Pháo binh nghìn dặm – Tham vọng vũ khí cấp chiến lược mới của Mỹ

Lầu Năm góc mới đây đã công bố hàng loạt chương trình phát triển tên lửa và pháo binh mới để thu hẹp khoảng cách về quy mô và sức mạnh so với các quốc gia đối thủ.

Trong số các chương trình đang được phát triển, Quân đội Mỹ đặt nhiều kỳ vọng vào tổ hợp pháo binh tầm siêu xa có tầm bắn lên tới 1.000 dặm (hơn 1.800km) để thực hiện các nhiệm vụ cấp chiến lược với tên gọi Pháo tầm xa chiến lược (Strategic Long Range Cannon – SLRC). Tổ hợp pháo binh mới dự kiến sẽ được đưa vào trang bị trong vài năm tới. Tuy nhiên, mốc thời gian này đang bị hoài nghi bởi giới chuyên gia quân sự vì hàng loạt vấn đề kỹ thuật hóc búa khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn.

 SLRC có nhiều sự khác biệt so với dòng pháo binh truyền thống.

SLRC có nhiều sự khác biệt so với dòng pháo binh truyền thống.

Vũ khí pháo binh chiến lược chưa từng có tiền lệ

Thông tin về SLRC mới được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố đầu năm 2020. Ngay khi được giới thiệu, SLRC được coi là chương trình vũ khí đầy tham vọng với tầm bắn đạt tới 1.000 hải lý để giải quyết các nhiệm vụ cấp chiến lược. Nguyên mẫu của SLRC sẽ được giới thiệu vào năm 2023. Nhiều chuyên gia quân sự đã hoài nghi về khả năng hiện thực hóa của SLRC, khi đây là chương trình vũ khí lục quân chưa từng có tiền lệ với hàng loạt vấn đề kỹ thuật-chiến thuật cần giải quyết.

Chương trình SLRC một lần nữa lại nhận được sự quan tâm sau tuyên bố hồi tháng 9-2020 của Chuẩn tướng John Rafferty, lãnh đạo Chương trình phát triển Pháo binh tương lai của Mỹ. Theo đó, SLRC đang là một trong những chương trình vũ khí ưu tiên của Quân đội Mỹ và lịch trình phát triển, thử nghiệm dòng vũ khí này sẽ vẫn diễn ra theo đúng hạn định.

 Thông tin kỹ thuật của tổ hợp pháo chiến lược SLRC.

Thông tin kỹ thuật của tổ hợp pháo chiến lược SLRC.

Căn cứ vào các thông tin được công bố, SLRC là sự kết hợp giữa pháo hạng nặng, nòng dài với khả năng cơ động cao bằng phương tiện chuyên chở dã chiến hoặc đường không. Những thông tin này giúp các chuyên gia quân sự có thể hình dung ra phần nào kích thước của SLRC. Theo đó, pháo binh chiến lược mới của Mỹ có nhiều nét giống với các cỗ đại pháo thế kỷ 19 với các kết cấu giảm chấn rời, nạp đạn bán tự động và khả năng tháo rời các bộ phận để đảm bảo khả năng cơ động.

Một điểm đáng chú ý khác là đạn pháo được sử dụng trên SLRC là thách thức kỹ thuật lớn. Để đạn pháo có quỹ đạo ổn định và gia tốc rời nòng lớn, SLRC phải có nòng dài và chịu được sức ép lớn của khối thuốc phóng đặc biệt. Cùng với đó, đạn của SLRC có thể là loại nối tầm sử dụng động cơ tên lửa và có hệ thống tự dẫn độc lập để tấn công các mục tiêu ở khoảng cách siêu xa vốn thuộc phạm vi của tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Cũng vì tầm bắn lớn, quá trình vận hành của SLRC sẽ khác biệt so với các tổ hợp lựu pháo tự hành có tầm bắn 80-100km hiện tại.

Chương trình vũ khí quá tham vọng?

SLRC thực sự tạo ra cuộc cách mạng về pháo binh và tạo ra lợi thế đáng kể cho Quân đội Mỹ. Khác với tên lửa, pháo binh luôn có lợi thế về giá thành và tốc độ bay của đạn trong suốt quỹ đạo bay.

Ưu điểm rõ ràng nhất của SLRC là tạo các đòn tấn công chính xác cao vào sâu hậu tuyến đối phương. Nó hoàn toàn có thể thay thế vai trò của các dòng tên lửa đối đất tầm ngắn và tầm trung hiện có với hàng loạt lợi thế. Cụ thể, đạn pháo của SLRC có giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại tên lửa tấn công. Tốc độ bắn cao và tầm bắn siêu xa giúp SLRC tạo cơn mưa đạn vào mục tiêu trong thời gian ngắn. Cùng với đó, quỹ đạo bay của các viên đạn pháo khác biệt so với các loại đạn tên lửa do chúng có tốc độ bay cao, kích thước nhỏ và khó bị phát hiện. Đây chính là yếu tố tạo ra sự bất ngờ của các đợt tấn công. Ở khoảng cách tới 1.000 dặm, các tổ hợp pháo SLRC có thể tấn công và thoát ly trước khi đối phương kịp phát hiện hoặc phản pháo. SLRC sẽ đóng vai trò là vũ khí khởi đầu cho các đợt tấn công phủ đầu với mục tiêu là vũ khí phòng không, kho tàng, trung tâm chỉ huy... để mở đường cho các lực lượng tấn công đường không sau đó.

 Mô hình được cho là của tổ hợp pháo SLRC.

Mô hình được cho là của tổ hợp pháo SLRC.

Tuy nhiên, những lợi thế trên chỉ trở thành hiện thực khi vượt qua các yêu cầu kỹ thuật đặc biệt của dòng vũ khí chưa từng có tiền lệ phát triển này. Tạp chí quân sự Topwar đánh giá, do sự phức tạp của công nghệ, chi phí phát triển và sử dụng SLRC sẽ bị đội lên nhiều lần. Giới chức quân sự Mỹ đã quá lạc quan khi cho rằng dòng pháo binh cấp chiến lược mới sẽ kịp xuất hiện vào năm 2023. Hàng loạt vấn đề kỹ thuật phức tạp và đặc điểm tác chiến của SLRC như: Cỡ nòng, hệ thống dẫn bắn, cơ chế kết nối trong mạng chiến đấu tích hợp..., có thể khiến quá trình phát triển dòng vũ khí này bị chậm tiến độ và đội vốn. Những tổ hợp SLRC đầu tiên có thể được đưa vào trang bị vào những năm 2030. Tới thời điểm đó, SLRC khó có thể giữ được vị thế là dòng pháo binh chiến lược độc nhất như hiện tại.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo DefenseTalk, vpk)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/phao-binh-nghin-dam-tham-vong-vu-khi-cap-chien-luoc-moi-cua-my-643731