Phát huy vai trò nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch

Trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội đồng AIPA 41, ngày 9/9 đã diễn ra phiên họp của Ủy ban Kinh tế với chủ đề: 'Vai trò của nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh COVID-19'. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự và phát biểu tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự phiên họp có đại diện các đoàn đại biểu nghị viện thành viên AIPA; Ban thư ký AIPA… Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hợp tác kinh tế trong AIPA là một trong những vấn đề then chốt, có ảnh hưởng sâu sắc đến các lĩnh vực hợp tác khác của khu vực.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN có mục tiêu tạo ra một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, từ đó nâng cao hiệu quả, tính cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư kinh doanh và tạo sự thịnh vượng chung cho cả khu vực.

Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển hoan nghênh các nước thành viên AIPA đã tán thành quyết định chọn chủ đề về “Vai trò của nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh COVID -19”, cho đây là chủ đề mang tính thiết thực, có tính thời sự cấp bách đối với mọi quốc gia thành viên AIPA và khu vực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển mong muốn các nước thành viên sớm vượt qua khó khăn, phục hồi nền kinh tế, ổn định đời sống xã hội và "không để ai bị bỏ lại phía sau".

"Với tinh thần đó, tôi chúc Ủy ban Kinh tế AIPA sẽ gợi mở và đưa ra được các khuyến nghị để các nước AIPA chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với tình huống khẩn cấp và đề xuất giải pháp nhằm gắn kết và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Các kết quả thảo luận tích cực từ các quý vị, với nhiều sáng kiến trên tinh thần xây dựng và hợp tác sẽ góp phần đem lại thành công tốt đẹp cho Đại hội đồng AIPA 41”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thảo luận tại phiên họp, đại diện các đoàn nghị viện thành viên AIPA nhất trí cho rằng, đại dịch COVID-19 đang đặt ra thách thức lớn đối với nền kinh tế thế giới, trong đó có ASEAN.

Các đại biểu cho rằng, bên cạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay đối với ASEAN là kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhất là lây nhiễm xuyên biên giới, việc thúc đẩy liên kết, hợp tác kinh tế để phát triển một Cộng đồng Kinh tế ASEAN gắn kết là cơ sở quan trọng để triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Đại diện các đoàn cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm hay ở mỗi nước trong đối phó với dịch bệnh và giảm thiểu tác động tiêu cực do COVID-19 gây ra; đồng thời đề xuất các nghị viện thành viên AIPA đưa ra các biện pháp lập pháp, thông qua ngân sách nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế; bảo vệ cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch. Tiếp tục ủng hộ và giám sát các chính phủ thực hiện các cam kết về duy trì thị trường mở, bảo đảm dòng chảy hàng hóa - dịch vụ giữa các nước trong khu vực; quản lý và sử dụng hiệu quả Quỹ ASEAN ứng phó dịch COVID-19 và kho dự trữ vật tư y tế khu vực…

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, đại dịch COVID-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế đơn thuần mà còn là cuộc khủng hoảng đối với sự phát triển khi các chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế bị phá vỡ.

Trước tình hình trên, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh, liên kết kinh tế trong thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế của các nước thành viên ASEAN và việc triển khai tốt các hoạt động kinh tế số sẽ có tầm quan trọng sâu sắc, đóng vai trò quan trọng trong tăng cường liên kết kinh tế ASEAN cũng như sự sẵn sàng của ASEAN để ứng phó với các thách thức từ đại dịch COVID-19.

Trên tinh thần đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam mong muốn Cộng đồng ASEAN thống nhất thực hiện chuỗi giải pháp mang tính đột phá, khả thi nhằm tăng cường liên kết kinh tế ASEAN.

Cụ thể, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đề xuất các giải pháp, trong đó có thực hiện thúc đẩy nhanh việc trao đổi thông tin liên quan đến du lịch, sức khỏe và các biện pháp cần thiết khác nhằm kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19. Củng cố sự an tâm trong di chuyển, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và quy trình y tế hỗ trợ di chuyển xuyên biên giới của công dân ASEAN không bị gián đoạn. Tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và y tế quốc tế cũng như các cam kết theo các hiệp định có liên quan giữa các nước thành viên ASEAN.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, bảo đảm lưu thông hàng hóa và các chuỗi cung ứng trong khu vực không bị gián đoạn; xây dựng chính sách đầu tư thông thoáng, bền vững, có trách nhiệm trong khu vực; bảo đảm an ninh lương thực và chuỗi giá trị nông nghiệp; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; tiến tới xây dựng kinh tế tuần hoàn…

Các nước trong khu vực cần thúc đẩy nhanh việc phê chuẩn các hiệp định, thỏa thuận thương mại trong khu vực; ưu tiên tăng cường các nỗ lực để hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm 2020. Tăng cường năng lực, sự tham gia và đẩy mạnh giám sát nghị viện đối với việc thực hiện các cam kết về đầu tư và thương mại trong khuôn khổ khu vực và quốc tế, coi đây là công cụ chủ yếu để thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng hơn trong Cộng đồng ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác khác.

Tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng số, kết nối số, an toàn dữ liệu số, kiến thức và kỹ năng số gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN để phát triển kinh tế số; chia sẻ thông tin và kinh nghiệm để xử lý các thách thức mà các nền tảng thương mại điện tử đang phải đối mặt; tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm khắc phục bất lợi từ việc đóng cửa nền kinh tế và giãn cách xã hội trong dịch bệnh COVID-19 và duy trì tính cạnh tranh trong kỷ nguyên kinh tế số.

Xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối khu vực, tăng cường kết nối giao thông và sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác tiểu vùng Mekong và các tiểu vùng khác của ASEAN, đặc biệt là về bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp thông minh và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên xuyên biên giới nhằm bảo đảm an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng tại các tiểu vùng trong và sau đại dịch COVID-19.

Sau khi thảo luận về chủ đề “Vai trò của nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch COVID-19", các đoàn nghị viện thành viên AIPA đã cho ý kiến và biểu quyết thông qua Nghị quyết của Ủy ban Kinh tế AIPA 41.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-ngoai/phat-huy-vai-tro-nghi-vien-trong-thuc-day-gan-ket-va-phuc-hoi-kinh-te-asean-sau-dai-dich/407252.vgp