Phát triển cây ăn quả: 'Trông người mà ngẫm đến ta'

Cùng chung miền Tây Bắc với tỉnh Lào Cai, tỉnh Sơn La không được thiên nhiên ban tặng, ưu ái những điều tuyệt vời để người dân địa phương mang ra 'khoe' với bè bạn, bởi ở đó là bạt ngàn núi đá, mùa đông lạnh giá, mùa hè nóng nực, có những mùa gió Tây Nam (dân gian gọi là gió Lào) thổi bạc lá rừng.

Là tỉnh biên giới nhưng Sơn La không có những cửa khẩu nhộn nhịp hàng hóa xuất - nhập khẩu. Cách Hà Nội hơn 300 km, địa phương này cũng không có đường cao tốc hay đường sắt để tạo sự thuận lợi cho phát triển kinh tế, dân sinh. Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La cũng tương tự nhiều tỉnh trong khu vực với đặc thù là nhiều khó khăn. Vậy nhưng trong vài năm qua, Sơn La đã vươn mình trở thành điểm sáng, là “vương quốc” cây ăn quả của khu vực Tây Bắc nói riêng và miền Bắc nói chung. Năm 2019, xoài và một số hoa quả của tỉnh này chính thức được phân phối tại thị trường khó tính là nước Mỹ. Ngoài thế mạnh quả bơ, Sơn La cũng vươn lên đứng đầu miền Bắc (vượt qua Hưng Yên, Bắc Giang) về diện tích nhãn hàng hóa.

Nhiều cây nhãn cổ ở Bảo Thắng dù sai nhưng quả nhỏ, cùi mỏng nên giá trị kinh tế thấp.

Nhiều cây nhãn cổ ở Bảo Thắng dù sai nhưng quả nhỏ, cùi mỏng nên giá trị kinh tế thấp.

Gần đây, nhiều tỉnh, thành phố và các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành đã tới Sơn La để học tập kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn và điều mà những đoàn công tác nhận ra sau khi tới đây nằm trong 2 từ: Chính sách!

Trên cơ sở hướng đi đúng, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích sản xuất và gây dựng, tiếp cận thị trường cho sản phẩm. Điểm nổi bật là tỉnh rất hạn chế dùng ngân sách đầu tư mà chủ yếu huy động từ nguồn lực xã hội. Chính sách thông thoáng, các rào cản được hạn chế và dỡ bỏ, phương châm là lấy thực tế kết quả phát triển để đánh giá tầm chính sách. Ví như: Ở nhiều nơi loay hoay việc “chặt - trồng”, “trồng - chặt - thay thế” mà vẫn không tìm ra cây nào là đặc thù, thế mạnh về cây bóng mát đường phố thì Sơn La có tư duy hoàn toàn khác. Việc quy hoạch, quy định khá cởi mở, trong đó ưu tiên, khuyến khích việc trồng cây ăn quả nhằm tạo cây trồng đa mục đích, cây xanh đường phố vừa có bóng mát, phát huy giá trị kinh tế nhưng vẫn đảm bảo mỹ quan, sự sinh động và đa dạng sinh học. Nhờ đó, hầu hết các đô thị ở Sơn La có đặc trưng nổi bật là những tuyến phố cây xanh rì rào và trĩu trịt những bơ, lúc lỉu những xoài, chín vàng mọng những sấu. Tỉnh Sơn La giờ đây có những vùng sản xuất cây ăn quả tập trung nguyên nghĩa trên nhiều cấp độ như cấp nông trại, cấp xã, cấp huyện, cấp tiểu vùng.

Trở lại với Lào Cai, có lẽ hiếm tỉnh nào trong khu vực mà ngành cây ăn quả lại nhận được nguồn lực đầu tư lớn như vậy. Ở hầu khắp các huyện, thành phố và trong thời điểm nào cũng có những dự án, kế hoạch phát triển cây ăn quả với những mục tiêu rõ nét, sự hỗ trợ phát triển cụ thể. Tuy nhiên, “bức tranh” tổng thể ngành cây ăn quả của Lào Cai hiện nay còn có nhiều điểm khiêm tốn so với tiềm tăng, lợi thế sẵn có. Về vùng sản xuất tập trung, ngoài cây mận Tam hoa (Bắc Hà) già cỗi sau khoảng 40 năm có mặt, vùng nhãn cổ rải rác ở huyện Bảo Thắng (hiện đang trong giai đoạn lai ghép, cải tạo) thì những cây ăn quả ôn đới có nhiều kỳ vọng phát triển như đào Pháp, Ki-wi, nho châu Âu, dâu tây, phúc bồn tử, sơ-ri… đến nay vẫn dường như mới dừng lại ở góc độ nghiên cứu, thực nghiệm, xây dựng mô hình.
Mấy năm gần đây, một số xã vùng cao đưa cây lê Tai nung vào sản xuất đại trà nhưng ngoài những nơi không thành công (dù định mức đầu tư lớn) như thành phố Lào Cai thì sản phẩm của cây trồng này đang thua xa so với sản phẩm cùng loại đang có trên thị trường.

Tương tự, hãy thử so sánh về mẫu mã và độ ngon, ngọt của quả quýt Mường Khương với sản phẩm khác trên thị trường thì sự khác biệt là rất rõ ràng và bất lợi luôn nghiêng về người trồng quýt địa phương. Hàng tỷ đồng từ ngân sách cho việc gây dựng vùng cam V2 (thực chất là giống cam mua từ huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) tại huyện Bảo Thắng đến nay cũng đang có những kết quả không được như mong đợi. Đó là tình trạng sâu bệnh không có biện pháp giải quyết triệt để, năng suất, phẩm cấp, nhất là mẫu mã, hàm lượng đường, nước trong quả cam đều thấp.

Điều trớ trêu của ngành cây ăn quả là phàm những cây được lập dự án quy củ, được đầu tư, hỗ trợ phát triển thì kết quả lại rất “khiêm tốn”, những cây ăn quả tự phát thì mức độ thành công lại rất cao. Điển hình đáng kể ra đây là cây chuối mô, cây dứa cay-en được nhân rộng từ huyện Mường Khương, đến nay là Bát Xát, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai, đây là giống cây trồng do người dân tự mua giống và học tập kỹ thuật sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Cần phải nói rõ thêm rằng, dù mang lại giá trị kinh tế cao, khi diện tích mở rộng hàng nghìn ha nhưng 2 cây trồng này vẫn chưa được đưa vào diện quy hoạch khuyến khích phát triển mở rộng vùng. Hoặc cây quýt ngọt tại Mường Khương ban đầu cũng do người dân tự phát mua giống, xây dựng mô hình trước khi được lập quy hoạch nhân rộng.

Khi cây lương thực đã tiệm cận độ bão hòa về việc chuyển đổi cơ cấu giống, bão hòa về năng suất, sản lượng thì phát triển cây ăn quả là hướng cần thiết để cải thiện giá trị kinh tế ngành trồng trọt nói riêng và mức tăng trưởng ngành nông nghiệp nói chung. Thống kê của ngành chuyên môn thì Lào Cai hiện có gần 10 nghìn ha cây ăn quả. Đó là con số lớn nhưng nhiều diện tích rải rác, quy mô lẻ tẻ, địa phương đang thiếu vùng sản xuất tập trung theo đúng nghĩa. Điều đặc biệt là thiếu vắng những loại hoa quả có thương hiệu, nhãn hiệu mạnh cả về chất lượng, giá trị và sản lượng, sản phẩm danh tiếng, nhất là sản phẩm cây ăn quả ôn đới đặc thù vốn là niềm tự hào trong nhiều năm qua. Như một chuyên gia của ngành chuyên môn từng nói tại hội nghị chuyên đề mới đây: “Phát triển cây ăn quả, chúng ta không cần học đâu xa, cứ tư duy, làm theo cách của Sơn La sẽ cầm chắc thắng lợi. Vấn đề là chúng ta có mạnh dạn để trao đổi và làm theo hay không mà thôi”.

Cao Cường

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/phat-trien-cay-an-qua-trong-nguoi-ma-ngam-den-ta-z3n20190918141921639.htm