Phát huy lợi thế, tái thiết sản xuất, hoàn chỉnh quy hoạch, huy động nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vươn lên của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên tỉnh Quảng Trị đã thực hiện có hiệu quả 'mục tiêu kép' vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh HÀ SỸ ĐỒNG về một số giải pháp trọng tâm của tỉnh Quảng Trị trong năm 2021.

- Thưa đồng chí! Năm 2020 là một năm đầy khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra. Nhưng bằng sự nỗ lực và đoàn kết, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đã giành được những kết quả đáng khích lệ. Đề nghị đồng chí đánh giá lại những thành quả trong năm qua?

- Năm 2020 thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân. Trước tình hình đó, UBND tỉnh vừa tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ lớn, trọng tâm, đồng thời chủ động xây dựng các kịch bản và giải pháp ứng phó phù hợp. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương, sự chia sẻ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đã giúp tỉnh Quảng Trị từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 19.970 tỉ đồng; sản lượng lương thực có hạt đạt 28,9 vạn tấn. Đặc biệt thu ngân sách trên địa bàn tính đến 31/12/2020 đạt 3.655,619 tỉ đồng/3.400 tỉ đồng, đạt gần 108% dự toán địa phương giao. Đây là mức thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 3,51% là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây nhưng vẫn cao hơn so với bình quân chung của cả nước (dự kiến tăng trưởng 2,5-3%), là tỉnh có mức tăng trưởng đứng thứ 23 của cả nước và đứng thứ 4 trong 14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Đây là con số thực sự có nhiều ý nghĩa. Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới và trong nước, con số 3,51% đã cho thấy sự nỗ lực vượt bậc để vượt qua khó khăn, thử thách duy trì và phục hồi nền kinh tế, qua đó đem lại sự lạc quan, tràn đầy tự tin vào các quyết sách quan trọng trong giai đoạn mới nhằm tái thiết lại cuộc sống sau thiên tai, dịch bệnh; khôi phục sản xuất, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, khai thác có hiệu quả những ngành, lĩnh vực kinh tế đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết HĐND tỉnh.

Năm 2020 có 16/25 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch. Những chỉ tiêu đạt được trong năm 2020 có ý nghĩa rất lớn trong điều kiện gặp nhiều khó khăn và bất lợi. Nhưng đến thời điểm này cho thấy mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, phòng, chống thiên tai, lũ lụt và mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Trị trong năm 2020 đã thành công. Tuy nhiên có một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng như tốc độ tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, tổng vốn đầu tư toàn xã hội không đạt kế hoạch đề ra do nhiều nguyên nhân, mà trực tiếp là ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 và bão lũ đã làm cho kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế đề ra trong 5 năm 2016 - 2020 đạt thấp. Do vậy cần phải phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, từ đó tìm ra giải pháp khắc phục kịp thời và hiệu quả nhất. Đặc biệt là đề ra những chủ trương, giải pháp cũng như chương trình hành động kịp thời, đúng đắn để tổ chức thực hiện ngay trong năm 2021.

 Tấp nập cảng Cửa Việt - Ảnh: H.N.K

Tấp nập cảng Cửa Việt - Ảnh: H.N.K

- Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021 - 2025. Đề nghị đồng chí cho biết những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà UBND tỉnh sẽ triển khai trong năm nay?

- Mục tiêu quan trọng nhất mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là: Đến năm 2025, phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Do đó, tất cả mọi nhiệm vụ, giải pháp phải tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế. Chủ đề trọng tâm mà UBND tỉnh đặt ra trong năm 2021 là phát huy lợi thế, tái thiết sản xuất, hoàn chỉnh quy hoạch và huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện.

Một giải pháp trọng tâm đã được UBND tỉnh thực hiện quyết liệt từ cuối năm 2020 và tiếp tục được triển khai trong năm 2021, đó là tập trung tái thiết kinh tế nông nghiệp bị thiệt hại sau bão, lụt; khắc phục kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và dân sinh bị thiệt hại. Xây dựng và ban hành đề án tái cơ cấu sản xuất, hoàn thiện quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh và đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp sau thiên tai. Trước hết là huy động mọi nguồn lực, ứng dụng đồng bộ các giải pháp, khẩn trương tổ chức, chỉ đạo thúc đẩy nhanh công tác tổ chức khôi phục sản xuất trên diện rộng, đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân, trước mắt là triển khai sản xuất vụ đông xuân 2020-2021 thắng lợi, đảm bảo an ninh lương thực và ổn định đời sống Nhân dân. Trong đó tập trung cải tạo, phục hồi 1.359 ha đất sản xuất nông nghiệp bị bồi lấp. Về lâu dài cần nghiên cứu các giải pháp xử lý, sử dụng phù hợp đối với 187 ha bị bồi lấp bởi cát, sỏi, đá không thể canh tác nông nghiệp. Đảm bảo nguồn giống để tổ chức sản xuất 25.500 ha lúa, 4.000 ha ngô, 3.000 ha lạc, 10.500 ha sắn và trên 4.000 ha rau đậu các loại. Hỗ trợ nguồn giống để nhanh chóng khôi phục lại đàn gia cầm khoảng 3,3 triệu con, kịp phục vụ nhu cầu trước và sau tết Nguyên đán Tân Sửu. Từng bước khôi phục lại tổng đàn gia súc, trong đó đàn lợn 243.000 con, trâu, bò 81.600 con. Tổ chức khôi phục nuôi trồng thủy sản, trong đó chú trọng khôi phục các vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt với diện tích 1.500 ha. Khôi phục đàn cá bố mẹ hậu bị, phấn đấu năm 2021 sản xuất được 12-15 triệu con cá giống, đáp ứng 50% nhu cầu giống toàn tỉnh. Khôi phục cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm cửa sông, phấn đấu năm 2021 diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đạt 1.200 ha. Bên cạnh đó là chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, vệ sinh tiêu độc, khử trùng nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong công tác khôi phục sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Khôi phục các công trình hạ tầng lâm sinh để tiếp tục triển khai trồng rừng đạt kế hoạch 7.500 ha. Đồng thời, tranh thủ thời tiết thuận lợi để khai thác các diện tích rừng phòng hộ chuyển đổi sang sản xuất và rừng đã đến chu kỳ khai thác, phấn đấu sản lượng khai thác đạt trên 1 triệu m3 ...

 Lát kè chống sạt lở dọc bờ sông Hiếu - Ảnh: TRÀ THIẾT

Lát kè chống sạt lở dọc bờ sông Hiếu - Ảnh: TRÀ THIẾT

Năm 2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2020 - 2025 nên cần phải hoàn thiện tất cả các quy hoạch chuyên ngành để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh để trong năm 2022 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo luật định. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng cho xuyên suốt cả nhiệm kỳ. Bởi vì tất cả các ngành, lĩnh vực đã có quy hoạch từ đầu nhiệm kỳ nên về sau không phá vỡ quy hoạch chung. Đó là định hướng nhất quán trong các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối với các ngành văn hóa, giáo dục, y tế...mà UBND tỉnh đặt ra và quyết tâm thực hiện hoàn thành trong năm 2021.

Bên cạnh nhiệm vụ phục hồi sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành thì UBND tỉnh còn chú trọng đến việc tranh thủ mọi nguồn lực, thu hút đầu tư hiệu quả. Ngoài nguồn lực đầu tư của ngân sách nhà nước theo Luật Đầu tư công thì phải thu hút thêm các nguồn lực đầu tư khác như ADB, World bank, các tổ chức khác đã và đang có ý tưởng hỗ trợ cho Quảng Trị. Ngoài đầu tư công thì phải thu hút thêm các hình thức đầu tư như BOT, BCC, BT... Ngoài ra còn huy động các nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, nhà đầu tư có năng lực trên các lĩnh vực điện gió, điện mặt trời, cảng biển, cảng hàng không... Tập trung sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, công nghiệp của địa phương.

Làm tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm vừa nêu ở trên thì năm đầu tiên, năm bản lề 2021, tỉnh Quảng Trị sẽ có sự bứt phá toàn diện nền kinh tế, tạo tiền đề quan trọng để phấn đấu đạt tỉnh phát triển trung bình cao của cả nước vào năm 2025. Mục tiêu lớn nhất của UBND tỉnh chính là xây dựng chính quyền năng động, hiệu quả, gần dân, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội. Tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao năng lực ứng phó và xử lý có hiệu quả với các sự cố bất thường và các thách thức phi truyền thống, nhất là trong thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ cứu nạn...

Với những giải pháp đồng bộ như trên hy vọng rằng cùng với cả nước, năm 2021 tỉnh Quảng Trị duy trì tăng trưởng ở mức khá, bảo vệ sinh kế cho người dân, giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Hồ Nguyên Kha (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=155100