Phát triển nông nghiệp đô thị: Cần 'cú hích' mang tính đột phá

Trong bối cảnh phát triển đô thị diễn ra nhanh chóng, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, thành phố Đông Hà xác định việc đẩy mạnh thực hiện phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố đến năm 2025 nhằm tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị là hướng đi tất yếu, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế của thành phố.

 Trồng rau mang lại thu nhập cao cho nông dân phường Đông Thanh, Đông Hà - Ảnh: T.T

Trồng rau mang lại thu nhập cao cho nông dân phường Đông Thanh, Đông Hà - Ảnh: T.T

Khẳng định hiệu quả phát triển nông nghiệp đô thị

Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 03-KL/ TU ngày 22/7/2016 của Thành ủy “Về định hướng phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Đông Hà giai đoạn 2016 - 2020” và Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 9/8/2016 của HĐND thành phố về việc thông qua Đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố đến năm 2020, lĩnh vực nông nghiệp đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Với diện tích canh tác lúa còn khoảng hơn 1.000 ha, thành phố đã hỗ trợ xây dựng mô hình cánh đồng lớn, mô hình lúa hữu cơ, lúa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đem lại hiệu quả khá cao, lợi nhuận tăng 15 - 20%. Toàn thành phố hiện có khoảng 170 ha diện tích trồng rau, cây thực phẩm các loại, trong đó 5 ha vùng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP ở Hợp tác xã Đông Thanh. Ngoài ra, tại phường Đông Thanh đã xây dựng mô hình trồng rau trong nhà lưới với diện tích 500 m2 cho giá trị thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/500 m2 /năm, có khả năng nhân rộng trong thời gian tới. Thành phố cũng đã xây dựng quy hoạch chi tiết và đầu tư hoàn thành mặt bằng đưa vào sản xuất 2 ha, bước đầu xây dựng được 9 nhà màng trồng hoa. Qua thực tế sản xuất cho thấy doanh thu trồng hoa hằng năm đạt từ 3,5 - 4,5 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 2 tỉ đồng/năm.

Diện tích nuôi thủy sản hằng năm từ 120 - 125 ha, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ từ 60 - 65 ha; sản lượng nuôi tôm đạt từ 230 - 250 tấn, doanh thu đạt từ 30 - 35 tỉ đồng, giá trị thu nhập bình quân nuôi tôm đạt từ 500 - 600 triệu đồng/ha. Đã thực hiện chuyển đổi 8,4 ha đất trồng lúa qua nuôi tôm nước lợ; triển khai xây dựng 3 mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn đem lại hiệu quả bước đầu.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, mô hình nuôi lợn theo hướng công nghiệp ở vùng Khe Lấp, Phường 3 với quy mô 4.000 con/năm đã phát huy hiệu quả. Ngoài ra, các mô hình nuôi gà thả vườn (quy mô từ 100 - 300 con/hộ), gắn với cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, cây dược liệu, ươm giống cây lâm nghiệp được chú trọng đầu tư.

Việc triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã đem lại kết quả tích cực, góp phần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng sạch, an toàn, hữu cơ.

Cần những giải pháp mang tính đột phá

Quy hoạch vùng sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất là hai vấn đề cần ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Đông Hà từ nay đến năm 2025. Hạn chế lớn nhất hiện nay trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố là ruộng đất còn manh mún, phân tán, chưa được quy hoạch và đầu tư hoàn chỉnh, quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu là nông hộ. Đất trồng lúa của nông dân giảm dần do quá trình phát triển đô thị. Do đó, trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất cần xem xét giữ lại quỹ đất nông nghiệp màu mỡ để sản xuất rau, hoa; quỹ đất nông nghiệp có lợi thế để phát triển thủy sản; quỹ đất trồng lúa có khả năng chuyển đổi sang các loại cây trồng, con nuôi, thủy sản có hiệu quả cao; quỹ đất dành cho phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ... Đặc biệt chú trọng phát triển, mở rộng diện tích các vùng trồng rau tập trung ở các phường Đông Thanh, Đông Giang theo hướng sạch, hữu cơ, VietGAP, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhân rộng các mô hình trồng rau trong nhà lưới, nhà màng. Từng bước đầu tư, mở rộng vùng trồng hoa tập trung ở phường Đông Giang, du nhập giống hoa mới, chất lượng cao vào sản xuất trong nhà màng theo hướng ứng dụng công nghệ cao…

Khi đã có quy hoạch ổn định vùng sản xuất, việc tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và các điều kiện phục vụ sản xuất là tất yếu. Trên thực tế, cơ sở hạ tầng hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp đô thị, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, để đảm bảo các điều kiện phát triển nông nghiệp đô thị hiệu quả trong thời gian tới, thành phố Đông Hà cần có sự đầu tư bài bản để hoàn thiện mặt bằng vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung phường Đông Giang, đầu tư cơ sở hạ tầng để mở rộng diện tích vùng nuôi tôm ở Hợp tác xã Đông Giang 2 cũng như mở rộng vùng trồng cây chanh leo và cây ăn quả ở Khe Lấp, Phường 3 theo hướng liên kết với doanh nghiệp. Hỗ trợ nguồn vốn xây dựng các mô hình nhà lưới, nhà màng, nhà bong bóng, bể nước, giếng khoan cho các vùng trồng rau, trồng hoa, nuôi tôm nước lợ. Ngoài ra, hạ tầng thiết yếu về giao thông, điện, cấp thoát nước đến vùng sản xuất đối với các dự án nông nghiệp kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn cần được đầu tư hoàn thiện.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị trong thời gian tới, thành phố tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng chú trọng năng suất, chất lượng. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình mới, nhân rộng các mô hình có hiệu quả. Tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tăng cường liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã… tham gia phát triển nông nghiệp đô thị thông minh.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154590