Phân biệt màu sữa mẹ an toàn và dấu hiệu cần cảnh giác
Sữa mẹ không phải lúc nào cũng trắng đục như nhiều người nghĩ. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu cảnh báo sức khỏe mẹ thông qua màu sữa mà mẹ không nên bỏ qua.
Sữa mẹ từ lâu đã được biết đến là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không ít bà mẹ đặc biệt là những người lần đầu sinh con cảm thấy hoang mang khi phát hiện sữa của mình không có màu trắng như tưởng tượng. Có người thấy sữa vàng đậm như nghệ, người khác lại thấy hơi xanh, trắng trong, thậm chí hồng nhạt hoặc ngả nâu. Liệu những thay đổi đó có đáng lo?
Nội dung
Sữa mẹ không chỉ có một màu
Khi nào màu sữa mẹ là dấu hiệu bất thường?
Làm gì khi thấy sữa đổi màu?
Sữa mẹ không chỉ có một màu
Thực tế, sữa mẹ không cố định về màu sắc. Trong suốt hành trình nuôi con bằng sữa mẹ, màu sữa có thể thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của trẻ, thời điểm trong ngày, thành phần của cữ bú và cả chế độ ăn uống của người mẹ. Đây là điều hoàn toàn tự nhiên và không phải lúc nào cũng là dấu hiệu bất thường.
Những ngày đầu sau sinh, sữa mẹ thường có màu vàng sậm hoặc cam nhạt. Đây là sữa non là một loại sữa đặc hơn, giàu dinh dưỡng và kháng thể, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ trước các tác nhân gây bệnh. Khi sữa chuyển sang giai đoạn sữa trưởng thành, màu sắc cũng thay đổi theo. Sữa đầu cữ thường loãng, có màu trắng trong hoặc hơi xanh, giúp trẻ giải khát. Sữa cuối cữ đặc và trắng đục hơn, giàu chất béo, giúp trẻ no lâu và tăng cân.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống của mẹ cũng ảnh hưởng đến màu sữa. Việc ăn nhiều rau xanh, thực phẩm có màu như bí đỏ, cà rốt, củ dền hay uống nước có phẩm màu tự nhiên có thể khiến sữa mẹ ngả màu xanh nhạt, cam hay hồng nhẹ. Đây đều là những thay đổi sinh lý, không gây hại và không ảnh hưởng đến chất lượng sữa.

Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo nhất cho trẻ sơ sinh. Ảnh: Ái Vân.
Khi nào màu sữa mẹ là dấu hiệu bất thường?
Tuy phần lớn các trường hợp sữa mẹ đổi màu là lành tính, một số tình huống có thể cảnh báo vấn đề sức khỏe, cần được lưu ý:
Sữa có màu hồng, đỏ nhạt: Thường do nứt đầu ti hoặc vỡ mao mạch nhỏ trong ống dẫn sữa, máu lẫn vào sữa tạo nên màu hồng nhạt. Nếu không kèm theo đau nhức, sốt hay sưng đỏ vùng ngực, tình trạng này thường lành tính và không ảnh hưởng đến trẻ bú.
Sữa nâu sẫm hoặc như “gỉ sắt”: Có thể liên quan đến hiện tượng “rusty pipe syndrome” - tạm dịch là “hội chứng ống dẫn sữa gỉ sắt”, xảy ra ở những ngày đầu sau sinh khi mao mạch nhỏ trong mô tuyến vú bị tổn thương nhẹ. Tình trạng này thường tự hết trong vòng 1 tuần.
Sữa có mùi hôi, chua, tanh nồng: Đây là dấu hiệu sữa bị nhiễm khuẩn do viêm tuyến vú, hoặc do bảo quản sai cách (đặc biệt với sữa mẹ trữ đông). Trong trường hợp này, không nên cho trẻ bú và cần được bác sĩ thăm khám.
Sữa đen hoặc xanh đậm bất thường: Có thể do dùng một số thuốc hoặc kháng sinh như minocycline khiến sữa mẹ đổi màu. Do đó, cần có sự tư vấn của bác sĩ trong trường hợp mẹ cần sử dụng các loại thuốc để đảm bảo an toàn khi cho con bú.

Trẻ bú mẹ sẽ lớn nhanh, phòng được suy dinh dưỡng. Ảnh: Shutter.
Làm gì khi thấy sữa đổi màu?
Khi nhận thấy sữa có màu bất thường, điều quan trọng đầu tiên là không hoảng loạn, không tự ý ngừng cho con bú hay bỏ sữa. Mẹ nên:
- Quan sát thêm các dấu hiệu đi kèm như: Đau ngực, sưng đỏ, sốt, mệt mỏi, bé bú kém, nôn ói… Nếu có, cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.
- Xem xét chế độ ăn uống và thuốc đang sử dụng do các yếu tố này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến màu sắc và mùi sữa.
- Giữ vệ sinh tốt khi vắt sữa và bảo quản sữa đúng cách: Đảm bảo thiết bị sạch, bảo quản sữa ở nhiệt độ phù hợp, không để lâu quá thời gian khuyến nghị.
- Không vội đổ sữa chỉ vì sữa có màu lạ: Trẻ vẫn có thể bú nếu sữa không có dấu hiệu hư hỏng hoặc nhiễm khuẩn.
Phần lớn thay đổi màu sắc của sữa mẹ là do thực phẩm hằng ngày
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tự nhiên và thích nghi hoàn hảo với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Việc sữa mẹ có màu vàng, xanh, hồng hay trắng là phản ánh sinh lý tự nhiên, không phải là “bệnh lý”.
Điều cần quan tâm không phải là sữa màu gì, mà là sữa có an toàn, bảo quản đúng và được trẻ hấp thu tốt hay không. Và khi mẹ hiểu rõ cơ thể mình, sự tự tin trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ sẽ ngày càng vững vàng hơn.