Phát huy vai trò, vị trí tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước

Quy định 69-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Quy định đó đã xác lập vị trí, vai trò của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tổ chức đảng trong DNNN thật sự phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt doanh nghiệp tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động tương xứng vị trí và nguồn lực được Nhà nước đầu tư.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp tại Đảng bộ Agribank, góp phần thay đổi hình ảnh và hiệu quả hoạt động.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp tại Đảng bộ Agribank, góp phần thay đổi hình ảnh và hiệu quả hoạt động.

Quy định 69-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Quy định đó đã xác lập vị trí, vai trò của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tổ chức đảng trong DNNN thật sự phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt doanh nghiệp tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động tương xứng vị trí và nguồn lực được Nhà nước đầu tư.

Sắp xếp hợp lý, hoạt động hiệu quả

Ðảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương bao gồm 35 đảng bộ các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị, với 1.101 tổ chức cơ sở đảng, gần 82 nghìn đảng viên và hơn 720 nghìn người lao động trong các doanh nghiệp thuộc Khối. Ðảng bộ Khối quản lý rất nhiều đảng viên nắm giữ các vị trí chủ chốt trong cấp ủy, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, những người có trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo toàn, phát triển khối lượng tài sản và nguồn vốn rất lớn của Nhà nước. Trong các doanh nghiệp thuộc Khối, tổ chức đảng giữ vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, hơn lúc nào hết, vai trò của tổ chức đảng trong DNNN càng cần được củng cố và nâng cao. Trong đó, yêu cầu về sắp xếp tổ chức bộ máy hợp lý, tinh gọn và hiệu quả, đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng trong doanh nghiệp được đặt ra, nhằm tạo tiền đề, động lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị.

Theo đồng chí Ðào Ðình Thi, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HÐQT) Tập đoàn Bảo Việt, Ðảng ủy Tập đoàn xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng trong DNNN, đề cao vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đối với mọi mặt công tác của doanh nghiệp (DN), từ đó chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ cấp ủy, cán bộ làm công tác đảng. Việc hợp nhất các ban giúp việc của Ðảng ủy với các ban chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; chuyển đổi mô hình tổ chức chuyên môn theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm cấp trung gian đã cho thấy hiệu quả thực tế. Chủ trương nhất thể hóa các chức danh, cơ cấu Ủy viên Ban Thường vụ Ðảng ủy Tập đoàn đồng thời là người đại diện vốn của Nhà nước tại Tập đoàn và là thành viên HÐQT Tập đoàn; tổ chức họp Ban Thường vụ Ðảng ủy Tập đoàn thường kỳ hằng tháng, họp Ban Chấp hành hằng quý theo quy định khi thực thi đã giúp nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của Ðảng trong DN, tạo sự thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền.

Tại Ðảng bộ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của cấp ủy được xác định là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để VNPT tổ chức thành công Chiến lược phát triển Tập đoàn VNPT4.0. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị theo hướng xây dựng các Nghị quyết chuyên đề; trên cơ sở hệ thống các giải pháp, nhiệm vụ mà báo cáo chính trị Ðại hội Ðảng bộ Tập đoàn đã chỉ rõ; đồng thời cập nhật kịp thời các yêu cầu đặt ra trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cụ thể. Ðây là tiền đề quan trọng để VNPT nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đột phá về năng lực cạnh tranh; hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị ...

Việc thực hiện nghiêm Quy định 69-QÐ/TW, quy chế làm việc, mối quan hệ công tác, tiến hành hợp nhất các cơ quan tham mưu giúp việc của đảng ủy với cơ quan chuyên môn trong các đảng bộ trực thuộc Ðảng bộ Khối doanh nghiệp trung ương, đã giúp tinh gọn đầu mối, giảm cán bộ lãnh đạo, khâu trung gian, bước đầu nâng cao chất lượng tham mưu, bảo đảm vai trò lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Ðảng tại DNNN. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của tổ chức đảng trong DNNN; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, cấp ủy, cán bộ, đảng viên cũng như chất lượng, hiệu quả hoạt động DN.

Xây dựng đội ngũ ngang tầm nhiệm vụ

Ðột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được Ðảng ta tiếp tục khẳng định tại văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng. Tại Ðảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, đột phá này được các cấp ủy triển khai quyết liệt, đồng bộ nhằm tạo dựng một đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đặc biệt là người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc Khối.

Theo đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, từ những bài học sâu sắc về cán bộ trong DNNN, nhiệm kỳ qua, Ðảng ủy Khối đã hoàn thiện, bổ sung các quy định về công tác cán bộ, về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ trong DN, ngân hàng, đơn vị; thực hiện nghiêm quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ… Mỗi cấp ủy đơn vị có cách làm sáng tạo, phù hợp chức năng, nhiệm vụ chính trị cụ thể. Ðáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả DNNN theo quan điểm của Nghị quyết số 12-NQ/TW
(khóa XII), đặt ra những nhiệm vụ mới trong giai đoạn tiếp theo nhằm xây dựng cho được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, năng lực nổi trội, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, uy tín cao.

Tại Ðảng bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), công tác cán bộ được đổi mới từ khâu tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đến cơ chế lương, thưởng… Ðồng chí Phạm Ðức Ấn, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, Ðảng ủy, Ban lãnh đạo chỉ đạo triển khai xây dựng hệ thống quy chế, quy định, quy trình liên quan đến công tác cán bộ đầy đủ, chặt chẽ và khoa học; xây dựng cơ chế tiền lương, thu nhập gắn với vị trí, năng lực, hiệu quả và đóng góp của người lao động; đánh giá lại nguồn nhân lực, thực hiện tốt công tác tuyển dụng để thu hút nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao; quan tâm phát hiện cán bộ trẻ, luân chuyển cán bộ giữa trụ sở chính và chi nhánh, điều động, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo giữa các chi nhánh; sẵn sàng miễn nhiệm, cách chức đối với cán bộ không phát huy chức trách, nhiệm vụ được giao… Ðể tiếp tục xây dựng Agribank hiện đại và hội nhập, Ðảng ủy, Ban lãnh đạo tập trung hướng đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với mô hình ngân hàng số; chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần, quản trị điều hành và hoạt động theo thông lệ quốc tế, Agribank tiếp tục đặt trọng tâm vào công tác cán bộ; phát huy tính tiên phong, gương mẫu đi đầu của cán bộ đảng viên, người đứng đầu, song hành thực hiện nghiêm túc nội quy lao động, văn hóa Agribank, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng…

Một trong những nhiệm vụ chính trị của Ðảng bộ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là "nâng cao năng lực đội ngũ, thu hút nhân tài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, sáng tạo, phát triển kinh doanh". Bước vào giai đoạn mới, Bưu điện Việt Nam đặt quyết tâm khẳng định vị thế dẫn đầu tại thị trường bưu chính Việt Nam, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong cộng đồng các DN bưu chính quốc tế, vươn lên tốp đầu các DN bưu chính khu vực châu Á. Một điều kiện tiên quyết để hoàn thành mục tiêu là phải chuẩn bị tốt các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực để chủ động tham gia vào công cuộc chuyển đổi chung của cả đất nước. Ðảng ủy Tổng Công ty tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ để các giải pháp đào tạo phát huy tối đa hiệu quả, góp phần phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản trị hiện đại…

Mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đặc biệt là người đứng đầu các DN thuộc Khối, Ðảng ủy Khối phối hợp Ban Kinh tế Trung ương và các ban, bộ, ngành hữu quan xây dựng và tổ chức thực hiện Ðề án "Ðào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý DNNN", xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị DNNN phù hợp thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, với phương châm cán bộ giỏi chuyên môn, nắm chắc các quan điểm, nhiệm vụ và nguyên tắc của Ðảng, thành thạo vận dụng nghiệp vụ công tác đảng.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Ðại hội Ðảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định năm nhiệm vụ trọng tâm, bốn đột phá phát triển. Trong đó, quan tâm trọng dụng nhân tài, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực quản trị, đội ngũ trí thức và nguồn cán bộ chủ chốt. Ðó là yếu tố tiên quyết góp phần hiện thực hóa các mục tiêu nhiệm kỳ, quyết tâm củng cố vị trí, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, xây dựng và phát triển bền vững các DNNN ngày càng đáp ứng yêu cầu hội nhập, tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Lê Vy

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/phat-huy-vai-tro-vi-tri-to-chuc-dang-trong-doanh-nghiep-nha-nuoc-638278/