Phân luồng học sinh bằng dạy văn hóa kết hợp dạy nghề

Năm học 2020-2021, Chương trình GDTX cấp THPT tổ chức dạy tại các trung tâm GDTX sẽ được kết hợp với dạy nghề để thu hút người học. Trong ảnh: Một lớp học thuộc chương trình GDTX cấp THPT được Trung tâm GDTX Phú Yên tổ chức những năm trước đây. Ảnh: THÚY HẰNG

Tổ chức dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với dạy nghề tại các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX), Trung tâm GDTX (gọi chung là trung tâm GDTX) nhằm góp phần thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau THCS, là nội dung quan trọng vừa được Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT triển khai trong năm học 2020-2021.

Chưa thu hút người học

Sở GD-ĐT đề nghị trong thời gian tới, các trung tâm GDTX cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS để đào tạo nghề đồng thời dạy văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng GD-ĐT và chuẩn đầu ra nhằm thực hiện có hiệu quả giải pháp phân luồng học sinh sau THCS.

Để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận học sinh sau khi tốt nghiệp THCS có mong muốn vừa học nghề, vừa được học văn hóa, các trung tâm GDTX trong tỉnh luôn chủ động phối hợp với các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở các lớp dạy văn hóa chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với dạy nghề. Sau 3 năm học, khi tốt nghiệp, học viên được cấp bằng trung cấp và bằng tốt nghiệp GDTX cấp THPT, có cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Ông Bùi Viết Huy, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy An, cho hay: Trước đây, mỗi năm, trung tâm có vài ba lớp đào tạo theo hình thức học tập này. Song vài năm gần đây số lượng học viên ngày càng giảm nên không đủ số lượng để mở lớp. Theo ông Huy, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS phải vừa học văn hóa vừa học nghề, do đó gặp nhiều khó khăn về quá trình tiếp nhận kiến thức. Tỉ lệ bỏ học đối với đối tượng này rất cao.

Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Cường cho hay: Việc kết hợp học văn hóa gắn với học nghề tại các trung tâm GDTX là một trong những giải pháp quan trọng được ngành Giáo dục xác định nhằm để phân luồng hiệu quả học sinh sau THCS. Hiện nay, có 3 hình thức thực hiện chương trình dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề. Thứ nhất, trung tâm GDTX liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là trường trung cấp, cao đẳng được giao thực hiện đào tạo trung cấp tổ chức dạy văn hóa kết hợp học nghề cho học viên học THPT theo chương trình GDTX tại trung tâm. Thứ hai, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh trung cấp liên kết với trung tâm GDTX để tổ chức dạy văn hóa chương trình GDTX cấp THPT cho học sinh trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thứ ba, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh trung cấp và tự thực hiện cả hai chương trình dạy văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT và dạy nghề.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, việc tổ chức dạy chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với dạy nghề vẫn chưa phát huy hiệu quả tại các trung tâm GDTX, do rất ít học viên theo học. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh chỉ có khoảng 10% tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với dạy nghề tại các trung tâm GDTX và các trường trung cấp, cao đẳng.

Phải đảm bảo chuẩn đầu ra

Để giúp các địa phương triển khai thuận lợi mô hình dạy Chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với dạy nghề, góp phần thực hiện phân luồng học sinh sau THCS, bắt đầu từ năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT đặc biệt quan tâm đến vấn đề này hơn. Bởi dạy nghề cho học viên học Chương trình GDTX cấp THPT về cơ bản phù hợp với khả năng, nhận thức và rút ngắn được thời gian học tập cho học viên, giúp người học sớm tham gia vào thị trường lao động.

Ông Bùi Viết Huy cho hay: Để “khôi phục” việc tổ chức dạy Chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với dạy nghề tại trung tâm, vừa qua, chúng tôi đã có các buổi làm việc với Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung và Trường cao đẳng Nghề Phú Yên về việc liên kết đào tạo theo mô hình này. Tuy nhiên để hoạt động này có hiệu quả, một trong những yếu tố then chốt là phải có sự ủng hộ của phụ huynh học sinh cũng như nhận thức đúng đắn của các em trong định hướng về nghề nghiệp. Nếu hoạt động này làm tốt, người học sẽ mạnh dạn chọn học mô hình này.

Để thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập, học tập thường xuyên và học tập suốt đời, việc huy động và tạo điều kiện cho mọi đối tượng được tham gia học văn hóa cũng như học nghề là một việc làm vô cùng cần thiết. Sở GD-ĐT đề nghị trong thời gian tới, các trung tâm GDTX cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS để đào tạo nghề đồng thời dạy văn hóa theo Chương trình GDTX cấp THPT trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng GD-ĐT và chuẩn đầu ra nhằm thực hiện có hiệu quả giải pháp phân luồng học sinh sau THCS. Các trung tâm GDTX cũng cần tổ chức rà soát lại nội dung chương trình giảng dạy, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tinh giản, vững chắc để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tiếp thu bài học và đạt kết quả cao trong các kỳ thi lên lớp, tốt nghiệp; đồng thời tăng cường công tác điều tra, nắm bắt nhu cầu sử dụng đối tượng lao động qua đào tạo nghề của thị trường để đào tạo nghề theo nhu cầu…

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/244759/phan-luong-hoc-sinh-bang-day-van-hoa-ket-hop-day-nghe.html