Phát hiện đường dây ngang nhiên đổ chất thải xây dựng lấp biển Vũng Tàu

Việc lựa chọn vật liệu để lấn biển luôn là một bài toán cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Ở nhiều quốc gia, đây là chủ đề được giám sát chặt chẽ bởi cộng đồng khoa học, chính quyền và người dân. Thế nhưng ở biển Vũng Tàu, họ công nhiên dùng rác, chất thải xây dựng để lấp biển.

Rác thải thay cát, đá

Rác thải xây dựng, thậm chí cả rác sinh hoạt đang bị chôn lấp trái phép tại khu vực lấn biển của một dự án trong lòng biển ở TP.Vũng Tàu, gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng.

Chiếc xe BKS 72N- 3444 đang lấy chất thải ở công trình số nhà 142 - 144 Lê Hồng Phong, phường Vũng Tàu, TP HCM

Chiếc xe BKS 72N- 3444 đang lấy chất thải ở công trình số nhà 142 - 144 Lê Hồng Phong, phường Vũng Tàu, TP HCM

10 giờ sáng ngày 19/7/2025, tại một công trình xây dựng có địa chỉ 142 - 144 Lê Hồng Phong, phường Vũng Tàu (TP.HCM), 10h30 phóng viên VOV ghi nhận một chiếc máy xúc nhỏ liên tục xúc đầy xà bần, rác thải xây dựng lên xe tải mang biển kiểm soát 72N-3444.

Chiếc xe BKS 72- 3444 tung hoành trên phố phường Vũng Tàu

Chiếc xe BKS 72- 3444 tung hoành trên phố phường Vũng Tàu

Sau gần 30 phút "ăn" rác, chiếc xe tải cũ kỹ, chằng buộc sơ sài, nhanh chóng rời công trình, điều lạ là chiếc xe này không đi đến 1 bãi tập kết hay bãi xử lý phế thải xây dựng theo quy định mà len lỏi qua nhiều tuyến phố của phường Vũng Tàu. Khi đến gần khu vực biển, chiếc xe bất ngờ rẽ vào khu vực thi công thuộc dự án Cụm dịch vụ Ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu.

Chiếc xe BKS 72N- 3444 công khai đổ thải xuống biển

Chiếc xe BKS 72N- 3444 công khai đổ thải xuống biển

Tại đây, không cần che giấu, tài xế mở bạt, đổ toàn bộ chất thải xuống biển thuộc nội khu dự án sát mép nước biển, rác thải nhanh chóng được hòa vào với toàn bộ biển Đông. Cùng lúc đó, một xe tải cỡ lớn hơn, nối đuôi tiếp tục lật ben, trút chất thải xuống khu vực được cho là nền móng của dự án Long Cung Vũng Tàu.

Chỉ trong một ngày, chiếc xe BKS 72N- 3444 đổ hàng chục chuyến chất thải xuống biển

Chỉ trong một ngày, chiếc xe BKS 72N- 3444 đổ hàng chục chuyến chất thải xuống biển

Theo ghi nhận mỗi ngày dự án này tiếp nhận hàng chục xe tải lớn nhỏ chất đầy rác thải từ khắp các công trình xây dựng của phường Vũng Tàu, phường Phước Thắng, phường Rạch Dừa về đây đổ thải. Không chỉ dừng lại ở việc "ăn" chất thải ở các dự án công trường xây dựng những chiếc xe này còn tìm đến những bãi thải trái phép đối diện sân bay Vũng Tàu để "ăn" phế thải xây dựng đi lấp biển.

72C 06461 và 72A81235 cũng tham gia dùng chất thải lấp biển

72C 06461 và 72A81235 cũng tham gia dùng chất thải lấp biển

Công khai "lấp biển bằng rác"

Theo quan sát, khu vực lấn biển đang được tạo thành một vòng cung lớn nhưng chưa hoàn chỉnh, khiến mỗi lần chất thải được đổ xuống đều tiếp xúc trực tiếp với nước biển. Bằng thiết bị quay chuyên dụng, phóng viên ghi nhận trung bình mỗi ngày hàng chục chuyến xe chở chất thải “được hóa phép” trở thành vật liệu san lấp biển. Đáng chú ý, hoạt động này không hề lén lút. Chủ đầu tư cắt cử người canh gác, giám sát chặt chẽ. Mỗi khi 3 đến 4 xe rác được đổ xuống, liền sau đó là một xe đất khác lập tức tiến tới lấp lên lớp rác, ngụy trang bề mặt. Máy xúc, máy ủi luôn túc trực để san gạt, xóa dấu vết.

Hiện trường "dự án" dùng rác để lấp biển

Hiện trường "dự án" dùng rác để lấp biển

Phóng viên VOV.VN đã bí mật tiếp cận hiện trường phía trong dự án và ghi lại những hình ảnh đầy ám ảnh. Trái với hình dung về một khu vực thi công sạch sẽ, đồng bộ nơi đáng lý phải được bảo vệ nghiêm ngặt về môi trường, khu san lấp biển hiện lên như một bãi rác khổng lồ. Từ những tấm tôn gãy, vải vụn, đến gạch vụn, bê tông, túi ni-lông và thậm chí là rác sinh hoạt, tất cả đều lẫn lộn, nổi lềnh bềnh trên nền nước biển đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc. Một phần đất đổ lên che lớp rác phía dưới nhưng không thể ngăn được sự tiếp xúc trực tiếp của rác, chất thải hòa vào nước biển. Nhiều khối rác chưa kịp lấp hết bị nước cuốn trôi lởm chởm bên mép dự án.

Đủ các loại rác được tận dụng tối đa để san lấp biển

Đủ các loại rác được tận dụng tối đa để san lấp biển

Chứng kiến những hình ảnh mà phóng viên ghi nhận được, ông T.V.T một người yêu môi trường đã thực sự bức xúc: “Cái này không còn là lấp biển bằng vật liệu xây dựng nữa, mà là đang biến biển thành bãi rác khổng lồ”.

Rác được hòa lẫn trực tiếp với nước biển

Rác được hòa lẫn trực tiếp với nước biển

“Hợp thức hóa” rác thải mang lại nguồn lợi khổng lồ?

Theo quy định, một công trình xây dựng trên địa bàn phường Vũng Tàu đều phải đăng ký khai báo rác thải. Thế nhưng đa số các chủ nguồn thải đều liên hệ với một nhóm đối tượng trên địa bàn để thực hiện "thủ tiêu rác thải". Mỗi một m³ chất thải xây dựng, chủ nguồn thải phải mất từ 200 đến 300 nghìn đồng. Và cũng theo quy định, dự án lấp biển có tổng diện tích khoảng 16.000 m² với cao độ san lấp gần 5 m, như vậy ở đây cần gần 100.000 m³ vật liệu sạch là cát sạch và đá. Trong bối cảnh giá cát và giá đá đang rất cao thì việc chủ đầu tư đã tiết kiệm bằng cách sử dụng chất thải từ nhóm đối tượng thu gom được, thì cả chủ đầu tư và nhóm đối tượng chôn lấp đều có lợi, chỉ có môi trường là thiệt hại.

Video nhà báo Nguyễn Tùng thâm nhập trực tiếp bên trong hiện trường đổ thải lấp biển

Theo luật sư Trần Tuấn Anh - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: "Quy định tại khoản 1 Điều 65 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, chất thải xây dựng không có thành phần nguy hại được phân loại, tái sử dụng đúng quy chuẩn sẽ được coi là chất thải rắn công nghiệp thông thường; nếu có thành phần nguy hại sẽ thuộc diện chất thải công nghiệp phải kiểm soát. Tuy nhiên dù có như thế nào thì mang rác thải xây dựng đổ trực tiếp xuống biển, chính là một tội ác hủy hoại môi trương.

Luật sư Trần Tuấn Anh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Luật sư Trần Tuấn Anh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Mục 4 Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 261:2001 quy định bãi chôn lấp chất thải phải nằm trong khu quy hoạch được phê duyệt, đáp ứng các tiêu chí về vị trí, khí hậu, địa hình, địa chất, thủy văn và đảm bảo cách ly vệ sinh. Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: rác thải chỉ được chôn lấp tại các khu xử lý được cấp phép, đảm bảo hệ thống kỹ thuật và biện pháp bảo vệ môi trường. Việc đổ trộm, chôn lấp trái phép là hành vi vi phạm pháp luật. Khoản 4 Điều 26 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính từ 5 triệu đến 250 triệu đồng, tùy vào khối lượng vi phạm. Tổ chức vi phạm bị phạt gấp đôi cá nhân, đồng thời buộc khắc phục hậu quả và khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tổ chức/cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 235 Bộ luật Hình sự với tội danh “Gây ô nhiễm môi trường”.

Cận cảnh quá trình dùng chất thải để lấp biển của các đối tượng

Dùng rác, chất thải để lấp biển là một hành vi hủy hoại môi trường biển không thể chấp nhận được, cần phải bị lên án và xử lý nghiêm minh. Rất mong các ban ngành có chức năng bảo vệ môi trường sớm vào cuộc ngăn chặn hành vi này.

Nguyễn Tùng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phat-hien-duong-day-ngang-nhien-do-chat-thai-xay-dung-lap-bien-vung-tau-post1216317.vov