Phát huy sức dân bảo vệ cổ vật

Cố đô Huế hiện nay có 5 bảo tàng tư nhân, ngang bằng với số lượng bảo tàng công lập. Dự báo chỉ thời gian ngắn tới đây, số lượng bảo tàng tư nhân ở địa phương này sẽ vượt lên khi Công ty Cổ phần Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) đang triển khai xây dựng Bảo tàng Ẩm thực. Ngoài ra, nhiều nhà sưu tập, văn nghệ sĩ xứ Huế cũng đang muốn nâng tầm không gian trưng bày, giới thiệu bộ sưu tập cổ vật của mình tới đông đảo công chúng.

Có được phong trào lập bảo tàng tư nhân là bởi HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND ngày 7-12-2020 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn đến năm 2030. Nghị quyết đã đưa ra 5 hỗ trợ cụ thể, sát thực tế, gồm: Giá thuê cơ sở nhà đất làm bảo tàng, hoạt động trưng bày triển lãm, phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng, bồi dưỡng nguồn nhân lực và quảng bá hình ảnh. Sau hơn hai năm từ khi nghị quyết được ban hành, 3/5 bảo tàng tư nhân hiện nay đã được thành lập và đi vào hoạt động, tạo điểm nhấn mới trong bức tranh văn hóa-du lịch của cố đô Huế.

Điều đặc biệt của cổ vật liên quan tới Huế là còn khá nhiều, nguyên vẹn, tinh xảo. Những người yêu quý văn hóa Huế đã bỏ công sức, tiền của trong nhiều năm để tìm kiếm, hồi hương những cổ vật có giá trị tiêu biểu. Bởi họ hiểu cổ vật vô tri song lại kết tinh văn hóa truyền thống lâu đời, ẩn chứa giá trị văn hóa, lịch sử. Có tấm lòng nâng niu, trân quý cổ vật nên hơn ai hết, họ rất muốn giới thiệu, quảng bá kho báu tới công chúng để giáo dục văn hóa, lịch sử, khơi dậy niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc.

Vẻ đẹp Cố đô Huế. Ảnh: VTV

Vẻ đẹp Cố đô Huế. Ảnh: VTV

Thực tế cho thấy, tiềm lực và tâm huyết có thừa nhưng các cá nhân, tổ chức lại chưa thật am hiểu và thiếu kinh nghiệm xử lý các thủ tục để thành lập bảo tàng, phương án bảo quản và bảo vệ cổ vật, chuyên môn trình bày và sắp xếp cổ vật, tiếp thị quảng bá sản phẩm bảo tàng. Điều này dẫn đến nghịch cảnh cổ vật người dân sở hữu có nhiều, nhưng suốt thời gian dài chỉ được một nhóm nhỏ người sành cổ vật chiêm ngưỡng với nhau. Đó là câu chuyện trước đây. Còn hiện nay, tư duy về bảo tồn, phát huy giá trị cổ vật đã có bước thay đổi lớn. Đó là việc huy động tối đa các nguồn lực xã hội, tranh thủ được trí tuệ, tâm huyết của các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống công lập.

Phát huy sức dân để bảo vệ cổ vật là điều đáng khích lệ. Nhưng để các bảo tàng tư nhân hoạt động hiệu quả thì cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố. Vì một trong những cản trở khiến tư nhân ngần ngại thành lập bảo tàng là do khó khăn về nguồn thu để duy trì hoạt động bảo tàng. Bên cạnh nguồn thu từ vé tham quan, bảo tàng tư nhân cần kết hợp với các hoạt động dịch vụ thích hợp (bán hàng lưu niệm, ẩm thực, hoạt động trải nghiệm...) để đáp ứng nhu cầu đa dạng, thiết thực của du khách. Chính vì thế, chính sách hỗ trợ mỗi năm một sản phẩm lưu niệm đặc trưng hay hỗ trợ quảng bá trên các kênh thông tin, tuyên truyền của chính quyền địa phương thể hiện tinh thần đồng hành với những người yêu cổ vật, vì mục tiêu chung là giữ gìn và phát huy giá trị cổ vật của ông cha để lại.

HÀM ĐAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/phat-huy-suc-dan-bao-ve-co-vat-732132