Phan Thiết: Tận dụng 'thời gian vàng' để khống chế dịch

Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đã được áp dụng trên toàn TP. Phan Thiết từ 0h hôm nay (2/8). Chính quyền thành phố đã triển khai các biện pháp gì để tận dụng 'thời gian vàng' kiểm soát tốt dịch Covid – 19? Vấn đề an ninh lương thực đã lên phương án như thế nào để đảm bảo cuộc sống người dân? Những nội dung này sẽ được ông Phan Nguyễn Hoàng Tân – Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết thông tin chi tiết với phóng viên Báo Bình Thuận.

Phan Thiết

Trước diễn biến rất phức tạp của dịch Covid – 19, chính quyền thành phố đã chuẩn bị kịch bản như thế nào để áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hiệu quả, thưa ông?

Tại TP. Phan Thiết đến thời điểm hiện nay đã xuất hiện 2 ca mắc Covid – 19 mới chưa xác định nguồn lây nhiễm và đã lây nhiễm cho 6 trường hợp khác. Các ca mắc và nghi nhiễm có mối liên quan tiếp xúc rộng và nguy cơ lây lan nhanh tại nhiều điểm trên 50% xã, phường. Đồng thời, có ca mắc mới được phát hiện qua sàng lọc người đến khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh tại Phan Thiết. Như vậy theo nhận định trên thì tình hình dịch bệnh tại TP. Phan Thiết có nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao. Chính vì vậy, tối 31/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã chỉ đạo thực hiện giãn cách xã hội toàn TP. Phan Thiết từ 00 giờ ngày 2/8 theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian giãn cách là 14 ngày.

Để Chỉ thị 16 được triển khai có hiệu quả, vấn đề đầu tiên mà TP. Phan Thiết triển khai là thành lập các tổ chức kiểm soát dịch của thành phố; phường, xã; khu phố, thôn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; thành lập 10 chốt kiểm soát, 3 Đội tuần tra lưu động phòng chống dịch. Ngoài ra, trên địa bàn từng phường, xã và khu phố, thôn đều phải có lực lượng kiểm soát nhằm thực hiện tốt biện pháp cách ly xã hội, giãn cách xã hội theo phương châm “gia đình cách ly gia đình; thôn, tổ dân phố cách ly thôn, tổ dân phố; xã cách ly xã”.

Cùng với đó, UBND thành phố còn tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân tuyệt đối không hoang mang, lo lắng, cùng với chính quyền chung tay phòng, chống dịch. Đồng thời, rà soát, thống kê toàn bộ số hộ dân cư trú trên từng địa bàn (khu phố, thôn, tổ...) để xây dựng lịch trình mua sắm (quy định cụ thể thời gian, địa điểm, tần suất mua sắm cho từng hộ) và triển khai thực hiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Mặt khác, hướng dẫn Ban quản lý/Tổ quản lý các chợ truyền thống thực hiện phương án tổ chức kinh doanh, phân phối hàng hóa phù hợp từng tình huống, diễn biến dịch bệnh theo Công văn 5858 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn phòng chống dịch tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ. Chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện vận tải để chuyên chở hàng hóa hoạt động 24/24h đến các khu vực thiếu hàng hoặc vận chuyển hàng hóa đến khu vực cách ly dịch Covid-19 để cung ứng cho người dân.

Thưa ông, trong 14 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì vấn đề an ninh lương thực cho người dân đã được chính quyền tính đến ra sao?

Các chợ truyền thống trên địa bàn Phan Thiết vẫn hoạt động bình thường, sắp xếp lại để đảm bảo an ninh, trật tự lưu thông trong chợ, hạn chế nguy cơ dịch bệnh lay lan từ các chợ. Do đó, nguồn cung ứng hàng hóa được đảm bảo.

Mặt khác, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong dài ngày, giá cả ổn định và không để khan hiếm trên thị trường, UBND TP. Phan Thiết đã phối hợp với Sở Công thương tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là mặt hàng nhu yếu phẩm, đảm bảo nhu cầu của người dân. Đồng thời, đề nghị Siêu thị Coop Mart, Siêu thị Lotte Mart Phan Thiết, các cửa hàng Vinmart, Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh tại Bình Thuận…. tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu tại Siêu thị, tại thành phố Phan Thiết để đẩy mạnh cung ứng cho người dân. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm, không mua dự trữ hàng hóa làm xáo trộn nguồn cung ứng; các đơn vị đảm bảo cung cấp hàng hóa đầy đủ, thường xuyên và liên tục trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 như hiện nay.

Song song đó, UBND TP. Phan Thiết khuyến khích các hoạt động phân phối hàng hóa thiết yếu thông qua hình thức bán hàng trực tuyến để hạn chế tình trạng tập trung đông người, không đảm bảo các yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch. Đề nghị Thành đoàn Phan Thiết huy động lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia cùng các siêu thị trong việc thực hiện bán hàng trực tuyến. Mở các điểm bán hàng lưu động. Triển khai thực hiện chương trình bán hàng lưu động nhằm kịp thời cung cấp hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân trên địa bàn.

Ông có khuyến cáo gì đến nhân dân khi TP. Phan Thiết chính thức áp dụng lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16?

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp; với tinh thần vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, UBND thành phố đã khuyến cáo người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Cùng với đó, kêu gọi toàn thể nhân dân thành phố tự giác chấp hành các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ cho bản thân, gia đình và tham gia có trách nhiệm các hoạt động phòng chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng. Đối với người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cần triển khai hiệu quả phương án sản xuất kinh doanh. Đồng thời phải chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Ngoài ra, UBND thành phố đề nghị cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu chấp hành và thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19; bình tĩnh, yên tâm, tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của thành phố; tiếp tục chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Xin cảm ơn ông!

THU HÀ (thực hiện)

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/phan-thiet-tan-dung-thoi-gian-vang-de-khong-che-dich-140095.html