong thời gian qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho rằng, Ninh Thuận đã khá chủ động trong nghiên cứu, đề xuất quy hoạch phát triển NLTT. Tuy nhiên, do không có định hướng, định hình chung về phát triển NLTT nên quá trình phát triển, địa phương gặp phải các tồn tại, vướng mắc triển khai, điển hình như trong vấn đề quy hoạch đất đai cho phát triển NLTT. Đến nay, điểm nghẽn lớn nhất mà Ninh Thuận gặp phải chính là hệ thống truyền tải không giải quyết được công suất điện của các dự án NLTT. Khá nhiều dự án điện mặt trời phải giảm phát, có dự án giảm phát tới 50%.

Việc thiếu đồng bộ trong quy hoạch phát triển NLTT cũng được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, khi lập Quy hoạch điện VII vào năm 2017 đã chưa dự kiến được hết sự phát triển của NLTT trong đó chủ yếu là điện mặt trời, bởi thời điểm đó công nghệ, cũng như các điều kiện phát triển điện mặt trời chưa phổ biến để tạo đột biến. Để khắc phục tình trạng quá tải hệ thống truyền tải điện, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ, xin bổ sung dự án đường dây, trạm biến áp với mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ giải tỏa công suất của các dự án điện mặt trời có thể lên đến 60-70% (hiện tỷ lệ này là 30-40%).

Cấp thiết bổ sung dự án năng lượng tái tạo tiềm năng vào quy hoạch

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi nhận định, trong bối cảnh nguồn cung điện quốc gia đang gặp khó khăn, việc sớm bổ sung các dự án NLTT có tiềm năng khai thác vào quy hoạch phát triển điện quốc gia là vô cùng cần thiết. Việc được Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch điện, ngoài tạo thuận lợi cho dự án bước vào giai đoạn ký kết các hợp đồng điện và đầu tư, tạo cơ sở cho các cơ quan cập nhật quy hoạch đấu nối dự án vào hệ thống điện, cũng sẽ giúp phân định rõ việc đầu tư hệ thống truyền tải điện, đường dây, các trạm điện. Điều này nhằm bảo đảm công suất dự án và khả năng hấp thụ hệ thống điện khu vực dự án.

Là đơn vị đầu tư dự án điện gió Thanglong Wind-khu vực ngoài khơi mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận, với công suất 3.400MW, tổng số vốn lên đến 11,9 tỷ USD, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy ông Ian Hatton cho biết, với những chính sách phù hợp và ổn định từ Chính phủ Việt Nam, hợp đồng mua bán điện hợp lý, sử dụng những công nghệ tua bin được kiểm chứng từ nhà thầu uy tín để chế tạo và lắp đặt, các ngân hàng quốc tế sẽ bảo đảm đủ vốn cho việc xây dựng dự án. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã đồng ý chủ trương cho Tập đoàn Enterprize Energy nghiên cứu khảo sát dự án điện gió Thanglong Wind. Hiện nay, nhà đầu tư đã hoàn thành lập quy hoạch điện lực bổ sung, trình Bộ Công Thương thẩm định. Ông Ian Hatton bày tỏ mong muốn dự án này sẽ sớm được Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh, để đến năm 2023 các tổ máy đầu tiên của dự án này bắt đầu phát điện. Thành công của dự án điện gió Thanglong Wind sẽ cung cấp một lượng điện năng sạch rất lớn cho hệ thống điện Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường trong tương lai.

Cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc lập quy hoạch điện, Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết, EVN rất chia sẻ với địa phương và đề nghị các chủ đầu tư cùng chung tay với EVN xây dựng hệ thống lưới điện, có thể từ nhà máy vào đường dây chính. “Nhưng nguyên tắc cuối cùng là phải có quy hoạch. Tư nhân hay Nhà nước làm thì đều phải có quy hoạch”, ông Nguyễn Tài Anh nêu rõ. Hiện, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Quy hoạch điện VIII theo yêu cầu của Chính phủ. Theo góp ý của các chuyên gia, để có thể tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên NLTT, cần có một bản quy hoạch ngành chất lượng hơn nữa, cùng những cơ chế để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phai-bat-dau-tu-quy-hoach-605533