Phát triển nông nghiệp đô thị bền vững: Giải pháp nào cho Việt Nam?

Phát triển nông nghiệp đô thị (NNĐT) được đánh giá là hướng đi đúng đắn để giải quyết các bất cập trong tiến trình đô thị hóa, hướng tới xây dựng đô thị sinh thái bền vững. Tuy nhiên, trong rất nhiều phương án, đâu mới là giải pháp phù hợp cho đô thị Việt Nam?

Liên quan đến nội dung này, trong phần trình bày tham luận tại Hội thảo “Nông nghiệp đô thị - lợi ích kép cho người dân đô thị” do Báo Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp Công ty CP Phân bón Bình Điền, chiều ngày 6/6, tại TP Hồ Chí Minh, GS.TS Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Công ty CP Phân bón Bình Điền đã chỉ ra những giải pháp phù hợp nhất cho phát triển NNĐT Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Công ty CP Phân bón Bình Điền trình bày tham luận tại Hội thảo "Nông nghiệp đô thị - lợi ích kép cho người dân đô thị”

GS.TS Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Công ty CP Phân bón Bình Điền trình bày tham luận tại Hội thảo "Nông nghiệp đô thị - lợi ích kép cho người dân đô thị”

GS.TS Nguyễn Văn Bộ cho biết, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã chỉ rõ, công tác quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, chính vì vậy, không gian cho phát triển NNĐT cũng bị ảnh hưởng. Do vậy quy hoạch đô thị cần lồng ghép với phát triển NNĐT, có tính đến đặc thù của vùng nội đô và ven đô, đến sản phẩm đặc sản, đặc hữu, bản địa và yêu cầu của thị trường.

“Với điều kiện quỹ đất hạn hẹp thì để phát triển NNĐT bền vững, việc ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn, kinh tế số trong chuỗi sản xuất là yếu tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tiết kiệm chi phí, đồng thời giảm chất thải, phát thải” - GS.TS Nguyễn Văn Bộ nói.

Tại khu vực nội đô, do chủ yếu phát triển các mô hình sản xuất phi chính quy, tận dụng không gian hạn hẹp của hộ gia đình như xung quanh nhà, ban công, sân thượng, hay tại ban công của chung cư nên sản xuất chủ yếu mang tính tự cấp, tự túc. Các đối tượng sản xuất cũng chủ yếu là rau (kể cả rau gia vị), cây ăn quả tầm thấp (chanh, khế, ổi…), hoa, cây cảnh. Trước và trong nhà, tùy điều kiện mà nuôi chim cảnh, cá cảnh, thú cảnh… Ngoài đường, công viên, chủ yếu phát triển cây xanh, hoa. Do vậy, công nghệ cần mang tính đặc thù cao, yêu cầu phù hợp mọi không gian, diện tích. Công nghệ sản xuất cần gắn với xử lý chất thải, bao gồm cả chất thải, nước thải sinh hoạt.

Còn tại khu vực ven đô, do có không gian rộng lớn hơn, nên ưu tiên phát triển mô hình nông nghiệp chính quy như trang trại, gia trại, vùng sản xuất chuyên canh gắn với sơ chế, đóng gói, bảo quản và thương mại.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Bộ, các địa phương nên tham khảo chính sách hỗ trợ phát triển NNĐT của TP Hồ Chí Minh để có chính sách phù hợp cho địa phương mình. Hiện tại, TP Hồ Chí Minh cho mỗi dự án vay tối đa 200 tỷ đồng, mức hỗ trợ lãi súat từ ngân sách có thể ở mức 60, 80 và 100% với thời gian hỗ trợ không quá 5 năm.

Toàn cảnh Hội thảo “Nông nghiệp đô thị - lợi ích kép cho người dân đô thị” tại TP Hồ Chí Minh, chiều ngày 6/6

Toàn cảnh Hội thảo “Nông nghiệp đô thị - lợi ích kép cho người dân đô thị” tại TP Hồ Chí Minh, chiều ngày 6/6

Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các trung tâm giống và vật tư nông nghiệp phù hợp cho mỗi kiểu mô hình NNĐT như cây giống, con giống, giá thể, phân bón, thuốc BVTV chuyên dùng, công cụ tưới tiết kiệm, vật tư bảo quản, bao gói... Các mô hình nhà màng, nhà lưới cũng cần nghiên cứu và thiết kế cho phù hợp đối tượng và quy mô sản xuất.

Ngoài ra, hỗ trợ phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong nội đô và chợ phiên tại vùng ven đô.

Đặc biệt, GS.TS Nguyễn Văn Bộ lưu ý, do phát triển đô thị quá nóng, thiếu quy hoạch nên vấn đề môi trường luôn trong tình trạng quá tải. Do vậy, cần ưu tiên tập trung cho công tác bảo vệ môi trường.

Cụ thể, xử lý chất thải và nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; chế biến theo hướng hạn chế pha loãng chất thải. Hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng quá tải của công nghệ biogas khi xử lý chất thải chăn nuôi lợn thịt.

Áp dụng cơ chế bù trừ tín chỉ các bon, cơ chế môi trường theo nguyên tắc người/tổ chức phát sinh ra chất thải (kể cả rác, nước thải sinh hoạt) và khí thải (bao gồm cả khí nhà kính) phải trả tiền.

Đẩy nhanh việc di dời có trật tự các cơ sở sản xuất chế biến, khu vực giết mổ gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội đô các đô thị lớn. Xem xét việc chấm dứt hung táng trong khu vực đô thị tiến tới di dời ra các khu nghĩa trang tập trung xa đô thị.

“Đô thị hóa là xu thế tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, đầu tư cho phát triển NNĐT chính là đầu tư cho 4 mục tiêu tốt hơn là: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và sức khỏe tốt hơn. Hay nói cách khác là NNĐT mang lại đa lợi ích cho quốc gia, cho mỗi đô thị và cho mỗi cư dân của các đô thị đó” - GS.TS Nguyễn Văn Bộ nhấn mạnh.

Phát triển nông nghiệp đô thị - sinh thái kết hợp du lịch

“Hiện nay, phát triển nông nghiệp nói chung và NNĐT nói riêng gắn với du lịch là xu thế toàn cầu, nhất là tại các quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa vật thể và phi vật thể với đa dạng sản phẩm địa phương OCOP như Việt Nam. Tại các điểm du lịch, ngoài việc giới thiệu về di tích, thắng cảnh, du khách còn có dịp thưởng thức cũng như mua sắm sản phẩm đặc sản” - GS.TS Nguyễn Văn Bộ

Tiểu Thúy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-nong-nghiep-do-thi-ben-vung-giai-phap-nao-choviet-nam.html