Phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer Trà Vinh nói riêng là lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò quan trọng, góp phần đắc lực giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu nghị quyết các cấp đề ra; đồng thời, thông qua họ, giúp nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân, khi muốn gửi gắm đến Đảng, Nhà nước. Có thể khẳng định rằng, người có uy tín là 'nhịp cầu nối' gắn kết giữa Đảng với dân; họ đã hết lòng vì dân, vì sự tiến bộ, công bằng và văn minh của xã hội.

Người có uy tín: Khẳng định là “điểm tựa” của đồng bào Khmer

Từ nhiều năm qua, người có uy tín trong đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh luôn phát huy, khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; vận động đồng bào Khmer và đồng bào cộng cư chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; họ là lực lượng “quần chúng đặc biệt”, là “điểm tựa” của đồng bào Khmer.

Nhân dịp Chôl Chnam Thmây năm 2023, đồng chí Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, tặng quà Hòa thượng Thạch Sok Xane, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Trụ trì chùa Âng.

Nhân dịp Chôl Chnam Thmây năm 2023, đồng chí Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, tặng quà Hòa thượng Thạch Sok Xane, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Trụ trì chùa Âng.

Trà Vinh có gần 1,1 triệu dân, đồng bào dân tộc Khmer chiếm gần 32% so với tổng dân số. Với đặc thù đó, thời gian qua, người có uy tín trong tỉnh đã giúp Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh triển khai hiệu quả những kế hoạch, nghị quyết, mục tiêu... Người có uy tín đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện các phong trào. Đặc biệt, người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer đã góp phần cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phát triển về mọi mặt: kinh tế, văn hóa - xã hội; quốc phòng - an ninh.

Theo đồng chí Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, hiện toàn tỉnh có 433 người có uy tín. Trong đó, dân tộc Khmer 417 người, Hoa 12 người, Kinh 03 người và Chăm 01 người. Người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer tiêu biểu trong chức sắc tôn giáo 65 người, Ban Quản trị chùa 86 người, cán bộ hưu trí các cấp 138 người. Vị trí, vai trò, nhiệm vụ và những kết quả đạt được trong hoạt động của người có uy tín thể hiện qua thực tiễn và được ghi nhận, đánh giá rất cao.

Người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer không chỉ tiên phong trong các phong trào của phum sóc, mà ngay cả trong những “sự vụ” tưởng rất nhỏ, là việc riêng của gia đình, họ cũng có mặt, nâng đỡ cuộc sống của người dân bằng uy tín và cái tâm trong sáng của mình. Người có uy tín đã làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với nhiều hình thức “sắc sảo, nhạy bén”: tham gia hòa giải, bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cung cấp thông tin, phản ánh tâm tư nguyện vọng của Nhân dân đến các cấp ủy Đảng, chính quyền; tổ chức lễ, Tết của đồng bào dân tộc, tôn giáo; dạy chữ Khmer, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2011 đến nay, bằng kinh nghiệm, uy tín của mình, người có uy tín trong tỉnh đã tham gia hòa giải kịp thời những tranh chấp, mâu thuẫn tại cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng”, “điểm phức tạp”; tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục nhiều đối tượng vi phạm pháp luật, vận động Nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm.

Từ năm 2011 đến nay, người có uy tín trong tỉnh tham gia hòa giải 1.577 cuộc; trong đó, 903 cuộc hòa giải thành, cảm hóa 915 đối tượng hòa nhập cộng đồng; vận động hàng trăm triệu đồng gây Quỹ Tái hòa nhập cộng đồng, tham gia tố giác 47 tội phạm; vận động tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm 151 cuộc, với 4.369 lượt người dự. Đồng thời, cung cấp 163 nguồn tin có giá trị, phản bác 165 tin đồn xấu phục vụ yêu cầu công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương. Tham gia 448 cuộc họp, đề xuất 2.322 ý kiến với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên; phát triển các hội đoàn thể.

Ghi nhận những đóng góp đó, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đánh giá cao những cống hiến của người có uy tín; đồng thời, tạo điều kiện để người có uy tín phát huy vai trò ở cơ sở. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành luôn quan tâm, thăm hỏi, động viên người có uy tín; cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có chính sách dân tộc, cung cấp các loại báo, tạp chí và tổ chức các lớp tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm cho người có uy tín… để người có uy tín phát huy vai trò của mình, đóng góp với cộng đồng, với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Nhân dịp Chôl Chnam Thmây năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn đến thăm Hòa thượng Thạch Sok Xane, Chủ tịch Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh, Trụ trì chùa Âng. Tại đây, Hòa Thượng Thạch Sok Xane chia sẻ: người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer đã có nhiều đóng góp quan trọng, từ các vị sư, thành viên Ban Trị sự các chùa, người dân… dù ở vị trí nào, cũng nỗ lực phát huy vai trò của mình, đóng góp tích cực vì mục tiêu sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thanh Khiết, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè cho biết: Hòa thượng Thạch Thảo, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Kè, Trụ trì chùa Cành - đal, ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân là người có uy tín. Qua gần 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, Hòa thượng Thạch Thảo nói riêng, tập thể chức sắc của chùa nói chung đã có nhiều đóng góp quan trọng. Nổi bật là xã Hòa Ân hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, hiện hộ nghèo còn dưới 02%... nhiều hộ Khmer chăm lo phát triển kinh tế vươn lên làm giàu.

Người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer thật sự là “điểm tựa cho mọi điểm tựa”, đó là một thực tiễn đã được ghi nhận, Nhân dân đồng thuận. Trong công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh, người có uy tín như là “một bộ phận” không thể tách rời trong cộng đồng dân cư, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà tỉnh đã, đang và sẽ cùng với cả nước hướng tới.

Trên thực tế, mỗi cá nhân người có uy tín có mức độ đóng góp, ảnh hưởng khác nhau trong cộng đồng, nhưng ở họ đều có một điểm chung: đó là sự gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, lời nói có sức thuyết phục, nói đi đôi với làm, nên đã tạo dựng được niềm tin với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể và người dân địa phương. Họ có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển ở cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt các hoạt động tự quản của cộng đồng… mà không phải chỉ có chính sách, pháp luật, có lực lượng, có nguồn lực là thực hiện được mọi việc ở cơ sở như nhiều người vẫn thường nghĩ.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/bai-1-phat-huy-vai-tro-nguoi-co-uy-tin-trong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-28856.html