Pháp chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan

Paris sẽ tăng cường các biện pháp cứng rắn nhằm chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Đây là phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một cuộc họp với đại diện các cơ quan thực thi pháp luật mới đây sau vụ một thầy giáo bị sát hại gây rúng động nước này.

Tuyên bố của ông Macron được đưa ra trong bối cảnh người dân Pháp vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ thầy giáo Samuel Paty của Trường THCS Bois-d'Aulne bị một phần tử Hồi giáo chặt đầu ở thị trấn Conflans-Sainte-Honorine thuộc tỉnh Yvelines, phía Tây Bắc thủ đô Paris của nước này hồi giữa tháng 10.

Thủ phạm được xác định là Abdullakh Anzorov, 18 tuổi, sinh ra ở Moscow (Nga) và di cư đến Pháp vào năm 6 tuổi. Tên này đã bị cảnh sát bắn chết sau khi thực hiện các hành vi chống đối.

 Người biểu tình ở Paris phản đối hành động man rợ với giáo viên

Người biểu tình ở Paris phản đối hành động man rợ với giáo viên

Đại sứ quán Nga tại Paris khẳng định, vụ tấn công này không hề liên quan tới chính quyền Moscow dù cho thủ phạm là một người gốc Nga. Trước khi xảy ra vụ việc, trong một tiết học thảo luận về quyền tự do ngôn luận, giáo viên lịch sử Samuel Paty đã cho học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của các tín đồ Hồi giáo. Tuy nhiên, thầy Samuel Paty đã đề nghị những học sinh theo đạo Hồi có thể rời khỏi lớp nếu muốn trước khi đưa ra những bức biếm họa. Vụ việc trên khơi lại vết thương cũ trong lòng nước Pháp khi làm nhiều người liên tưởng đến vụ tấn công của những phần tử Hồi giáo cực đoan vào tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi năm 2015 khiến 12 người thiệt mạng sau khi tờ báo này đăng tải các hình ảnh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed.

Cái chết của thầy giáo Samuel Paty là lời cảnh báo rõ ràng nhất cho thấy mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vẫn đang hiện hữu ở quốc gia hình lục lăng. Hành động chặt đầu một giáo viên ngay trên đường phố ở vùng ngoại ô yên bình là điều mà người Pháp khó có thể tưởng tượng nổi. Tổng thống Macron gọi đây là vụ tấn công khủng bố của phần tử Hồi giáo cực đoan, đồng thời kêu gọi đất nước đoàn kết chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Trong những ngày qua, trang nhất của các tờ báo uy tín của Pháp như Le Monde, Le Figaro... đều tập trung đề cập tới phản ứng của Chính phủ nước này sau vụ sát hại giáo viên tàn bạo. Các báo cũng dành nhiều bài viết để phản ánh quyết tâm hành động của Chính phủ trước đòi hỏi của dư luận xã hội về việc Pháp cần phải có ngay những biện pháp mạnh mẽ ngăn chặn chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Giới chức Pháp cho biết, hơn 80 cuộc điều tra đã được tiến hành đối với những lời nói kích động hận thù trên mạng xã hội. Paris cũng chuẩn bị trục xuất 231 người nước ngoài có tên trong danh sách các đối tượng nghi là có tư tưởng tôn giáo cực đoan. Ngoài ra, Chính phủ Pháp cũng bố trí lực lượng an ninh tại các cơ sở công cộng, đặc biệt là trường học dù đang phải căng mình ứng phó với đại dịch Covid-19.

Cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo trên thế giới. Không nằm ngoại lệ, kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Macron đã nỗ lực trấn áp các phần tử Hồi giáo cực đoan trong nước. Lo ngại tình trạng tư tưởng cực đoan lan rộng trong cộng đồng Hồi giáo, ngay đầu tháng 10, ông Macron đã công bố kế hoạch nhằm bảo vệ nước Pháp trước mối đe dọa này, trong đó bao gồm nội dung tăng cường kiểm tra nguồn tài trợ nước ngoài cho các nhà thờ Hồi giáo, giám sát hoạt động của các tổ chức có thể thúc đẩy chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Đây là một chính sách lâu dài nhằm ngăn chặn việc các nhân tố bên ngoài gây ảnh hưởng đến nước Pháp qua tôn giáo, đặc biệt là đạo Hồi.

Dù còn khoảng hai năm nữa mới đến bầu cử tổng thống Pháp nhưng dường như ông Macron đang nỗ lực giành sự ủng hộ cho chiến dịch tái tranh cử của mình bằng cách tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân cũng như vực dậy nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh.

Hoài Anh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/phap-chong-chu-nghia-hoi-giao-cuc-doan-82756.html