Phân bổ lại không gian bảo tồn, bảo vệ, khai thác thủy sản

Sáng 31.5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 389/QĐ-TTg. Đây là cơ sở quan trọng để phân bổ lại không gian cho bảo tồn, bảo vệ, khai thác hải sản, khai thác thủy sản ở nội đồng phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi, hệ sinh thái.

Đến năm 2030 có 27 khu bảo tồn biển

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu thủy sản. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,26 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 3,86 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 5,4 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 9,2 tỷ USD, đưa Việt Nam lên vị trí thứ ba trên toàn thế giới (đứng sau Trung Quốc và Na Uy).

Bảo đảm tính khả thi triển khai Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản

Bảo đảm tính khả thi triển khai Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản

Bên cạnh thành tựu, mục tiêu bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản đang đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; sự suy giảm nguồn lợi thủy sản cả vùng biển và vùng nội địa do khai thác quá mức cho phép... Trong bối cảnh đó, ngày 9.5.2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 389/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi là Quy hoạch). Đây là cơ sở quan trọng để phân bổ lại không gian cho bảo tồn, bảo vệ, khai thác hải sản, khai thác thủy sản ở nội đồng phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi, của hệ sinh thái, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Theo Cục Kiểm ngư, đối với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 có 27 khu bảo tồn biển được thành lập và hoạt động hiệu quả với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 463.587ha, chiếm khoảng 0,463% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia (các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia). Cùng với đó, có 149 khu vực ở vùng biển và 119 khu vực nội địa được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống của các loài thủy sản.

Về khai thác thủy sản, phấn đấu tổng số tàu cá tối đa khoảng 83.600 chiếc. Cơ cấu nghề khai thác thủy sản bao gồm nghề lưới kéo chiếm 10%; nghề lưới vây chiếm 6,1%; nghề lưới rê chiếm 40,3%; nghề câu chiếm 18,9%; nghề lưới chụp chiếm 3,0%; nghề lồng bẫy chiếm 2,9%...

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới; đa dạng sinh học biển và các thủy vực nội địa được bảo tồn và phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự và lợi ích quốc gia trên sông, trên biển.

Xác định rõ nguồn lực thực hiện

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận Nguyễn Văn Chiến, Quy hoạch được ban hành vào đúng thời điểm Việt Nam đang triển khai các giải pháp quyết liệt về khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về cảnh báo thẻ vàng, phát triển thủy sản, nghề cá bền vững, hội nhập quốc tế. Bình Thuận có các quy hoạch về bảo tồn, các khu cấm khai thác có thời hạn… Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể này, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu và áp dụng thực hiện ở địa phương; đồng thời thực hiện quy hoạch bảo tồn khu vực Phú Quý trên cơ sở bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn, an ninh và phát triển kinh tế.

Ông Chiến cũng đề xuất, bản kế hoạch thực hiện Quy hoạch cần cụ thể hóa các nhiệm vụ; phân công tổ chức thực hiện chi tiết; xác định rõ nguồn lực thực hiện. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ địa phương triển khai Quy hoạch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần giám sát kịp thời để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy thực hiện Quy hoạch.

Thông tin về các giải pháp thực hiện Quy hoạch, đại diện Cục Kiểm ngư cho biết sẽ xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư hạ tầng, phát triển các khu bảo tồn biển; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư. Đồng thời, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, công nghệ và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...

Bên cạnh đó, xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật cho việc đầu tư hình thành mới hoặc điều chỉnh diện tích khu bảo tồn biển; khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản ở biển tạo điều kiện để các địa phương triển khai thực hiện tốt nội dung quy hoạch. Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ an sinh xã hội cho ngư dân trong việc chuyển đổi nghề khai thác thủy sản; hỗ trợ ngư dân khi gặp rủi ro trên biển...

Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Cân đối nguồn tài chính phù hợp để đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư theo quy hoạch, đảm bảo đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, ưu tiên đầu tư các hạng mục dự án kết hợp với quốc phòng, an ninh, đặc biệt tại các huyện đảo, các đảo tiền tiêu có vị trí chiến lược như quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai Quy hoạch; các ý kiến đóng góp của địa phương sẽ được nghiên cứu tiếp thu và cập nhật. Ông cũng đề nghị các tỉnh thành tập trung thực hiện Quy hoạch; căn cứ tình hình thực tế, địa phương rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các dự án bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ...

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/phan-bo-lai-khong-gian-bao-ton-bao-ve-khai-thac-thuy-san-i373619/