Phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở

Vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã chủ trì buổi kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) tại Sở Thông tin và Truyền thông thành phố.

Bảo đảm công khai, minh bạch

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể, việc thực hiện QCDC tại Sở Thông tin và Truyền thông đã được triển khai nghiêm túc và dần đi vào nền nếp. Điều này góp phần tích cực trong thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chương trình công tác, nhiệm vụ chính trị của cơ quan.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chủ trì buổi kiểm tra QCDC tại Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội

Sở Thông tin và Truyền thông đã gắn kết việc thực hiện QCDC với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thực hiện Luật Cán bộ công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí; CCHC. Ngoài ra, việc thực hiện các chế độ chính sách (nâng lương, chuyển ngạch, đào tạo, xử lý kỷ luật…) được triển khai kịp thời, công khai dân chủ, tạo sự đồng thuận, phát huy được vai trò làm chủ và huy động tiềm năng trí tuệ của đội ngũ công chức, viên chức của cơ quan. Qua đó, đề cao trách nhiệm cấp ủy, tăng cường vai trò quản lý của lãnh đạo Sở và bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cơ quan; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và phòng chống tệ nạn quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan.

Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở luôn chú trọng và quan tâm thực hiện cải cách hành chính. Đáng chú ý, Sở đã duy trì hiệu quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”; công khai 34 thủ tục hành chính và đưa ra giải quyết theo cơ chế “một cửa” 34 thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi đối với các tổ chức, cá nhân. Từ đầu năm 2021 đến hết ngày 15.9.2022, Sở đã tiếp nhận và trả kết quả 8.472 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (đạt 100%), không có hồ sơ nào giải quyết quá thời hạn; không có vụ việc kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về việc giải quyết thủ tục hành chính.

Sở cũng luôn chú trọng đến việc tổ chức tiếp công dân và giải quyết các vấn đề liên quan tới khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của tổ chức, công dân; bố trí địa điểm thuận lợi cho việc tổ chức tiếp công dân, bảo đảm đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất.

Từ năm 2021 đến ngày 15.9.2022, Sở đã tiếp 26 lượt công dân; tiếp nhận 390 đơn thư, trong đó 386 đơn kiến nghị phản ánh, 3 đơn khiếu nại, 1 đơn tố cáo. Đến nay, đã xử lý xong dứt điểm. Ban Thanh tra Nhân dân cơ quan cơ bản hoạt động tích cực; thực hiện giám sát các hoạt động bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công chức, viên chức và người lao động; phối hợp với Thanh tra Sở tham gia giải quyết dứt điểm các đơn thư phản ánh, khiếu nại trong nội bộ cơ quan.

Gắn thực hiện quy chế dân chủ với nhiệm vụ chính trị

Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, các văn bản của Trung ương, thành phố về thực hiện QCDC ở cơ sở; đặc biệt cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên các kênh thông tin tuyên truyền do Sở quản lý. Với những hạn chế còn tồn tại, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở cần xây dựng phương án cụ thể để khắc phục hiệu quả trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Tuyến cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông nêu cao vai trò của người đứng đầu các cấp trong thực hiện QCDC, trong đó cần đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với việc thực hiện QCDC ở cơ sở; tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính trong quy trình giải quyết công việc với các tổ chức, công dân, nhất là các đơn vị có chức năng nhiệm vụ thường xuyên phải tiếp xúc, giải quyết công việc cho Nhân dân.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông nêu cao vai trò của Ban Thanh tra Nhân dân; nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ, công chức trong cơ quan để lắng nghe ý kiến, đóng góp của cán bộ, công chức. Đặc biệt, cần gắn việc thực hiện QCDC với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ quan; chú trọng nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, Nhân dân, nhất là thông tin về các chính sách, luật pháp liên quan trực tiếp đến đời sống, giúp người dân tự giác thực thi pháp luật và thực hiện tốt quyền dân chủ trực tiếp theo quy định của pháp luật. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, việc thực hiện QCDC cần được kiểm tra thường xuyên và liên tục, cả định kỳ và đột xuất ở mọi nơi, mọi cấp nhằm bảo đảm Quy chế được thực hiện một cách tốt nhất.

Việt Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/phat-huy-vai-tro-nguoi-dung-dau-cap-uy-trong-thuc-hien-quy-che-dan-chu-co-so-i305122/