Phân bổ hợp lý, tránh độc quyền trong quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện

Ngày 3/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật này.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, quan điểm của Luật là quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến điện…

Về nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch băng tần để làm rõ trong quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng có quy định giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần một doanh nghiệp được cấp phép.

Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội thảo luận tại tổ.

Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội thảo luận tại tổ.

Sửa đổi quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp thông qua đấu giá để làm rõ doanh nghiệp nhận chuyển nhượng phải kế thừa đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức chuyển nhượng với điều kiện bảo đảm tổng độ rộng băng tần sau khi nhận chuyển nhượng không vượt quá giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng.

Đồng thời, bổ sung quy định yêu cầu tổ chức đề nghị cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển hoặc khi được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần phải có cam kết triển khai mạng viễn thông và nộp tiền bảo đảm thực hiện cam kết này; khi vi phạm cam kết thì bị đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, hoặc bị thu hồi giấy phép, nhằm bảo đảm tần số được sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển viễn thông của Nhà nước.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về điều kiện được tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện như yêu cầu tổ chức phải có đủ điều kiện được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông, phải có cam kết triển khai mạng viễn thông sau khi được cấp phép theo quy định (như vùng phủ, chất lượng, tiền đầu tư...); bổ sung quy định điều kiện được cấp lại giấy phép sau khi hết hạn như phải sử dụng có hiệu quả băng tần, kênh tần số đã cấp...

Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) cho biết, báo cáo giải trình của Bộ Công an làm rõ quan điểm về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Đây là điều cần thiết khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển không ngừng với những tiến bộ của khoa học công nghệ mà chúng ta không thể bắt kịp.

Theo đại biểu, để đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm 20% trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, thì việc sớm khắc phục những bất cập trong Luật Tần số vô tuyến điện có ý nghĩa quan trọng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, dự thảo Luật quy định khi được cấp giấy phép băng tần, doanh nghiệp muốn sử dụng để triển khai mạng viễn thông phải có cam kết triển khai mạng viễn thông. Tuy nhiên, quy định cam kết chưa rõ ràng, dễ xảy ra tình trạng áp dụng khác nhau trên thực tế.

Đoàn đại biểu các tỉnh Trà Vinh, Phú Thọ và Thanh Hóa thảo luận tại tổ.

Đoàn đại biểu các tỉnh Trà Vinh, Phú Thọ và Thanh Hóa thảo luận tại tổ.

Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định chặt chẽ hơn, tránh một tổ chức sử dụng nhiều băng tần, một doanh nghiệp thâu tóm quá nhiều băng tần sẽ ảnh hưởng cạnh tranh. Bên cạnh đó, khi quyết định số lượng băng tần tối đa được cấp thì cơ quan thẩm quyền cần báo cáo Chính phủ.

Nhiều đại biểu quan tâm đến quy định tại khoản 4 Điều 45: “Trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh cần sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế phải có phương án sử dụng băng tần báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo nguyên tắc phương án sử dụng kết hợp không làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo quốc phòng, an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông”.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, tránh trường hợp ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ, lọt bí mật quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế là chưa đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện.

Đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội) nhất trí với ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng đây là vấn đề hệ trọng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện.

Bởi, khi sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế đồng nghĩa với việc chuyển đổi cơ chế ưu tiên, bảo mật đặc biệt sang cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ, lọt bí mật quốc phòng, an ninh và bí mật Nhà nước.

Còn theo đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn Hà Giang), băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định nhằm bảo đảm tính trách nhiệm, chặt chẽ và tương xứng với thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phan-bo-hop-ly-tranh-doc-quyen-trong-quan-ly-su-dung-tan-so-vo-tuyen-dien-141120.html