Phát huy hiệu quả hệ thống giao thông thông minh

QDND - Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là một trong những tuyến cao tốc kết nối các tỉnh phía Bắc với Thủ đô Hà Nội. Để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trên tuyến trong điều kiện phương tiện lưu thông với tốc độ cao, hệ thống giao thông thông minh đã được đầu tư đồng bộ, khai thác hiệu quả. Qua đó, giúp kiểm soát mọi hoạt động dọc theo tuyến đường và kịp thời xử lý các tình huống.

Trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng. Ảnh: VIDIFI

Trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng. Ảnh: VIDIFI

Với chiều dài hơn 105km, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đi qua 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Theo Công ty Quản lý và Khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đơn vị vận hành tuyến đường, ngay từ khi lập dự án, chủ đầu tư đã thuê đơn vị tư vấn thiết kế để triển khai, ứng dụng hệ thống giao thông thông minh. Hệ thống này gồm nhiều thành phần, như: Quản lý giao thông, camera quan sát, camera dò xe, biển báo thông tin thay đổi, giám sát tải trọng xe, thu phí...

Trên tuyến có 6 trạm thu phí, đều được lắp đặt hệ thống kiểm tra tải trọng xe và 1 trạm kiểm tra tải trọng xe độc lập tại nút giao Đình Vũ (Hải Phòng). Đây là các thiết bị tự động cân khi xe lưu thông qua làn kiểm tra, đạt độ chính xác cao. Công tác kiểm soát xe quá tải, quá khổ được triển khai tại tất cả các hướng vào cao tốc, liên tục 24/7, bảo đảm kiểm soát 100% tải trọng phương tiện. Việc ngăn chặn triệt để các xe quá khổ, quá tải đã góp phần quan trọng để bảo đảm ATGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng dự án. Cụ thể, như tại trạm kiểm tra tải trọng xe Đình Vũ, từ khi đi vào khai thác, trạm đã cân hơn 4 triệu lượt xe, từ chối phục vụ hơn 20.000 lượt xe (chiếm tỷ lệ 0,5%).

Hệ thống camera quan sát của dự án gồm 58 camera được bố trí dọc tuyến và 11 camera trên cầu vượt, có bán kính quan sát hơn 1km/camera, phóng to 32 lần. Toàn bộ hình ảnh ghi được đều truyền về trung tâm điều hành. Bên cạnh đó, còn có 12 camera dò xe, đặt tại các vị trí có mật độ giao thông lớn. Camera này có khả năng tự động phát hiện tốc độ phương tiện, xe đi ngược chiều, người đi bộ, các vật rơi và khói, lửa. Là một trong những dự án áp dụng hình thức thu phí kín, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có tổng số 62 làn thu phí tại 6 trạm thu phí. Hiện nay, tại các trạm thu phí đã áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng tại 50% số làn thu phí. Công nghệ mới cũng giúp phương tiện lưu thông nhanh chóng, an toàn hơn.

Theo phân tích từ số liệu thực tế của đơn vị quản lý, vận hành cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, 64% tai nạn trên tuyến đường này có nguyên nhân do tình trạng kỹ thuật xe không bảo đảm; 34% là do hành vi của người lái xe. Trong đó, các hành vi của lái xe chủ yếu là không làm chủ tốc độ; không giữ được khoảng cách an toàn; mất tập trung; dừng đỗ xe không đúng nơi quy định; đi lùi, đi ngược chiều. Để kịp thời xử lý các tình huống, Trung tâm điều hành giao thông của cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã phát huy vai trò là cơ quan đầu não, giám sát, điều hành giao thông, tổ chức công tác cứu hộ, cứu nạn. Trung tâm cũng phối hợp với các lực lượng chức năng để xử lý tai nạn và các hành vi vi phạm ATGT.

Năm 2020, công tác bảo đảm ATGT trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã đạt được những kết quả tích cực, số vụ tai nạn, số người bị thương giảm mạnh so với trước, hạn chế tối đa tai nạn nghiêm trọng, gây thiệt hại về người. Từ kinh nghiệm bảo đảm ATGT trên tuyến cao tốc này, nhiều dự án khác đã được áp dụng hệ thống giao thông thông minh, hướng tới xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng lưu lượng phương tiện ngày càng cao.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-huy-hieu-qua-he-thong-giao-thong-thong-minh-659625