Pháo đài kinh tế Nga có đang sụp đổ? Hé lộ lĩnh vực thực sự 'trúng đạn' trừng phạt của phương Tây

The Economist đã viết trong một bài báo hồi tháng 3/2022 rằng, 'pháo đài kinh tế Nga của Tổng thống Vladimir Putin đang sụp đổ'. Sự thật có đúng như vậy?

Nền kinh tế ổn định đã trở thành cơ sở để Nga duy trì ổn định xã hội. (Ảnh: Russia Insider)

Nền kinh tế ổn định đã trở thành cơ sở để Nga duy trì ổn định xã hội. (Ảnh: Russia Insider)

Gần đây, phóng viên Bai Yunyi của Thời báo Hoàn cầu (Global Times) đến thăm các siêu thị, trung tâm mua sắm và đường phố ở Moscow để quan sát kỹ nền kinh tế xã hội và cuộc sống của người dân Nga sau một năm chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nổ ra.

Nga đã cho thấy khả năng phục hồi độc đáo. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu về sự sụp đổ kinh tế nói chung hay bất ổn chính trị ở đất nước này.

Giá cả ổn định và nguồn cung đủ

Theo phóng viên Bai Yunyi, một số người dân địa phương cho biết, khi lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực vào năm 2022, giá cả hàng hóa của Nga đã tăng lên và nhiều người vội vã mua hàng hóa vì lo sợ lạm phát nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện tại, ít nhất là ở Moscow, giá cả và nguồn cung hàng hóa đã ổn định.

Giá hàng hóa tại các siêu thị trên khắp Moscow tương đối giống với các thành phố hạng nhất của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải. Ví dụ, một hộp 30 quả trứng có giá bán lẻ khoảng 25 Nhân dân tệ (3,64 USD), một lít sữa có giá 7,5 Nhân dân tệ, nửa kg tôm khoảng 22 Nhân dân tệ và nửa kg thịt bò là 37 Nhân dân tệ.

Leonid, một cư dân sống tại Moscow tiết lộ, rượu vodka, thuốc lá và thực phẩm đã tăng giá một chút trong năm qua, nhưng không nhiều. Giá của một số "mặt hàng lớn" như ô tô đã tăng mạnh, nhưng anh Leonid tin rằng, điều này là do cả lệnh trừng phạt và đại dịch Covid-19.

Một năm sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, các nước phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng và công ty Nga, điều này ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế. Tuy nhiên, tháng 2/2023, hãng Al Jazeera đưa tin, sự sụp đổ kinh tế mà một số người mong đợi đã không bao giờ xảy ra.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga năm 2022 chỉ giảm 2,1% - theo số liệu thống kê chính thức, ít hơn nhiều so với mức dự báo giảm 10-15% mà giới chuyên gia đưa ra sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt ồ ạt lên Nga.

Mới đây, Ngân hàng trung ương Nga cho biết, năm 2023, GDP của nước này đạt 1%.

Phóng viên Bai Yunyi nhận định, cho đến thời điểm hiện tại, một nền kinh tế ổn định đã trở thành cơ sở để Nga duy trì ổn định xã hội.

Phóng viên này mô tả, trên đường phố, trường học, tàu điện ngầm và quảng trường ở Moscow, đa số các hoạt động vẫn tiếp tục như bình thường mà không có sự gián đoạn nào.

Al Jazeera nhận định: "Các sự kiện của năm 2022 đã xác nhận rằng, nền kinh tế Nga có những lĩnh vực hoạt động kém hiệu quả nhưng nhìn chung vẫn có khả năng phục hồi. Bên cạnh đó, Điện Kremlin có thể giảm thiểu mọi tác động gây bất ổn mà suy thoái kinh tế có thể gây ra trên mặt trận chính trị".

Người dân địa phương mua thực phẩm và rau quả tại một khu chợ địa phương ở Moscow. (Ảnh: Bai Yunyi)

Người dân địa phương mua thực phẩm và rau quả tại một khu chợ địa phương ở Moscow. (Ảnh: Bai Yunyi)

"Dấu ấn" của chiến dịch quân sự ở khắp nơi

Mặc dù chiến dịch quân sự đặc biệt và lệnh trừng phạt cộng lại không có tác động lớn đến người dân sống ở Moscow, nhưng khi "nhìn" kỹ hơn, có thể dễ dàng tìm thấy "dấu ấn" của chiến dịch quân sự ở khắp nơi.

Tại khu vực đón khách quốc tế của sân bay quốc tế Sheremetyevo ở Moscow, bầu không khí đã khác. Lượng hành khách Tây Âu và Mỹ ít hơn đáng kể so với 5 năm trước. Tuy nhiên, có sự gia tăng rõ ràng về lượng du khách Trung Quốc và Trung Á.

Trên đường phố, sự vắng bóng của các thương hiệu kinh doanh phương Tây cũng là điều dễ thấy. Ví dụ, bên cạnh đường cao tốc từ sân bay quốc tế Sheremetyevo đến trung tâm Moscow, trước đây có một dãy đại lý ô tô với các thương hiệu do châu Âu và Mỹ sản xuất như Mercedes-Benz. Nhưng hiện tại, những thương hiệu này đã được thay thế bằng các thương hiệu ô tô do Trung Quốc sản xuất.

Haval, Chery và Geely của Trung Quốc hiện chiếm gần 40% doanh số bán ô tô mới của Nga.

Sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra, nhiều thương hiệu đa quốc gia đã nhanh chóng tuyên bố rút khỏi Nga.

Sau một năm, một số sản phẩm phương Tây đã quay trở lại thị trường Nga. Trong trung tâm mua sắm tại Moscow, một cửa hàng vẫn bán giày và quần áo mang nhãn hiệu Nike. Làm thế nào các thương hiệu đã công khai rút khỏi Nga lại có mặt trên thị trường? Câu trả lời là hàng hóa vào Nga theo hình thức nhập khẩu song song.

Vào cuối tháng 3/2022, chính phủ Nga đã công bố hợp pháp hóa nhập khẩu song song.

Đến tháng 6/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một dự luật hợp pháp hóa nhập khẩu song song tại nước này nhằm ổn định giá cả trong bối cảnh phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Hầu hết các sản phẩm thương hiệu phương Tây như Nike, Adidas tại thị trường Nga được nhập khẩu bởi các doanh nhân từ Kazakhstan và các quốc gia khác có quan hệ tương đối thân thiện với Nga thông qua hình thức nhập khẩu song song. Điều đó cũng có nghĩa là giá trị thị trường của các sản phẩm này cũng tăng lên.

Ngoài ra, các thương hiệu nước giải khát quốc tế như Coca-Cola và Sprite vẫn có mặt tại các cửa hàng tạp hóa và siêu thị ở Moscow.

Lĩnh vực tài chính thực sự "trúng đạn"

Tác động rõ ràng nhất của các lệnh trừng phạt với nền kinh tế xã hội của Nga thể hiện ở lĩnh vực tài chính. Sau khi bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, thẻ tín dụng quốc tế Visa và MasterCard không còn được sử dụng ở Moscow và thẻ UnionPay phát hành ở Trung Quốc cũng sẽ bị hệ thống ngân hàng từ chối trong các giao dịch.

Điều đó cũng có nghĩa là nhiều người nước ngoài vào Nga buộc phải sử dụng tiền mặt khi đi du lịch. Khách du lịch có thể phải "xuống đường" để đổi tiền và phải đổi một lượng lớn tiền mặt để trả tiền khách sạn và để chi tiêu khi đến thăm nước Nga. Không chỉ thế, công dân Nga có khả năng gặp phải những bất tiện tương tự khi đi du lịch đến các quốc gia khác.

Khi Nga buộc phải rút khỏi hệ thống tài chính quốc tế - nơi đồng USD thống trị - quốc gia này bắt đầu sử dụng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc nhiều hơn.

Vào tháng 10/2022, Nga trở thành thị trường nước ngoài sử dụng đồng nhân dân tệ lớn thứ 4 thế giới.

"Nga quay sang sử dụng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc trong nỗ lực từ bỏ đồng USD. Moscow đã gạt bỏ những lo ngại lâu nay về việc trao cho Trung Quốc quá nhiều 'đòn bẩy' đối với nền kinh tế", tờ Wall Street Journal nhận định.

Không chỉ các nhà xuất khẩu năng lượng được trả nhiều tiền hơn bằng đồng Nhân dân tệ, mà quỹ đầu tư quốc gia của đất nước cũng đang tăng cường sử dụng đồng tiền này khi mua dầu để tích trữ. Các công ty Nga tích cực cho vay bằng đồng Nhân dân tệ.

Ông Yury Tavrovsky, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Nga-Trung cho rằng, đồng Nhân dân tệ đang trở nên rất phổ biến ở Nga, phổ biến hơn nhiều so với đồng USD.

The Economist đã viết trong một bài báo vào tháng 3/2022 rằng, "pháo đài kinh tế Nga của Tổng thống Vladimir Putin đang sụp đổ".

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, nhờ sự can thiệp kịp thời của Ngân hàng Trung ương Nga, việc thực hiện chính sách tiền tệ lãi suất cao hai con số, cùng với khả năng tự cung tự cấp các nguồn lực và sản phẩm chính, nền kinh tế của đất nước này đã không suy sụp.

(theo Global Times)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phao-dai-kinh-te-nga-co-dang-sup-do-he-lo-linh-vuc-thuc-su-trung-dan-trung-phat-cua-phuong-tay-222124.html