Phát triển đô thị phải có chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu

Đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam cũng như Đồng Nai. Tuy nhiên, các đô thị Việt Nam đang đối mặt nhiều vấn đề nghiêm trọng do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra như: ngập lụt, sụt lún… ngày càng hiển hiện rõ nét.

Đô thị Nhơn Trạch trong tương lai, khu vực cần có chính sách để phát triển đô thị mới bền vững thích ứng tốt hơn với môi trường. Ảnh: Văn Gia

Đô thị Nhơn Trạch trong tương lai, khu vực cần có chính sách để phát triển đô thị mới bền vững thích ứng tốt hơn với môi trường. Ảnh: Văn Gia

Theo các chuyên gia, để phát triển đô thị bền vững cần phải xây dựng chiến lược, giải pháp để ứng phó với những vấn đề biến đổi khí hậu và các tác động bất lợi khác trong quá trình đô thị hóa.

Đô thị đang chịu nhiều tác động

TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước, nhiều công trình nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng TP.HCM thuộc một trong những thành phố “chìm” nhanh nhất thế giới. Tạp chí khoa học Nature Sustainability vào tháng 9-2022 đăng tải nghiên cứu của bà Cheryl Tay (nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Môi trường châu Á thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore) là tác giả chính, đã đưa TP.HCM vào nhóm các thành phố sụt lún nhanh nhất trên toàn cầu. Số liệu của nhóm nghiên cứu cho thấy TP.Jakarta của Indonesia đang lún xuống 4,4 mm/năm trong khi TP.HCM có tốc độ sụt lún gấp tới 4 lần, đến 16,2 mm/năm.

Theo Bộ Xây dựng, tính đến tháng 10-2023, toàn quốc có 902 đô thị, trong đó có hai đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt hơn 42,6%. Hạn chế hiện nay là chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp.

Trên bình diện rộng hơn, nhiều chuyên gia tin rằng hiện tượng ngập hay sạt lở có nguyên nhân sâu hơn là do sụt lún mặt đất. Đây không chỉ là vấn đề của riêng TP.HCM, các thành phố lớn mà diễn ra ở nhiều địa phương khác ở Nam bộ. Ngập lụt, thủy triều cũng đã và đang tác động đến đô thị của Đồng Nai. Thực tế hiện nay, trên địa bàn có nhiều điểm ngập nặng ở TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch. Ngoài các khu dân cư thì cũng xảy ra tình trạng tương tự trên các tuyến đường liên tỉnh và quốc lộ…

Ở góc độ chuyên gia đô thị, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, các thành phố mới ở Việt Nam càng ngày càng ngập nhiều là do phát triển đô thị thiếu bền vững, thiếu quy hoạch không gian dành cho nước. Thói quen phát triển thiếu bền vững kéo dài từ nhiều thập niên muốn điều chỉnh cái này thì cần cơ cấu lại tổ chức quản lý đô thị cũng như cơ cấu lại cách thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc ưu tiên xây dựng đô thị mới trên vùng đất cao và cải tạo đô thị hiện hữu ở vùng thấp là việc cần phải làm ngay. Xây dựng đô thị trên nền cao giúp cho đời sống người dân hiện tại và tương lai tránh được những hệ quả mà các đô thị đã và đang mắc phải. Riêng các đô thị hiện hữu, vùng thấp cần giảm mật độ xây dựng, bố trí nhiều cảnh quan, diện tích mặt nước, công viên cây xanh hơn. Điều này, những khu vực như Thủ Thiêm hay các khu vực gần sông của Đồng Nai là Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch cần phải tính toán tới. Muốn có quy hoạch đô thị tốt thì cần có chiến lược rõ ràng. Đồng thời, các đô thị cũng phải kết nối, hợp tác với nhau trong việc giải quyết những vấn đề chung.

Phải có giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu

Mặc dù Đồng Nai chưa thuộc các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu song theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, tác động của nó cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, Đồng Nai luôn chú trọng triển khai thực hiện phát triển mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Xét trong khu vực, Đồng Nai và những địa phương lân cận trên lưu vực sông Đồng Nai có những mối liên hệ chung. Sông Đồng Nai là một trong những lưu vực lớn của cả nước, có nguồn nước phong phú, đang phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ đang phải đối diện với nhiều thách thức liên quan đến môi trường, tài nguyên nước. Hiện Dự thảo Quy hoạch lưu vực sông Đồng Nai đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, đảm bảo phân bổ nguồn nước hợp lý và hài hòa lợi ích giữa các địa phương, tiểu vùng, nhất là tiểu vùng hạ lưu sông Đồng Nai. Đồng thời khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Dự thảo báo cáo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy Đồng Nai định hướng sẽ phát triển 17 đô thị vào năm 2030, tăng thêm 6 đô thị so với thời điểm hiện tại. Một trong những vấn đề quan tâm hiện nay của Đồng Nai đối với phát triển đô thị, đặc biệt đô thị khu vực ven sông là cần phải chủ động có giải pháp ứng phó vấn đề sụt lún và ngập lụt, nước biển dâng trong tương lai.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, các đô thị lớn của Đồng Nai như: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch cần có giải pháp phát triển phù hợp, trong đó hướng tới hình thành các đô thị xanh để phát triển bền vững. Bí thư Tỉnh ủy cho hay, các chuyên gia đô thị, KTS cũng đã có những đóng góp rất có ý nghĩa cho địa phương. Lấy ví dụ về việc phát triển đô thị mới Nhơn Trạch, giáp với TP.HCM, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, đây là khu vực mới, nhiều tiềm năng song cũng có nguy cơ ngập và sụt lún cao trong tương lai. Do đó, về lâu dài cần phải nghiên cứu những mô hình đi trước, tham vấn chuyên môn từ các chuyên gia uy tín để có hướng phát triển đúng, hạn chế thấp nhất các tác động bất lợi nếu không thế hệ tương lai sẽ phải mất rất nhiều năm để giải quyết.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202311/phat-trien-do-thi-phai-co-chien-luoc-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-c7e3055/