Phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái

'Phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái' là chủ đề diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp do Trung tâm khuyến nông quốc gia tổ chức ngày 7/7 tại Lai Châu.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu tại diễn đàn khẳng định, sâm Lai Châu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm, có thành phần sapolin phong phú, với 22 loại hoạt chất quý hiếm và tất cả các sản phẩm từ cây đều có thể làm thuốc.

Đến nay, địa phương đã thu hút được gần 30 doanh nghiệp vào đầu tư, đang bảo tồn khoảng 1.200 cây sâm mẹ, phát triển trồng khoảng 20ha và hiện còn khoảng 3.000 ha phù hợp để trồng sâm.

Diễn đàn có gần 200 đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, hộ trồng sâm tham gia

Diễn đàn có gần 200 đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, hộ trồng sâm tham gia

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội sâm Lai Châu cho biết: Diện tích phù hợp trồng sâm ở Lai Châu có độ cao trên 1.200m. Nơi đây tập trung các bản làng người La Hủ, Mông, Hà Nhì... với sắc màu văn hóa đặc trưng. Việc phát triển sâm gắn với du lịch không chỉ quảng bá được văn hóa, sâm Lai Châu mà còn nâng cao được giá trị của sâm.

“Mỗi một dân tộc có một bản sắc riêng, bản sắc đó được bà con gìn giữ và duy trì hàng năm thì rất tốt. Tốt rồi thì phải tốt nữa, qua cây sâm này, người nào có nhu cầu thích trải nghiệm thì lên vườn khám phá rồi về cùng thưởng thức văn hóa của bà con tại địa phương. Qua cây sâm mà kết hợp với du lịch thì sẽ đưa được các nét văn hóa dân tộc địa phương đi khắp cả nước”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Các sản phẩm chế biến từ sâm Lai Châu trưng bày tại diễn đàn

Các sản phẩm chế biến từ sâm Lai Châu trưng bày tại diễn đàn

Theo ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu, địa phương đã ban hành nghị quyết phát triển dược liệu gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc và phát triển du lịch. Ngoài các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng đang khai thác như Sin Suối Hồ, Lao Chải, Nà Luồng... tỉnh đang huy động các nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh gắn với dược liệu, nông nghiệp.

“Bảo tồn và phát triển sâm Lai Châu như các nhà khoa học cũng đã khẳng định đó là một giá trị văn hóa. Việc bảo tồn này nó phải được gắn với chuỗi giá trị cùng với phát triển kinh tế. Việc phát triển sâm gắn với phát triển du lịch và du lịch sinh thái là một mục tiêu cũng như định hướng của tỉnh trong thời gian tới. Hiện nay một số địa phương trên địa bàn có điều kiện, lợi thế về vùng khí hậu cũng đang quan tâm cho phát triển du lịch sinh thái gắn với vùng trồng sâm”, ông Trần Mạnh Hùng cho hay.

Đại biểu tìm hiểu các sản phẩm sâm cũng như mô hình trồng sâm tại gian hàng OCOP tại diễn đàn

Đại biểu tìm hiểu các sản phẩm sâm cũng như mô hình trồng sâm tại gian hàng OCOP tại diễn đàn

Phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật trong nước là hướng đi đang được nhiều bộ, ngành, địa phương quan tâm. Ngoài giá trị điều trị bệnh, các loại dược liệu còn được sản xuất thành thực phẩm dinh dưỡng, đồ uống, hóa mỹ phẩm... Tại diễn đàn, đại diện các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chỉ ra tiềm năng, thế mạnh phát triển dược liệu tại các tỉnh miền núi, trong đó có Lai Châu.

Đến nay Lai Châu đã phát triển được khoảng 20ha sâm bản địa và tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động người địa phương

Đến nay Lai Châu đã phát triển được khoảng 20ha sâm bản địa và tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động người địa phương

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Phát triển dược liệu đang là thế mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao tại nhiều tỉnh miền núi, trong đó có Lai Châu. Tuy nhiên, các địa phương, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đầu ra, nâng cao giá trị thương hiệu, giá bán. Việc này đòi hỏi cần đổi mới sáng tạo để phát triển chuỗi giá trị dược liệu gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng.

“Nếu như chúng ta chỉ khai thác dược liệu ở khía cạnh nó là một loại sản phẩm thì chưa hết được giá trị của nó. Vì cây dược liệu thường gắn với chỉ dẫn địa lý, gắn đến những vùng sinh thái đặc biệt, gắn đến văn hóa, gắn đến truyền thống, gắn đến sự phát triển của một cộng đồng nào đó. Chính vì vậy chúng tôi mới đặt ra vấn đề là chúng ta phải khai thác dược liệu với góc độ đa giá trị và dư địa cho một cây dược liệu cũng chính là dư địa cho phát triển du lịch”, ông Lê Quốc Thanh chia sẻ.

Phát triển sâm gắn với chuỗi giá trị liên kết và phát triển du lịch là hướng đi ở Lai Châu hiện nay

Phát triển sâm gắn với chuỗi giá trị liên kết và phát triển du lịch là hướng đi ở Lai Châu hiện nay

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu từ nay đến năm 2030 là bảo tồn nguồn gen sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cho hệ sinh thái rừng. Phấn đấu diện tích trồng sâm Việt Nam đạt khoảng 31.000 ha vào năm 2030 và 100% diện tích sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.

Đến năm 2045, sâm Việt Nam phấn đấu trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương. Để đạt được mục tiêu này, việc nâng cao chuỗi giá trị trong phát triển, quảng bá sâm là cần thiết và đang được các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/phat-trien-duoc-lieu-theo-chuoi-gia-tri-gan-voi-du-lich-sinh-thai-post1031271.vov