Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện: Tạo 'giá đỡ' cho lao động tự do

Để người lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) có lương hưu khi về già, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong bối cảnh hàng triệu lao động bị ảnh hưởng về việc làm do tác động của dịch Covid-19, chính sách này càng thể hiện rõ tính ưu việt, tạo 'giá đỡ' an sinh hữu hiệu cho lao động tự do.

Cán bộ, nhân viên Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội và Bưu điện thành phố Hà Nội ra quân tuyên truyền về tính ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm).

Số người tham gia tăng nhanh

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn, tạo điều kiện cho người làm nông nghiệp hoặc làm các công việc tự do có lương hưu, thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe, duy trì cuộc sống ổn định khi hết tuổi lao động.

Nhằm đưa chính sách vào đời sống, ngành Bảo hiểm xã hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng chủ động tuyên truyền về tính ưu việt của bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng nhiều hình thức, giải pháp. Đặc biệt, ngành Bảo hiểm xã hội đã phát triển được gần 12.000 đại lý thu ở cơ sở và gần 38.000 điểm thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Các nhân viên của đại lý thu đã đến từng nhà để vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. “Những năm gần đây, hơn 90% số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là do các đại lý thu khai thác”, Phó Trưởng ban Thu - Sổ, Thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Đinh Duy Hùng thông tin.

Thấy rõ tính ưu việt, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngày càng tăng. Nếu như năm 2018, cả nước mới có hơn 277.000 người tham gia, thì đến cuối năm 2020, con số này đã đạt mức hơn 1,128 triệu người (tăng gấp 4 lần). Từ đầu năm 2021 đến nay, dù nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nhưng số người tham gia vẫn duy trì đà tăng. Hiện, cả nước có hơn 1,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 361.000 người so với cùng kỳ năm trước (tăng gần 43%).

Anh Phạm Bá Hưng (xã Đông Quang, huyện Ba Vì) chia sẻ: “Tôi mong muốn có một khoản để dành khi về già, nên đã lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vào đầu tháng 10 vừa qua, với mức đóng hơn 500.000 đồng/tháng. Số tiền này không lớn, chỉ cần tiết kiệm chi tiêu, nhiều người có thể tham gia”.

Nhân viên Bưu điện thành phố Hà Nội (bên trái) tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho lao động tự do tại huyện Thạch Thất.

Đưa chính sách vào đời sống

Dù đạt những kết quả khả quan, song số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn ít so với thực tế. Cả nước hiện có hơn 50 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng mới có hơn 13 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đồng nghĩa tiềm năng của bảo hiểm xã hội tự nguyện là rất lớn. Chưa kể, thời gian gần đây, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã khiến hơn 28 triệu người lao động bị ảnh hưởng về việc làm, trong đó nhiều người đề nghị rút bảo hiểm xã hội một lần hoặc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Với những trường hợp này, họ không còn quan hệ lao động và tạm thời rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, trở thành lao động tự do.

Trước thực tế trên, các cơ quan chức năng vừa tập trung phát triển những lao động tự do chưa từng tham gia bảo hiểm xã hội tiếp cận với chính sách, vừa thu hút lực lượng lao động bị mất việc ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội bằng cách tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật, đơn vị vừa phối hợp với Bưu điện Hà Nội ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu hút thêm hàng trăm trường hợp đăng ký tham gia, nâng tổng số người dân Thủ đô tham gia chính sách này lên hơn 50.000 người. Những tháng cuối năm, Hà Nội phấn đấu bình quân mỗi xã, phường, thị trấn phát triển thêm 60 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, để đạt mục tiêu có hơn 85.000 người tham gia vào cuối năm 2021.

Góp phần thực hiện mục tiêu trên, Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Ba Đình Nguyễn Công Định thông tin: “Chúng tôi phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có lao động thất nghiệp trên địa bàn tuyên truyền để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, giúp họ không bị gián đoạn thời gian thụ hưởng chính sách”.

Là “cánh tay nối dài” của ngành Bảo hiểm xã hội, theo Phó Giám đốc Bưu điện thành phố Hà Nội Bùi Văn Hoàng, đơn vị đã tổ chức tập huấn về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình đến 3.600 cán bộ, nhân viên đại lý thu. Từ kiến thức được trang bị, chị Lê Thị Thanh Hiền, nhân viên đại lý thu bảo hiểm xã hội tại xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) chia sẻ: “Chúng tôi có thể tư vấn đầy đủ các nội dung liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân”. Sau khi tìm hiểu rõ về chính sách, chị Nguyễn Thị Hằng, là lao động bị mất việc làm tại một cơ sở may mặc tại xã Sơn Đông, đang tính toán để có khoản tài chính tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Liên quan đến nỗ lực đưa chính sách an sinh này đến với người lao động, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, ngành Bảo hiểm xã hội đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia chính sách, nhằm thu hút người dân tham gia, góp phần tạo giá đỡ an sinh xã hội cho người dân khi về già, nhất là những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Phấn đấu số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng lên hơn 1,7 triệu người vào cuối năm 2021, khoảng 3,6 triệu người vào cuối năm 2025 và khoảng 8,9 triệu người vào năm 2030.

Vũ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1015867/phat-trien-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-tao-gia-do-cho-lao-dong-tu-do