Pháp sẽ trở thành cường quốc phương Tây lớn nhất công nhận Palestine
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Pháp sẽ công nhận Palestine với tư cách là một Nhà nước độc lập vào tháng 9 tới. Đây được đánh giá là động thái ngoại giao táo bạo trong bối cảnh tình trạng cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza ngày càng nghiêm trọng.
Động thái mang tính biểu tượng cao
Phát biểu trong một bài đăng trên X, Tổng thống Macron cho biết, Pháp sẽ chính thức hóa quyết định này tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9. "Điều cấp bách hiện nay là chiến tranh ở Gaza phải chấm dứt và dân thường được cứu", ông viết.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Tổng thống Pháp từng là người bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel sau vụ tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023 và thường xuyên lên tiếng phản đối chủ nghĩa bài Do Thái, nhưng ông ngày càng thất vọng về cuộc chiến của Israel ở Gaza.
″Với cam kết lịch sử về một nền hòa bình công bằng và bền vững ở Trung Đông, tôi đã quyết định rằng Pháp sẽ công nhận nhà nước Palestine”, ông Macron đăng trên trang cá nhân. ″Hòa bình là điều có thể”.
Với quyết định này, Pháp sẽ trở thành cường quốc phương Tây lớn nhất công nhận Palestine, và động thái này có thể mở đường cho các quốc gia khác làm điều tương tự. Cho đến nay, đã có 140 quốc gia công nhận Nhà nước Palestine, bao gồm hơn 10 quốc gia ở châu Âu. Động thái mang tính biểu tượng này gây thêm áp lực ngoại giao lên Israel trong bối cảnh chiến tranh và khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza đang leo thang.
Với dân số Do Thái lớn nhất châu Âu và dân số Hồi giáo lớn nhất Tây Âu, Pháp thường chứng kiến các cuộc giao tranh ở Trung Đông lan sang các cuộc biểu tình hoặc căng thẳng khác ở trong chính nước Pháp.
Phản ứng của các bên
Từ lâu, người Palestine muốn thành lập một nhà nước độc lập ở Bờ Tây bị chiếm đóng, sáp nhập Đông Jerusalem và Dải Gaza, những vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967. Chính phủ Israel và phần lớn giới chính trị gia nước này luôn phản đối việc Palestine trở thành Nhà nước độc lập.
"Chúng tôi lên án mạnh mẽ quyết định của Tổng thống Macron", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trong một tuyên bố. "Một động thái như vậy sẽ tiếp tay cho khủng bố và có nguy cơ tạo ra một lực lượng ủy nhiệm khác của Iran, giống như Gaza đã từng. Một nhà nước Palestine trong những điều kiện này sẽ là bệ phóng để hủy diệt Israel - chứ không phải để sống hòa bình bên cạnh họ”
Trong khi đó, Chính quyền Palestine hoan nghênh động thái này. "Chúng tôi bày tỏ lòng cảm ơn và trân trọng" tới Tổng thống Macron, ông Hussein Al Sheikh, Phó chủ tịch Phong trào Giải phóng Palestine (PLO), lực lượng chính trị đang lãnh đạo khu Bờ Tây đăng trên Twitter. "Lập trường này phản ánh cam kết của Pháp đối với luật pháp quốc tế và sự ủng hộ của Pháp đối với quyền tự quyết của người dân Palestine”.
Trong một tuyên bố sáng 26/6, Bộ Ngoại giao Ảrập Xêút đã khẳng định đây là một quyết định lịch sử: “Vương quốc hoan nghênh quyết định lịch sử này, khẳng định lại sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế về quyền tự quyết của người dân Palestine, quyền thành lập nhà nước độc lập theo biên giới năm 1967, với Đông Jerusalem là Thủ đô”. “Vương quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực liên tục của các quốc gia nhằm thực hiện các nghị quyết quốc tế và duy trì luật pháp quốc tế”, tuyên bố nêu rõ.
Bộ Ngoại giao Ảrập Xêút cũng nhắc lại lời kêu gọi tất cả các quốc gia chưa công nhận Nhà nước Palestine hãy thực hiện các bước tích cực tương tự và đưa ra lập trường nghiêm túc ủng hộ hòa bình và các quyền hợp pháp của người dân Palestine.
Về phía mình, Mỹ "kịch liệt phản đối" kế hoạch công nhận Nhà nước Palestine của Tổng thống Pháp Macron, Ngoại trưởng Marco Rubio viết trong bài đăng trên nền tảng xã hội X. “Quyết định liều lĩnh này chỉ phục vụ cho hoạt động tuyên truyền của Hamas và là nhân tố gây trở ngại cho hòa bình. Đây là một cái tát vào mặt các nạn nhân của ngày 7/10”, ông Rubio nói.
Nỗ lực của châu Âu
Thông báo của Pháp được đưa ra ngay sau khi Mỹ tuyên bố rút ngắn các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza tại Qatar, với lý do Hamas không thể hiện thiện chí.
Sự việc này cũng diễn ra vài ngày trước khi Pháp và Ảrập Xêút dự kiến đồng chủ trì một hội nghị tại Liên Hợp Quốc vào tuần tới về giải pháp hai nhà nước. Tháng trước, ông Macron đã bày tỏ "quyết tâm công nhận nhà nước Palestine" và thúc đẩy một phong trào rộng lớn hơn hướng tới giải pháp hai nhà nước song song với việc công nhận Israel và quyền tự vệ của nước này.
Những ngày gần đây, làn sóng chỉ trích Israel ngày càng gia tăng. Đầu tuần này, Pháp và hơn hai mươi quốc gia, chủ yếu là châu Âu, đã lên án việc Israel hạn chế các chuyến hàng viện trợ vào lãnh thổ Palestine và tiếp tục tấn công hàng trăm người Palestine đang cố gắng tiếp cận lương thực.
Nhà lãnh đạo Pháp sẽ cùng các nhà lãnh đạo Anh và Đức tiến hành một cuộc hội đàm khẩn cấp vào 26/7 về Gaza, phương thức cung cấp lương thực cho người dân và các biện pháp chấm dứt chiến sự.
"Chúng tôi khẳng định rõ ràng rằng quyền tự trị là quyền bất khả xâm phạm của nhân dân Palestine. Một lệnh ngừng bắn sẽ mở đường cho việc công nhận một nhà nước Palestine và một giải pháp hai nhà nước, đảm bảo hòa bình và an ninh cho cả người Palestine và người Israel", Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu khi công bố lời kêu gọi. "Nỗi thống khổ và nạn đói đang diễn ra ở Gaza là không thể diễn tả thành lời và không thể biện minh được".
Israel sáp nhập Đông Jerusalem ngay sau chiến tranh năm 1967 và coi đây là một phần Thủ đô của mình. Tại Bờ Tây, họ đã xây dựng hàng chục khu định cư, một số trông giống như những vùng ngoại ô rộng lớn, hiện là nơi sinh sống của hơn 500.000 người định cư Do Thái có quốc tịch Israel. 3 triệu người Palestine trên lãnh thổ này đang sống dưới sự cai trị của quân đội Israel, với việc Chính quyền Palestine thực thi quyền tự chủ hạn chế tại các trung tâm dân cư.
Các cuộc đàm phán hòa bình nghiêm túc gần đây nhất đã đổ vỡ vào năm 2009, khi Thủ tướng Netanyahu trở lại nắm quyền. Phần lớn cộng đồng quốc tế coi việc thành lập một nhà nước Palestine khả thi bên cạnh Israel là giải pháp thực tế duy nhất cho cuộc xung đột kéo dài cả thế kỷ nay.