Phát huy vai trò 'đi trước mở đường'

Ngày 3-3-1949 đã trở thành mốc son đánh dấu sự ra đời của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Trải qua 74 năm xây dựng và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ thành phố Hà Nội - dù có những tên gọi khác nhau - song luôn thể hiện rõ vai trò 'đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết', tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh của Thủ đô.

Lễ ký kết giao ước thi đua tại Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo trong triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, tháng 2-2023.

Lễ ký kết giao ước thi đua tại Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo trong triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, tháng 2-2023.

Những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng

Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc kỳ, để tăng cường tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, tập hợp đông đảo quần chúng ủng hộ phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh, mở rộng và phát triển cơ sở cách mạng, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Đội tuyên truyền xung phong. Đây là tổ chức tiền thân của Ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội. Tháng 11-1938, Tỉnh ủy Hà Đông được thành lập; tháng 10-1940, Tỉnh ủy Sơn Tây ra đời. Lúc này, công tác chính trị của cả 3 đảng bộ là tập trung tổ chức, xây dựng lực lượng, chuẩn bị các điều kiện đấu tranh cách mạng, tiến tới giải phóng dân tộc.

Sau thành công của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (ngày 6-1-1946), nhiệm vụ chủ yếu của công tác tuyên truyền ở 3 đảng bộ: Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây là vận động nhân dân bảo vệ chính quyền non trẻ, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Vì thế, ngày 3-3-1949, trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18/NQ/TUHN tách Ban Tuyên huấn ra khỏi Ban Đảng vụ - đánh dấu sự ra đời của Ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội. Nhiệm vụ chủ yếu của các Ban Tuyên huấn Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây giai đoạn 1949-1954 là tập trung tăng cường huấn luyện lập trường tư tưởng, chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên; tham gia gây dựng cơ sở cách mạng; tuyên truyền tin chiến thắng trên các chiến trường nhằm khơi dậy và phát huy sức mạnh toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào đại thắng Điện Biên Phủ, giải phóng Thủ đô. Từ đó, ngày 3-3-1949 đi vào lịch sử, đánh dấu sự ra đời của cơ quan Tuyên huấn, nay là Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

Ngày 1-8-2008, thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội (ra đời trên cơ sở hợp nhất giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tây và Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội) được sắp xếp, kiện toàn. Với bề dày thành tích của 74 năm nỗ lực phấn đấu và trưởng thành, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, thành phố.

Đặc biệt, năm 2022 vừa qua, hệ thống tuyên giáo thành phố đã đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, phù hợp, linh hoạt, gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới. Công tác tuyên giáo được nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố, địa phương, đơn vị và tạo những dấu ấn nổi bật. Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu, ban hành trên 1.300 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo thành phố; chủ trì tổ chức thành công hội thảo chuyển đổi số trong hệ thống tuyên giáo Thủ đô. Đồng thời, tổ chức hội thi tìm hiểu Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn thành phố bảo đảm chất lượng, hiệu quả, góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Tạo đồng thuận trong nhân dân

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp..., vì thế, công tác tuyên giáo đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới cao hơn, phức tạp hơn. Trên cơ sở đó, hệ thống tuyên giáo Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, gắn với triển khai quyết liệt, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ và 10 chương trình công tác của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XVII)... Qua đó, góp phần tạo sự thống nhất cao từ nhận thức đến hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã ban hành Hướng dẫn số 84-HD/BTGTU ngày 12-1-2023 về tăng cường thông tin, tuyên truyền thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ triển khai dự án tới hệ thống tuyên giáo Thủ đô. Theo đó, chỉ đạo tập trung thông tin, tuyên truyền thông qua các hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp; đăng tải trên bản tin “Thông tin nội bộ” và trang tin điện tử Đảng bộ thành phố, các báo, đài, bản tin…

Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã thường xuyên nắm tình hình triển khai dự án theo tiến độ được giao, nhất là tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và diễn biến dư luận xã hội tại các địa phương có dự án đi qua nhằm kịp thời giải quyết “điểm nóng”, các vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình triển khai dự án... Nhờ đó, dư luận xã hội đều mong muốn và kỳ vọng dự án triển khai bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, mục tiêu đặt ra.

Nhiệm vụ của ngành Tuyên giáo Thủ đô năm 2023 rất nặng nề, đòi hỏi đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực này duy trì bản lĩnh kiên định, vững vàng, cách làm thuyết phục, hiệu quả, sáng tạo. Với phương châm “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”, phát huy truyền thống vẻ vang trong 74 năm qua, hệ thống tuyên giáo Thủ đô sẽ nỗ lực đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1057115/phat-huy-vai-tro-di-truoc-mo-duong