Phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi

Nhằm phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, những năm qua, huyện Đại Từ đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn cho các công trình hồ, đập.

 Để đảm bảo việc dẫn nước phục vụ sản xuất, tuyến kênh sau hồ Đá Giàn, xã Cù Vân đang được đổ bê tông với chiều dài hơn 500m.

Để đảm bảo việc dẫn nước phục vụ sản xuất, tuyến kênh sau hồ Đá Giàn, xã Cù Vân đang được đổ bê tông với chiều dài hơn 500m.

Trên địa bàn huyện Đại Từ hiện có gần 150 công trình thủy lợi (CTTL) được xây dựng kiên cố, gồm: 36 hồ, 78 đập, 33 trạm bơm với tổng diện tích tưới ước tính gần 12.000ha/năm. Trong đó, có 125 công trình do huyện quản lý với tổng diện tích tưới trên 7.500ha/năm. Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Trước đây, việc quản lý, vận hành một số công trình còn nhiều hạn chế, khó quản lý vật tư trang thiết bị dẫn tới hư hỏng… Nhằm khắc phục tình trạng này, từ năm 2013, huyện đã xây dựng và triển khai Đề án quản lý và khai thác các CTTL. Hàng năm, huyện đã duy tu sửa chữa các công trình đảm bảo theo đúng yêu cầu kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, đồng thời, thành lập các đội thủy nông tại các xã, thị trấn có CTTL. Đến nay, toàn huyện đã có 28 đội thủy nông của các xã, thị trấn được thành lập với trên 140 thành viên. Mỗi thành viên đội thủy nông quản lý 1 công trình, được hưởng phụ cấp, có nhiệm vụ bảo vệ các công trình được giao; phục vụ đầy đủ, kịp thời về nước tưới cho sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Hàng năm, huyện đều tổ chức và phối hợp tổ chức từ 3-4 lớp tập huấn kiến thức chuyên môn về quản lý, khai thác công trình thủy lợi cho 100% cán bộ đội thủy nông, trang bị các phương tiện phòng, chống lụt bão cho từng đội. Ông Trịnh Văn Nguyên, Đội trưởng Đội thủy nông xã Cù Vân cho biết: Xã có 15 CTTL, có khả năng đảm bảo tưới tiêu với diện tích hơn 400ha. Các thành viên đội thủy nông đều là người dân địa phương, sống gần các CTTL để thuận tiện cho việc giám sát, vận hành công trình, kịp thời phát hiện những hư hại nếu có để tham mưu cho địa phương nhanh chóng khắc phục.

Từ năm 2016 đến nay đã có nhiều CTTL được đầu tư xây dựng, nâng tỷ lệ diện tích được tưới tiêu cho cây trồng hàng năm trên địa bàn huyện đạt 83,7%, trong đó tỷ lệ diện tích chủ động tưới tiêu cho cây lúa là 98,1%. Cụ thể, trong 5 năm qua, huyện đã đầu tư nâng cấp, xây dựng 60 CTTL từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp. Tổng số vốn đầu tư xây dựng các CTTL là gần 125 tỷ đồng (ngân sách Trung ương trên 79 tỷ đồng, ngân sách địa phương và vốn đầu tư xây dựng của doanh nghiệp là trên 44 tỷ đồng). Từ nay đến cuối năm 2020, huyện có kế hoạch xây dựng, nâng cấp 10 CTTL trên địa bàn với tổng kinh phí gần 8,5 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.

Cùng với việc đầu tư nâng cấp, giữ an toàn các CTTL trong mùa mưa bão cũng có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn, trong đó có xây dựng phương án bảo vệ an toàn cho các hồ chứa, đập dâng kiên cố, đặc biệt là các hồ chứa lớn, có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do thiên tai. Đồng thời, bố trí lực lượng, phương tiện cơ động, tại chỗ sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Thu Huyền

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/phat-huy-hieu-qua-cac-cong-trinh-thuy-loi-271320-205.html