Phát huy phương châm 'Lấy biện pháp nghiệp vụ làm mũi nhọn, bản lĩnh chính trị là then chốt'

'Đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên tuyến biên giới là cuộc chiến đầy khốc liệt và nhiều hiểm nguy, mà BĐBP luôn là lực lượng xung kích, nòng cốt trên tuyến đầu' - đó là khẳng định của Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) BĐBP về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy tại khu vực biên giới những năm gần đây. Để bạn đọc hiểu sâu hơn về cuộc chiến không khoan nhượng với tội phạm ma túy của những trinh sát đặc nhiệm quân hàm xanh, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh về vấn đề này.

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh. Ảnh: PV

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh. Ảnh: PV

- Đề nghị Thiếu tướng cho biết những khó khăn, thách thức mà lực lượng PCMT&TP BĐBP phải đối mặt trong cuộc chiến “Vì vùng biên cương sạch ma túy”?

- Việt Nam là “cửa ngõ” để tội phạm quốc tế vận chuyển số lượng lớn ma túy từ “Tam giác vàng” đi đến các nước trong khu vực và trên thế giới tiêu thụ nên gây áp lực rất lớn cho các lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của Việt Nam, trong đó, BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phải trực diện đấu tranh với các tổ chức tội phạm quốc tế, xuyên quốc gia trên biên giới.

Cùng với đó, phương thức hoạt động của tội phạm ma túy trên biên giới là lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, rất thuận lợi cho việc tập kết và mua bán, vận chuyển ma túy vào nước ta; đồng thời, rất khó khăn cho việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn của BĐBP.

Các đối tượng lợi dụng các mối quan hệ dân tộc, thân tộc trong, ngoài biên giới để móc nối với nhau, tổ chức thành các toán, nhóm có trang bị vũ khí “nóng”; thường xuyên thay đổi các phương thức, thủ đoạn hoạt động. Đối tượng hoạt động khép kín, tổ chức chặt chẽ dựa trên lợi ích vật chất và hoạt động theo kiểu xã hội đen, mang tính chuyên nghiệp, manh động, liều lĩnh hơn, với số lượng vận chuyển ma túy ngày càng lớn, chúng sẵn sàng dùng vũ khí “nóng” chống trả quyết liệt để thoát thân và trên thực tế, nhiều cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã bị thương, hy sinh trong quá trình đấu tranh chống tội phạm ma túy.

Hiện nay, các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế thường sử dụng công nghệ cao, phương tiện hiện đại trong quá trình giao dịch mua bán, vận chuyển ma túy. Trong khi đó, lực lượng PCMT&TP của BĐBP còn mỏng, trang bị vũ khí, khí tài kỹ thuật còn hạn chế, nên quá trình đấu tranh của lực lượng PCMT&TP BĐBP gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng lợi dụng chính sách đầu tư của Nhà nước, chính sách Hải quan thông thoáng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để trà trộn, cất giấu trong các kiện hàng, container hàng hóa xuất nhập khẩu để vận chuyển ma túy.

Trong khi đó, công tác phối hợp giữa các lực lượng trong kiểm tra, kiểm soát xuất nhập khẩu ở biên giới, cửa khẩu, cảng biển có lúc còn chồng chéo, hoặc sơ hở nên phát hiện, đấu tranh với tội phạm ma túy có thời điểm còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Không những vậy, tội phạm ma túy luôn tìm mọi cách đe dọa, khủng bố lực lượng chức năng, nhất là trong các chuyên án, vụ án mà chúng là đối tượng bị truy xét, nhiều cán bộ, chiến sĩ trong quá trình đấu tranh đã bị đối tượng tìm cách khủng bố người thân, đe dọa trả thù… Đây là khó khăn lớn đặt ra vấn đề phải thường xuyên giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị để cán bộ, chiến sĩ vững vàng, yên tâm vượt qua.

- Vậy, Cục PCMT&TP BĐBP đã có những giải pháp gì để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao?

- Đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên tuyến biên giới luôn là cuộc chiến đầy khốc liệt và nhiều hiểm nguy, mà BĐBP luôn là lực lượng xung kích, nòng cốt trên tuyến đầu. Trên trận tuyến sinh tử này, nhiều cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu, thể hiện tốt bản lĩnh chính trị của người lính quân hàm xanh. Đây không chỉ là thực thi nhiệm vụ, mà còn mang ý nghĩa nhân văn là ngăn chặn “cái chết trắng”, ngăn ngừa những hiểm họa cho các gia đình, cho đất nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cuộc sống bình yên của nhân dân, góp phần tô thắm truyền thống anh hùng của QĐND Việt Nam, của BĐBP, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Xác định đây là cuộc chiến thầm lặng và đầy hiểm nguy, cam go, quyết liệt, phức tạp..., với phương châm: “Lấy biện pháp nghiệp vụ làm mũi nhọn, bản lĩnh chính trị là then chốt”, Cục PCMT&TP BĐBP đã tập trung lãnh đạo toàn diện để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, tập trung công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, chủ động đấu tranh tội phạm từ sớm, từ xa, từ ngoài biên giới, trên biển.

Các đơn vị đã chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, chỉ đạo các tổ, đội công tác địa bàn nắm chắc tình hình, điều tra xác minh, xác lập chuyên án, vụ án, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như: Công an, Hải quan, Cảnh sát biển, đấu tranh phòng, chống tội phạm hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.

Trong năm 2022, toàn lực lượng đã chủ trì, phối hợp đấu tranh thành công 105 chuyên án; bắt giữ, xử lý 7.335 vụ/17.710 đối tượng, thu giữ 1,025 tấn ma túy các loại. Điển hình như: Chuyên án ĐB1221.2 bắt 3 đối tượng, thu giữ 72 bánh heroin, 472 triệu đồng; Chuyên án A221, bắt 1 đối tượng, thu giữ 72 bánh heroin; Chuyên án A3-722 bắt 3 đối tượng, thu giữ 30kg ma túy tổng hợp dạng đá, 1 súng K59, 24 viên đạn, 2 dao nhọn; Chuyên án A3-121.2, bắt 6 đối tượng, thu giữ 111,9kg ma túy, 1 ô tô.

Lãnh đạo Cục PCMT&TP BĐBP trao thưởng cho các đơn vị tham gia đấu tranh thành công Chuyên án A3-121. Ảnh: Xuân Khu

Lãnh đạo Cục PCMT&TP BĐBP trao thưởng cho các đơn vị tham gia đấu tranh thành công Chuyên án A3-121. Ảnh: Xuân Khu

- Hoàn thành nhiệm vụ, lập chiến công nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ và người dân. Vậy, Cục PCMT&TP BĐBP đã có giải pháp gì để đáp ứng yêu cầu này như thế nào, thưa Thiếu tướng?

- Để triệt phá thành công các chuyên án, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo phải làm tốt công tác lựa chọn cán bộ làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm là những người có sức khỏe tốt, có chuyên môn nghiệp vụ giỏi, kiến thức pháp luật sâu và nhiệt tình, tận tâm với công việc. Đồng thời, tập trung chỉ đạo làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản gồm điều tra cơ bản, quản lý nghiệp vụ, kỹ thuật nghiệp vụ, lực lượng mật phục vụ công tác đấu tranh chuyên án. Luôn đổi mới phương thức nghiệp vụ để đấu tranh hiệu quả với phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng. Tăng cường công tác trinh sát kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật trong công tác trinh sát, điều tra, vừa tăng cường tính hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn trong đấu tranh với tội phạm ma túy.

Bên cạnh đó, thường xuyên lãnh đạo làm tốt công tác huấn luyện, luyện tập các phương án chiến đấu sát với thực tế đấu tranh với tội phạm ma túy trên từng địa bàn, đối tượng. Trong quá trình phá án phải khảo sát, đánh giá kỹ yếu tố tình hình địa hình, địa bàn, tính toán xây dựng kế hoạch, phương án chiến thuật; bố trí, sử dụng lực lượng, dự kiến một số tình huống và cách xử lý. Chú trọng tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm nghiêm túc sau khi thực hiện xong mỗi chuyên án, vụ án, kế hoạch nghiệp vụ. Cùng với đó, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định trong mọi tình huống, có quyết tâm cao, sức chịu đựng gian khổ, bền bỉ, đoàn kết, gắn bó, có niềm tin vững chắc vào khả năng giành thắng lợi trong đấu tranh PCMT&TP.

- Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

PV (Thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-phuong-cham-lay-bien-phap-nghiep-vu-lam-mui-nhon-ban-linh-chinh-tri-la-then-chot-post459213.html