Phải có sự vào cuộc đồng bộ để ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng nhái
Khi quá trình sản xuất bị cạnh tranh không lành mạnh bởi các sản phẩm giả, nhái giá rẻ, sẽ gây ra thiệt hại kinh tế và làm tổn hại đến uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Thị Chính phát biểu tại tọa đàm. Ảnh Thanh Hải
Sáng 25/7, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”. PGS.TS Nguyễn Thị Chính - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam - Giám đốc Công ty TNHH Nấm Linh Chi đã có những chia sẻ hữu ích về vấn nạn hàng giả hàng nhái, cũng như vai trò của nấm dược liệu trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, và tiềm năng phát triển các sản phẩm từ nấm mang thương hiệu Việt trong bối cảnh hiện nay.
Cơ hội lớn cho các sản phẩm từ nấm dược liệu
PGS.TS Nguyễn Thị Chính cho biết, giới nấm (fungi) gồm nấm men, nấm mốc và nấm thượng đẳng. Trong đó, nấm dược liệu thuộc nhóm nấm thượng đẳng, là vi sinh vật chứ không phải thực vật. Đây là loại nấm có vai trò hết sức quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng, và tiềm năng phát triển các sản phẩm từ nấm mang thương hiệu Việt trong bối cảnh hội nhập hiện nay là rất lớn.
Trong nấm dược liệu chứa đầy đủ những chất dinh dưỡng như protein, đường, lipit, muối khoáng, vitamin, enzym… đặc biệt là những hoạt chất sinh học vô cùng quý giá, có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe đặc biệt trong phòng hỗ trợ điều trị bệnh rất hữu hiệu.
PGS.TS Nguyễn Thị Chính thông tin thêm, từ lâu nay giá trị của nấm dược liệu đã được khẳng định, có tác dụng tốt đối với sức khỏe, ví dụ như nấm linh chi. Ngày nay với công nghệ hiện tại đã xác định trong nấm linh chi chứa 119 chất và các dẫn suất khác nhau rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên chúng cũng rất phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện sinh thái, công nghệ và điều kiện nuôi trồng, chế biến để có giá trị dinh dưỡng và hoạt chất sinh học khác nhau.
Từ hàng ngàn năm qua nấm dược liệu đã được khai thác trong tự nhiên, được biết đến cũng như sử dụng đến nay đã khẳng định hơn 20 loài nấm dược liệu có tác dụng chống ung thư, tăng hệ miễn dịch với những hoạt chất quý như polysaccharides (1,3β - D glucan), triterpenoids, ergosterol, các axit amin thiết yếu, vitamin và khoáng chất. Ngoài ra chúng còn có những chất kháng sinh như Flammulin, lentinan, pleurotin….
Việt Nam có nguồn tài nguyên nấm tự nhiên rất đa dạng và phong phú, đặc biệt là các loài nấm dược liệu quý hiếm như nấm Linh chi, Đông trùng hạ thảo, vân chi, đầu khỉ, thượng hoàng… Trong những năm qua, PGS.TS Nguyễn Thị Chính đã cùng các cộng sự chuyển giao kiến thức, công nghệ cho nhiều đơn vị, địa phương và các hộ gia đình trồng thành công nấm dược liệu. Theo bà, người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, an toàn cho sức khỏe, đây là cơ hội lớn cho các sản phẩm từ nấm dược liệu.

PGS.TS Nguyễn Thị Chính bên những sản phẩm từ nấm dược liệu. Ảnh: Quỳnh Hoa
Cần hành động một cách đồng bộ và quyết liệt
Trước thực trạng một số sản phẩm nấm dược liệu bị làm giả, làm nhái, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và uy tín của các nhà khoa học, doanh nghiệp chân chính, PGS.TS Nguyễn Thị Chính nhìn nhận, đây đang là một thách thức lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và uy tín của cả một ngành công nghiệp cũng như những doanh nghiệp có nghiên cứu khoa học chân chính.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Chính, đối với nấm dược liệu, chúng ta phải có hiểu biết cặn kẽ, trong đó, quá trình sản xuất phải được kiểm soát chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào cho đến chế biến, những vấn đề này phụ thuộc nhiều vào điều kiện sinh thái.
Thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, nấm dược liệu, thuốc giả, nhái thường được làm từ các nguyên liệu kém chất lượng, thậm chí là chứa hóa chất độc hại, chất kích thích sinh trưởng, chất bảo quản trong chế biến… nên gây ra các phản ứng phụ, ngộ độc, và không mang lại hiệu quả trị liệu.
Đáng chú ý, khi mua phải hàng giả, người tiêu dùng sẽ mất lòng tin vào các sản phẩm nói chung. Điều này làm suy giảm nỗ lực của các nhà khoa học và doanh nghiệp chân chính trong việc phát triển và xây dựng thương hiệu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc vào nghiên cứu, sản xuất chất lượng cao bị cạnh tranh không lành mạnh bởi các sản phẩm giả, nhái giá rẻ. Điều này gây ra thiệt hại kinh tế và làm tổn hại đến uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.
Từ thực trạng trên, PGS.TS Nguyễn Thị Chính kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái.
Phải xây dựng và bắt buộc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm để người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất của sản phẩm; Công bố công khai các sản phẩm đạt chuẩn chất lượng, các cơ sở sản xuất uy tín trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn.
Về phía người tiêu dùng phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua sản phẩm. "Chỉ khi chúng ta hành động một cách đồng bộ và quyết liệt, người tiêu dùng mới có thể được bảo vệ, và uy tín của các nhà khoa học, doanh nghiệp chân chính mới được giữ vững." - PGS.TS Nguyễn Thị Chính cho biết.