Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát
Chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát là chính sách lớn, mang đậm tính nhân văn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt ý nghĩa với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Nhưng thế lực thù địch đã lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, gây hoài nghi trong nhân dân. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai hiệu quả Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Lai Châu không chỉ khẳng định tính đúng đắn của chủ trương, còn là minh chứng sinh động phản bác các luận điệu sai trái, góp phần củng cố niềm tin và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Một trong những luận điệu phổ biến là cho rằng việc xóa nhà tạm chỉ nhằm mục tiêu hình thức, “lấy thành tích”, không thực chất. Chúng quy chụp rằng nhà mới xây không phù hợp điều kiện sống nên bị bỏ hoang, gây “lãng phí ngân sách”. Một số bài viết, video trên mạng xã hội còn vu cáo chương trình là vi phạm nhân quyền, ép buộc di dời dân cư, chiếm dụng đất canh tác của người dân, thậm chí nhằm “xóa bản, xóa văn hóa truyền thống”.

Ảnh minh họa
Thậm chí, các đối tượng còn lợi dụng những khó khăn không tránh khỏi trong quá trình triển khai như thiếu mặt bằng, một số nhà xây dựng chưa đồng bộ, hay việc một số hộ dân chưa quen sinh hoạt trong nhà mới để quy chụp toàn diện, vu cáo là thất bại chính sách. Chúng cố tình đánh tráo bản chất vấn đề, từ những hiện tượng cá biệt suy diễn thành sai lầm có hệ thống, gieo rắc tâm lý hoài nghi trong nhân dân. Các luận điệu nêu trên đều mang màu sắc phản động, phản ánh rõ nét âm mưu của chiến lược “diễn biến hòa bình”.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tại tỉnh Lai Châu, xóa nhà tạm, dột nát không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, còn minh chứng thuyết phục về tính đúng đắn, hiệu lực của đường lối, chính sách của Đảng trong thực tiễn. Đến đầu năm 2024, toàn tỉnh còn trên 7.000 hộ dân sống trong những ngôi nhà tạm xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn. Nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của việc cải thiện điều kiện sống cho người dân vùng khó khăn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng bằng nhiều quyết sách thiết thực. Trong đó, Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành. Đề án được thực hiện theo đúng nguyên tắc: “Người dân là chủ thể, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng cùng tham gia”.
Từ cấp tỉnh đến cấp xã, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội vào cuộc quyết liệt, huy động mọi nguồn lực hợp pháp, công khai, minh bạch để đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng. Từ năm 2021 - 2023, toàn tỉnh Lai Châu đã xóa được hơn 7.000 căn nhà tạm, dột nát, giúp hàng ngàn hộ gia đình ổn định chỗ ở, yên tâm phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhiều mô hình hỗ trợ sáng tạo như: “Nhà Đại đoàn kết”, “Ngôi nhà ước mơ” hay “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) của lực lượng Bộ đội Biên phòng được triển khai hiệu quả, lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng. Đây không chỉ là những mô hình mang giá trị vật chất, còn góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Quyết định số 1384-QĐ/TU ngày 19/11/2024 về thành lập Ban Chỉ đạo triển khai chương trình và Quyết định số 1743-QĐ/TU ngày 1/4/2025 điều chỉnh, bổ sung thành viên, đồng thời thành lập 3 tổ công tác trực tiếp chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, dột nát. Chiến dịch 70 ngày đêm cao điểm được phát động với quyết tâm chính trị rất cao: phấn đấu hoàn thành toàn bộ kế hoạch xây dựng nhà ở trước ngày 25/6/2025. Lực lượng vũ trang như: Bộ Chỉ huy Quân sự, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh triển khai hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ đến các thôn, bản hỗ trợ người dân dựng nhà. Các sở, ban, ngành chuyên môn như: Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Dân tộc và Tôn giáo tích cực vào cuộc tháo gỡ những vướng mắc kỹ thuật, thủ tục pháp lý, đảm bảo tiến độ.
Toàn tỉnh đã có 7.161/7.161 căn nhà được triển khai sửa chữa, xây dựng. Huy động hơn 123.809 lượt ngày công. Trong đó, trên 30.000 ngày công từ lực lượng vũ trang, tạo nên hình ảnh đẹp về nghĩa tình quân - dân và sự sẻ chia sâu sắc trong cộng đồng. Có 47 tập thể và hàng trăm cá nhân tích cực ủng hộ với số tiền hơn 142 tỷ đồng, chưa kể 9,6 tỷ đồng được huy động tại chỗ từ các huyện, thành phố trong tỉnh. Tổng kinh phí vận động, hỗ trợ cho chương trình đã lên tới 576,655 tỷ đồng - một con số cho thấy rõ hiệu quả huy động nguồn lực xã hội hóa trong thực hiện chính sách. Thành công của chương trình xóa nhà tạm, dột nát tại Lai Châu đã trở thành minh chứng sống động, sắc bén để phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái từ các thế lực thù địch. Sự thật đã chứng minh: chính sách xóa nhà tạm, dột nát không chỉ mang tính khả thi, mà còn có chiều sâu nhân văn, gắn chặt với tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hàng nghìn ngôi nhà mới mọc lên giữa núi rừng Tây Bắc là thành quả xây dựng đơn thuần, biểu tượng của lòng dân. Từ đó, xây thêm thành lũy bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cơ sở để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.