Pháp luật và cuộc sống: Thừa kế di sản theo pháp luật

Dì Năm là bạn của mẹ tôi, nhà ở xóm bên. Dì có người con gái tên là Mai. Năm ngoái, chồng của Mai không may bị tai nạn giao thông qua đời. Trước khi kết hôn, Tấn-chồng Mai, mua được ngôi nhà có diện tích khoảng 30m².

Sau khi kết hôn, Tấn không nhập ngôi nhà này vào khối tài sản chung của hai người. Vợ chồng Mai sinh cháu Thảo được một năm thì Tấn mất, không để lại di chúc. Bố mẹ chồng của Mai yêu cầu chia di sản thừa kế là ngôi nhà do Tấn tạo lập. Hiện tại, mẹ con Mai không có chỗ ở nào khác và cũng chưa có điều kiện để tạo lập chỗ ở khác, trong khi đó nếu chia ngôi nhà này bằng hiện vật thì không bảo đảm cho việc sinh hoạt tối thiểu của mẹ con Mai. Nếu buộc phải thanh toán bằng tiền phần thừa kế mà bố mẹ chồng được hưởng thì hiện tại Mai cũng không có khả năng, nên cô rất lo lắng vì bố mẹ chồng đã khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế và không biết trong trường hợp này quyền lợi của các bên sẽ được giải quyết như thế nào? Biết tôi là luật sư nên dì Năm gặp tôi nhờ tư vấn.

Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Tôi giải thích cho dì Năm: Tấn không để lại di chúc nên di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật, trước hết cho hàng thừa kế thứ nhất của Tấn gồm: Bố mẹ Tấn, Mai và cháu Thảo. 4 người này sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Theo quy định tại khoản 2 Điều 660 Bộ luật Dân sự thì những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.

Khoản 3 Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ hoặc chồng còn sống có quyền yêu cầu tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Điều 661 Bộ luật Dân sự quy định về hạn chế phân chia di sản như sau: Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.

Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 3 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 3 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 3 năm.

Như vậy, trong trường hợp này, bố mẹ Tấn có quyền yêu cầu xác định phần di sản mà họ được hưởng nhưng chỉ có quyền yêu cầu chia di sản sau một thời hạn nhất định. Do mẹ con Mai không có chỗ ở nào khác và cũng chưa có điều kiện để tạo lập chỗ ở khác, trong khi đó, nếu chia ngôi nhà này bằng hiện vật thì không bảo đảm cho việc sinh hoạt tối thiểu của Mai và cháu Thảo; nếu buộc Mai phải thanh toán bằng tiền phần thừa kế mà bố mẹ Tấn được hưởng thì Mai cũng không có khả năng, nên Mai có thể yêu cầu tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định.

“Theo cháu thì Mai nên về thưa chuyện và trình bày quy định của pháp luật cho bố mẹ chồng hiểu. Nếu cần cháu sẽ có văn bản tư vấn pháp luật cho Mai để có căn cứ thuyết phục bố mẹ chồng”, tôi nói với dì Năm. Dì Năm xuýt xoa: “Quý hóa quá, nghe cháu giải thích, dì như trút được gánh nặng. Dì sẽ cùng Mai thưa chuyện với ông bà thông gia để ông bà hiểu và thông cảm cho mẹ con Mai”.

Ba hôm sau, dì Năm nhắn cho tôi: “Cảm ơn cháu, dì và Mai đã thưa chuyện với ông bà thông gia. Ông bà đã hiểu và rút đơn khởi kiện”...

Luật sư ĐĂNG TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/phap-luat-va-cuoc-song-thua-ke-di-san-theo-phap-luat-780985